Chuyện Làm Giàu Từ Nuôi Ngựa Bạch
Về xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, xa xa đã thấy những chú ngựa bạch ung dung gặm cỏ. Chuyện về những con ngựa trắng muốt tưởng chừng chỉ có thể nhìn thấy trên cao nguyên Tây Tạng hiện hữu ngay tại bãi đê sông Hồng giữa lòng Hà Nội là một câu chuyện dài. Và hiện nay, trang trại Vạn An, xã Yên Mỹ đã trở thành trang trại ngựa bạch lớn nhất cả nước.
Khởi đầu gian nan
Ông Trần Quang Khánh, Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết, cách đây 6 năm, cả bãi đê sông Hồng bị bỏ hoang hóa, cứ mùa mưa lũ là ngập, nông dân quanh năm tránh lũ, luẩn quẩn với cây lúa, cây rau, cái nghèo đeo bám.
Rồi chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng ra đời, nhiều nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng cây ăn quả, sản xuất rau an toàn… nhưng thành công nhất phải là mô hình nuôi ngựa bạch của trang trại Vạn An.
Đi dọc bờ đê, nơi "định cư" của trại ngựa bạch lớn nhất cả nước, nghe chủ trang trại kể câu chuyện hồi sinh của vùng đất cỏ lau um tùm, ngập lụt quanh năm trước kia mới cảm nhận được phần nào công sức của những người lao động.
Chủ trang trại Vạn An là một phụ nữ trung tuổi, dáng người mảnh mai nhưng bản lĩnh. Chị Nguyễn Thị Hằng là "dâu" vùng đất Yên Mỹ, bởi trong lòng luôn canh cánh toan lo "miếng cơm, manh áo" của người nông dân nên chị khao khát xây dựng một mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với đồng đất này. Năm 2004, chị xin gần 7ha đất bỏ hoang bên đê sông Hồng để làm trang trại.
Chị tâm sự: Khởi đầu thực hiện dự án, chị đưa gia đình xuống thăm vùng đất chọn làm nơi xây dựng trang trại, nhìn lau sậy rậm rạp ai cũng e ngại, nhưng chị quyết theo đuổi giấc mơ làm hồi sinh vùng bãi ngập úng này. Rồi chị bắt đầu việc "dọn dẹp" cỏ lau, đào đắp, cải tạo làm trang trại chăn nuôi và xưởng sản xuất thức ăn gia súc.
Để tạo điều kiện cho người chăn nuôi, chị cho người dân mua chịu thức ăn, đến khi xuất chuồng mới thanh toán. Tuy nhiên, khó khăn bộn bề bởi dịch bệnh liên miên khiến nông dân thất thu và chị cũng hao hụt không ít vốn. Không nản chí, chị tiếp tục sản xuất thức ăn rồi đầu tư trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại chỗ.
Những năm 2004-2006, trang trại đã cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn thịt, hàng chục nghìn con giống từ gà, vịt cho đến dê, bò, thỏ, lợn… Nhưng cơ may lại không đến với chị, đầu năm 2007, đàn gia súc, gia cầm gặp dịch bệnh khiến chị mất trắng.
Trong lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, chị nghĩ tới con ngựa bạch và bắt đầu tìm hiểu về nó. Vốn là thành viên của Hội Thú y Việt Nam, khi chị nêu ý tưởng nuôi ngựa bạch đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhiều chuyên gia. Và rồi, chị bỏ lại sau lưng trang trại gần 7ha tàn lụi sau cơn dịch bệnh và bão giá, mạnh dạn vay gần 100 triệu đồng đi tìm mua giống ngựa bạch. Cái duyên với ngựa bạch của chị cũng "bén" từ lúc đó.
