Tin nông nghiệp Chuyển đổi luân canh cây mè trên đất lúa

Chuyển đổi luân canh cây mè trên đất lúa

Author Hữu Đức, publish date Saturday. June 13th, 2020

Chuyển đổi luân canh cây mè trên đất lúa

Dọc theo triền đất phù sa bên sông Hậu, mỗi năm 2 vụ lúa tốt tươi, trúng đậm. Thế nhưng ít ai ngờ nông dân còn thu nhập tăng thêm nhờ có cây mè.

Mùa thu hoạch mè ở TP Cần Thơ. Ảnh: PMH.

Mè lãi cao hơn lúa

Ở vùng ven TP Cần Thơ có vùng đất lúa lâu đời. Nông dân quen luân canh 2 vụ lúa - 1 vụ màu, sản xuất bền vững thu đạt hiệu quả cao. Đất lúa luân canh trải dài từ địa bàn quận Thốt Nốt nối tiếp sang quận Ô Môn.

Mỗi năm năm cứ sau vụ lúa ĐX nông dân nối vụ Xuân Hè trồng mè (cây vừng), đậu, bắp, rau màu. Sau khi thu hoạch xong chuyển tiếp sang vụ HT và thu hoạch sớm trước khi nước lũ đầu nguồn mùa đổ về.

Một buổi trưa nắng nóng hầm hập giữa tháng 5/2020, khắp vùng trồng mè thu hoạch xong, làm đất gieo cấy lúa HT. Vừa chớp mắt đã thấy lúa HT sớm vượt lên xanh đồng.

Bên mái hiên trước nhà, anh Nguyễn Ngọc Lợi (SN1977) cùng với nhóm 5 nông dân khu vực Tân Phước I, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt (Cần Thơ) bàn chuyện mùa vụ nghe thật xôm tụ, vui vẻ.

Bên bàn trà tính toán lời lãi,  Anh Lợi tự tin qua 5 năm kinh nghiệm bền bỉ theo mô hình luân canh lúa-mè, nói: Nhà tôi có 4 công đất tầm lớn, khoảng 5.200 m2, sau vụ lúa ĐX 2019-2020 trúng mùa, được giá lãi ròng 2 triệu đồng/công, cộng thêm vụ trồng mè mới đây trừ chi phí lãi đạt 3 triệu đồng/công.

Sắp tới đây nếu tính gộp thêm vụ lúa HT 2020 thu khoảng 1,5 triệu đồng/công. Bỏ qua vụ TĐ cho đất nghỉ, thả nước lũ lấy phù sa.  Như vậy tổng thu trên 1 công đất luân canh lúa-màu năm nay nhà tôi đạt lợi nhuận  6,5 triệu/công.

Cùng với nhiều nông dân chuyên trồng giống mè đen ở phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, nhà anh Nguyễn Văn Mười có 13 công đất, qua hơn 13 năm luân canh lúa-mè.

Anh chia sẻ: Thời điểm vào vụ, cách thức chăm sóc để có vụ mè bội thu.  Sau khi kết thúc thu hoạch lúa ĐX xong, vào vụ trồng mè cần lưu ý chọn thời điểm gieo hạt phải tránh né cho giai đoạn sinh trưởng, thu hoạch gặp lúc mưa dầm.

Vì trồng mè khó nhất là yếu tố thời tiết. trong quá trình canh tác cây mè tránh thời tiết nóng khoảng 33-340C và nhiệt độ thích hợp nhất là 27-300C. Bởi do nhiệt độ nóng cao dễ làm trái rụng, giảm năng suất. Bên cạnh đó theo dõi màu lá để bón phân hợp lý giúp cây mè phát triển tươi tốt.

Một điểm nữa cây mè tuy ít bị sâu hại nhưng dễ gặp bệnh khoan cổ rễ, thối gốc chết cây con nên cần chú ý có biện pháp phòng trị kịp thời.

Trồng mè cực công nhất trong thời gian thu hoạch cắt, phơi trong khoảng 4-5 ngày. Tuy nhiên ngày nay nông dân trồng mè ở Cần Thơ đỡ cực nhọc nhờ có máy tách hạt.

Thêm nữa, mặt lợi hơn là thu lấy thân cây mè có thể ủ làm phân bón hữu cơ trả lại cho đất lúa vụ sau hoặc trồng màu.

Kết thúc vụ trồng mè năm nay nhiều nông dân trồng mè ở Thuận Hưng trúng đậm,  cả 2 mặt năng suất và được giá tốt. Riêng hộ anh Mười tổng thu trên 13 công đạt 100 giạ, tương đương 1,9 tấn mè đen. Sau khi trừ hết chi phí (không tính công lao động trong gia đình) lãi thuần thu khoảng 3,2 triệu đồng/công, tổng thu trên 60 triệu đồng/vụ mè.

Chuyển đổi cần có kỹ thuật

Chuyển đổi mùa vụ trong mấy năm gần đây phần nhiều nông dân trồng mè, trúng mùa, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Khi diện tích trồng mè lan rộng từ Thốt Nốt sang các địa phương trong vùng là nhờ có yếu tố tác động từ thị trường gắn liền với vùng chuyên canh.

Chỉ tính trên địa bàn quận Thốt Nốt có 12 cơ sở thu mua mè xuất khẩu. Trong đó một số cơ sở ký kết trực tiếp thu mua cuối vụ với nông dân trồng mè trên 100 ha.

Năm 2019 giá mè đen 40.000-45.000 đ/kg, đến vụ mè năm nay (2020) tăng lên 50.000-52.000 đ/kg. Nông dân trồng mè đạt năng suất cao, trúng mùa đậm.

Mấy năm cây mè thị thịnh hành, thị trường nông sản có giá tốt, vùng luân canh lúa-màu của TP Cần Thơ cao điểm tăng vọt trên 3.750 ha. Mè là cây trồng chủ lực.

Tuy vậy năm 2016 giá mè bất ngờ sụt giảm 17.000 đ/kg, gần mức giá thành 21.000-22.000 đ/kg. Đất trồng mè có phần thu hẹp. Năm nay mè đen bật giá cao, tại vùng chuyển đổi đất lúa ở Thốt Nốt diện tích mè vụ Xuân Hè tăng trên 860 ha, trong đó cây mè tăng lên trên 700 ha. 

Anh Lê Đình Dự, trưởng trạm BVTV quận Thốt Nốt, cho hay: Mấy vụ trồng mè gần đây đa số nông dân trúng mùa là nhờ ứng dụng kỹ thuật mới.

Mô hình trồng mè được cán bộ BVTV từ các dự án chuyển đổi cây trồng, giúp gia tăng hiệu quả SX trên diện tích đất lúa, với diện tích ban đầu 2.000 m2. Gói kỹ thuật chuyển giao thông qua các lớp tập huấn, tham quan mô hình điểm từ khâu gieo hạt, bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch hại.

Cán bộ BVTV địa phương hướng dẫn nông dân canh tác mè theo quy trình SX an toàn, sử dụng thuốc BVTV đúng trong danh mục được Cục BVTV cho phép và khuyến cáo ngưng phun thuốc, cách ly từ sau 20-30 ngày nên hạt mè đảm bảo an toàn.

Cuối mỗi vụ, sau khi thu hoạch so sánh ruộng mè mô hình và ruộng mè đối chứng về chi phí đầu tư, năng suất và hiệu quả gia tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất.

Đến nay mô hình mở rộng ra nhiều điểm, tổng diện tích trên 2 ha. Theo tập quán canh tác cũ trước đây nông dân còn tập quán đốt đồng trước khi gieo hạt, bón phân theo cảm tính, năng suất cuối vụ đạt bình quân 1,2-1,3 tấn/ha.

Đến nay nhiều nông dân nhận ra kỹ thuật canh tác mới có nhiều điểm lợi như: Cắt gốc rạ (thay vì đốt đồng, vứt bỏ rơm thừa từ vụ lúa trước là lãng phí), xẻ đất theo liếp có rãnh thoát nước (tránh tình trạng mưa gây ngập úng).

Dùng nấm Trichoderma tạo dinh dưỡng cho cây trồng, bón lót vôi 30 kg/ha, bón lân 36 kg/ha và liều lượng bón phân NPK (90-60-30) chia làm 4 lần trong quá trình canh tác. Trong giai đoạn đầu 7 ngày/đợt 1, đợt 2 sau 18 ngày (gieo hạt), đợt 3 là 30 ngày và đợt 4 là 42 ngày.

Kết quả, nông dân trồng mè theo gói kỹ thuật mới được chuyển giao năng suất đạt khoảng 13 giạ, tương đương 2 tấn/ha. Năng suất tăng hơn 700 kg/ha so canh tác mè theo tập quán cũ.

Theo tính toán chi phí SX từ mô hình 30 triệu đồng/ha, theo thời giá hiện nay, nông dân trồng mè đạt năng suất bình quân trên 1,4 tấn/ha lãi khoảng 60-70 triệu đồng/ha.

Trên vùng đất khô hạn, vào mùa khô gay gắt như vụ Xuân Hè, cây mè ít sử dụng nước và khả năng chống chịu sâu bệnh tỏ rõ khả năng thích nghi trên vùng đất chuyển đổi.

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi Cục Trưởng Chi Cục Trồng Trọt-VTV TP Cần Thơ, nhận xét: Trong quá trình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa để gia tăng hiệu quả sản xuất trên cùng diện tích đất cho thấy mô hình luân canh 2 lúa-1mè đang được nông dân thực hiện thành công.

Năng suất mè tăng lên, chất lượng mè an toàn, có thị trường tiêu thụ tốt. Do đó năm vụ mè năm 2020 TP Có trên 2.100 ha mè, tăng hơn 700 ha so cùng kỳ năm 2019.

Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) với mục tiêu tập trung cho cây lúa, đầu tư nâng cao chuỗi giá trị SX lúa gạo, năng lực HTX nông nghiệp, lò sấy, máy tách hạt…

Bên cạnh đó dự án VnSAT chú trọng hỗ trợ kỹ thuật sản xuất trên vùng chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả hoặc đất thiếu nước trong mùa khô sang chuyển đổi cây trồng cạn, ít sử dụng nước.

Ở ĐBSCL diện tích trồng mè đang có xu hướng tăng nhanh. Hiệu ứng chuyển đổi cây trồng, trong đó cây mè thích nghi thời tiết trong mùa khô hạn lại ít sử dụng nước tưới.

Hiện nay tại các tỉnh Long An, An Giang, Đồng Tháp và TP Cần Thơ ước tổng diện tích trồng mè trên 7.000 ha. Trong đó, tỉnh An Giang và Đồng Tháp đạt năng suất bình quân cao từ 1,2-1,4 tấn/ha.


Thị trường sản phẩm AI trong nông nghiệp sẽ tăng lên 4 tỷ USD năm 2026 Thị trường sản phẩm AI trong nông nghiệp… Kỹ thuật trồng vừng chống hạn vụ Hè Thu Kỹ thuật trồng vừng chống hạn vụ Hè…