Mô hình kinh tế Chuyển Đổi Sản Xuất Lúa Từ Lượng Sang Chất

Chuyển Đổi Sản Xuất Lúa Từ Lượng Sang Chất

Publish date Friday. July 18th, 2014

Chuyển Đổi Sản Xuất Lúa Từ Lượng Sang Chất

Từ năm 2012, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ triển khai Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với mô hình “Cánh đồng lớn (CĐL) áp dụng 1 phải, 5 giảm” kết hợp đầu tư hạ tầng, trang thiết bị phục vụ sản xuất...

Qua hơn 1 năm triển khai, dự án đã góp phần giúp nông dân trồng lúa giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh… Đây cũng là tiền đề để TP Cần Thơ phát triển chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo khép kín, tối đa hóa lợi nhuận cho các nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.

* Hoàn thiện quy trình canh tác

Được triển khai vào vụ đông xuân 2012-2013, đến nay, dự án ACP tại TP Cần Thơ đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật tham gia dự án và cán bộ ban quản lý thuộc 32 tổ hợp tác, hợp tác xã tại các quận, huyện về nâng cao năng lực quản lý dự án, quản lý kinh tế hộ ở hợp tác xã, các kỹ năng lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng đàm phán, tiếp thị sản phẩm…

Đồng thời, có hơn 24.000 lượt nông dân đã được tập huấn về quy trình canh tác lúa “1 phải, 5 giảm”. Qua đó, dự án đã xây dựng được 136 mô hình CĐL áp dụng quy trình này.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: “Mục tiêu chung của dự án ACP là giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho nông dân sản xuất lúa quy mô nhỏ thông qua các giải pháp hỗ trợ tiếp cận thị trường, cung cấp, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ sản xuất mới. Đồng thời tổ chức lại mô hình tổ, nhóm sản xuất có liên kết với doanh nghiệp (DN) để ổn định đầu vào lẫn đầu ra.

Trên cơ sở thực hiện mô hình CĐL áp dụng 1 phải 5 giảm, nông dân đã đánh giá được hiệu quả trong việc giảm mật độ gieo sạ, sử dụng các phương pháp phòng trừ sinh học, phân tích hệ sinh thái ruộng lúa tại nhà để cân đối lượng phân, thuốc hợp lý, giảm thiểu tác hại đến môi trường, tăng thu nhập”.

Song song với hoạt động đào tạo, chuyển giao khoa học kỹ thuật, WB còn tài trợ cho TP Cần Thơ hơn 17 tỉ đồng để trang bị 2 máy gặt đập liên hợp, 3 máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, 3 máy kéo, 2 kho trữ lúa và 2 nhà sấy lúa cho một số tổ hợp tác nhằm cơ giới hóa khâu sản xuất và bảo quản lúa sau thu hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Huấn, Tổ trưởng Tổ hợp tác Khiết Tâm, ấp D2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, phấn khởi nói: “Cuối năm 2013 đầu 2014, Dự án ACP đã đầu tư cho Tổ hợp tác 1 máy gặt đập liên hợp, 1 nhà kho sức chứa 1.000 tấn lúa, 1 lò sấy công suất 40 tấn/mẻ. Hiện kho trữ lúa đang hoàn thiện phần xây dựng và lắp đặt thiết bị để kịp đưa vào hoạt động trong năm 2014.

Với 161 hộ và diện tích sản xuất 340ha, kho chứa và lò sấy này chỉ chứa khoảng ¼ sản lượng lúa sản xuất ra của tổ hợp tác, song cũng giải quyết phần nào nhu cầu tạm trữ lúa khô của tổ viên. Sau khi tiếp nhận kho và lò sấy, Ban quản lý Tổ hợp tác sẽ tổ chức cho các tổ viên trữ lúa khô nhằm hạn chế tình trạng giá lúa đầu ra bấp bênh nhất là vào thời điểm thu hoạch đông ken”.

Theo tính toán của ngành nông nghiệp thành phố, với mô hình “CĐL áp dụng 1 phải 5 giảm”, lượng giống sử dụng giảm bình quân 20-30%/ha, lượng phân đạm bón cho lúa giảm từ 40-80kg/ha, số lần phun thuốc trừ sâu giảm từ 1,5 lần đến 3 lần/vụ.

Với kỹ thuật tưới nước ngập khô xen kẽ, chi phí bơm tưới trên ruộng mô hình giảm từ 300.000-400.000 đồng/ha/vụ và giảm tình trạng lúa đổ ngã, giảm thất thoát khi thu hoạch. Nhờ đó, các nông hộ tham gia mô hình thu lợi nhuận trung bình cao hơn các hộ canh tác theo tập quán bình thường hơn 4 triệu đồng/ha.

* Nâng cao khả năng cạnh tranh

Trong quá trình triển khai thực hiện, dự án ACP vẫn còn một số hạn chế như mối liên kết giữa nông dân và DN chưa phát triển sâu rộng và bền vững, nguồn lực đầu tư cho các CĐL chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Để nhân rộng mô hình, đòi hỏi phải có sự tham gia từ nhiều phía. Bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Thới Xuân là xã đầu tiên của Cờ Đỏ triển khai thí điểm dự án ACP trước khi nhân rộng toàn địa bàn huyện.

Trong quá trình thực hiện mô hình, huyện đã đầu tư hơn 3 tỉ đồng để hoàn thiện về cơ sở hạ tầng đê bao thủy lợi, đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước cho xã Thới Xuân nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ lồng ghép thực hiện dự án với các chương trình khuyến nông của thành phố và địa phương, việc triển khai mô hình CĐL áp dụng 1 phải 5 giảm rất thuận lợi, nông dân đồng thuận và hưởng ứng rất cao.

Tuy nhiên để nhân rộng mô hình đòi hỏi các nông hộ phải năng động cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện ghi chép sổ tay sản xuất đầy đủ. Đồng thời, phải huy động thêm các doanh nghiệp vào đầu tư theo chiều sâu để gắn kết đầu vào và đầu ra của sản phẩm lúa hàng hóa”.

Tham gia dự án ACP, một số tổ hợp tác sản xuất lúa của thành phố đã được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến và dự trữ lúa hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã khác cũng có nhu cầu đầu tư hoàn thiện hạ tầng song chưa được đáp ứng.

Ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng Tổ hợp tác Đồng Vạn, ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, băn khoăn: “Tổ hợp tác Đồng Vạn là một trong những đơn vị đầu tiên ở TP Cần Thơ xây dựng mô hình CĐL và duy trì hiệu quả đến nay. Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng để đầu tư kho chứa, lò sấy nên tổ không được tiếp cận được nguồn lực đầu tư từ dự án ACP.

Vì thế, Tổ cũng mong muốn thành phố có cơ chế hỗ trợ các Tổ hợp tác, hợp tác xã có nhu cầu đầu tư lò sấy, kho chứa tại chỗ được tiếp cận các chương trình dự án cạnh tranh nông nghiệp hoặc tiếp cận vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông thủy bộ để thu hút DN vào bao tiêu tại các CĐL”.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, khẳng định: Việc tổ chức nông dân thành tổ, nhóm hợp tác trong CĐL không chỉ đơn thuần là tập trung sản xuất mà còn phát huy chủ thể, năng lực sản xuất của nông dân.

Với sự hỗ trợ nhất định từ dự án, nông dân phải chủ động nắm bắt và khai thác hiệu quả, nâng cao kỹ năng sản xuất, khả năng cạnh tranh của hàng hóa, phát huy nội lực sẵn có. Đồng thời, các đơn vị được tiếp cận nguồn lực đầu tư từ dự án phải tăng cường năng lực quản lý nhằm phát huy cao nhất hiệu quả mô hình.

Vai trò của các địa phương cũng không kém phần quan trọng trong việc phối hợp cùng ngành nông nghiệp thành phố xây dựng định hướng nội dung hoạt động của dự án, hỗ trợ các nguồn lực có liên quan và vận động nông dân tham gia để tiếp tục duy trì, nhân rộng mô hình theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp hiệu quả và bền vững.


Hơn 98% Diện Tích Lúa Hè Thu Xuống Giống Bằng Máy Sạ Hàng Kéo Tay Hơn 98% Diện Tích Lúa Hè Thu Xuống… Hiệu Quả Từ Việc Nuôi Hươu, Nai Ở Uông Bí (Quảng Ninh) Hiệu Quả Từ Việc Nuôi Hươu, Nai Ở…