Bảo tồn nguồn gen ngựa bạch
Với số tiền vay mượn, sau bao ngày vất vả vào rừng núi Lạng Sơn, Thái Nguyên… thành quả chị mang về trang trại là 20 chú ngựa bạch. Khởi đầu cũng gặp không ít lời ra tiếng vào của mọi người nhưng chị không nản. Nuôi ngựa bạch một thời gian chị thấy ngựa bạch Việt Nam nhỏ nhưng sinh sản tốt, ngựa bạch Tây Tạng to nhưng sinh sản chậm nên có ý tưởng nhập ngựa bạch Tây Tạng về lai giống. Và đầu năm 2008, chị đã sang Tây Tạng mua thêm 20 con ngựa bạch.
Chị Hằng cho biết, ngựa bạch là loài thuộc dạng quý hiếm. Theo các tài liệu cổ của Trung Quốc, xưa kia, ngựa bạch Tây Tạng dùng để cống nạp triều đình, là món ăn bổ dưỡng của vua chúa. Ngựa bạch Tây Tạng sống trên độ cao hơn 3.000m, ăn các loại thảo dược quý, trong đó có loại cỏ sinh đông trùng hạ thảo, nên thịt, xương đều có giá trị cao.
Cao xương ngựa bạch là thực phẩm cực tốt, chỉ đứng sau cao hổ. Huyết thanh ngựa bạch là phương thuốc quý, phổi ngựa bạch là thần dược trị ho, hen suyễn. Thậm chí, những viên sỏi trong dạ dày ngựa bạch cũng có tác dụng chữa co giật, động kinh… Nếu thành công, mô hình nuôi ngựa bạch không chỉ mở hướng làm giàu cho nông dân mà còn bảo tồn được nguồn gen ngựa bạch quý hiếm đang bị săn lùng và truy sát làm thuốc.
Theo bác sĩ thú y Hoàng Triều (Hội Thú y Việt Nam), mô hình nuôi ngựa bạch không phải bây giờ mới xuất hiện, trước kia đã rất nhiều chuyên gia, bác sĩ bắt tay vào nuôi ngựa bạch nhưng không thành công. Đơn cử như bác sĩ Nguyễn Hữu Trọng đã lập dự án, xin cả nghìn héc ta rừng trên vùng Yên Lập (Phú Thọ) để nuôi ngựa bạch Tây Tạng nhưng không thành công bởi việc nhân giống thất bại… Với những bài học đắt giá của những người đi trước, chị Hằng đã dò dẫm tìm cách khắc phục những tồn tại để bước đến thành công.
Từ 20 con ngựa bạch, đến nay trang trại Vạn An đã có 100 con ngựa bạch giống Tây Tạng và Việt Nam. Trung bình một năm trang trại Vạn An có 20-40 con ngựa bạch sinh sản. Chu kỳ sinh sản của ngựa bạch khoảng 11-13 tháng. Hiện giá bán một ngựa con sau khi vỗ béo khoảng 7-8 tháng từ 25 đến 30 triệu đồng, ngựa to bình thường có giá từ 50 đến 120 triệu đồng.
Đánh giá về mô hình nuôi ngựa bạch tại trang trại Vạn An, GS-TS Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam cho rằng: Đây là mô hình nhân giống ngựa bạch thành công đầu tiên tại Việt Nam, với tỷ lệ sinh sản chiếm 80-85%.
Những con ngựa không còn khả năng sinh sản, đủ tiêu chuẩn nấu cao, trang trại đã xin phép Hội Thú y Việt Nam và Bộ Y tế cho sản xuất cao ngựa bạch. Tháng 6-2007, cơ sở sản xuất cao ngựa bạch Vạn An ra đời, quy trình nấu dựa trên kinh nghiệm dân gian, nấu 7 ngày 7 đêm.
Tháng 8-2007, cao ngựa bạch Vạn An được Bộ Y tế chứng nhận sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường. Đây là giấy phép đầu tiên của Bộ Y tế cấp cho Hội Thú y về sản xuất cao ngựa bạch tại thời điểm đó, hiện giờ cao ngựa bạch Vạn An bán rất chạy trên thị trường.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao