Mô hình kinh tế Chuyện nuôi tôm công nghiệp

Chuyện nuôi tôm công nghiệp

Publish date Thursday. November 5th, 2015

Chuyện nuôi tôm công nghiệp

Môi trường bị ô nhiễm, nguồn con giống trôi nổi không đảm bảo chất lượng, giá tôm thẻ cứ rớt liên tục, đợi hoài chẳng biết lúc nào mới tăng trở lại, chi phí đầu tư cho sản xuất ngày càng tăng.

Tỷ lệ thành công thì ít, rủi ro lại nhiều.

Thôi thì chuyển sang nuôi tôm quảng canh hay quảng canh cải tiến cho chắc”.

Lúc đầu ông Tấn cũng như nhiều hộ nông dân ở địa phương chẳng hiểu biết gì nhiều về kỹ thuật nuôi tôm công nghiệp.

Nhưng thấy 10 hộ nuôi thì có 8 hộ thành công, chỉ trong vòng 3, 4 tháng nuôi, lợi nhuận vài trăm triệu đồng, cá biệt có một vài hộ thu tới bạc tỷ, thấy ham, không đắn đo, ông Tấn thuê xáng vào múc đầm nuôi tôm công nghiệp với diện tích 700m2.

Ðúng như dự đoán của ông, mấy tháng sau, đầm tôm công nghiệp thu lãi ròng trên 50 triệu đồng.

Thành công bước đầu tiếp thêm động lực để ông mạnh dạn đưa cơ giới vào cải tạo thêm 2 đầm nuôi tôm công nghiệp.

Hầu như vụ nuôi nào cũng thành công, 5 năm sau, ông sang được 1,1 ha đất và tiếp tục mở rộng thêm diện tích nuôi tôm công nghiệp lên 5 đầm (tổng diện tích 1,6 ha).

Theo tính toán của ông Tấn, với mức thu nhập gần 200 triệu đồng/hầm/vụ, nhanh chóng sẽ thu hồi được vốn.

Tuy vậy, không lâu sau, giá tôm thẻ nguyên liệu liên tục rớt, có lúc giảm tới 50% so với các năm trước.

Do ảnh hưởng của giá tôm, cộng thêm chi phí đầu tư cho sản xuất đồng loạt tăng, mỗi vụ ông Tấn chỉ còn lời vài chục triệu đồng, có vụ “gãy”, lỗ không ít.

Ngán ngẩm với tình trạng giá tôm ngày càng giảm, ông Tấn dồn sức chăm sóc vài chục công đất nuôi tôm quảng canh truyền thống, kiếm sống qua ngày và tìm hiểu kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến, với hy vọng sẽ tìm được cơ hội làm giàu bền vững từ mô hình này.

Cùng chung hoàn cảnh với ông Tấn, anh Lê Thanh Tính (ấp Tân Bằng, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời) không giấu được nỗi buồn khi nhìn những đầm tôm công nghiệp đầy rong rêu, dàn quạt gác lên bờ, những chiếc mô-tơ cũng lặng lẽ nằm im nơi góc chòi.

Trước đây, ngày nào anh cũng bận rộn với mấy đầm tôm công nghiệp, vậy mà hiện nay anh được rảnh rỗi “vô thời hạn”.

Bởi toàn bộ 2,5 ha nuôi tôm công nghiệp (7 hầm) đều bị “treo” 3 tháng nay và không biết khi nào mới thả nuôi trở lại.

Anh Tính là một trong những người đầu tiên ở ấp mạnh dạn áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp.

Ban đầu anh chỉ nuôi thử 2 ao, với diện tích 4.000m2.

Thấy hiệu quả, anh liên tục mở rộng diện tích, chỉ trong vòng 2 năm (2012 - 2013), anh đưa cơ giới vào múc thêm 5 đầm nuôi tôm công nghiệp.

Cũng từ mô hình này, đời sống kinh tế gia đình anh ngày càng vươn lên.

Anh nghĩ, mình đã tìm được hướng đi đúng trong sản xuất.

Tuy nhiên, không lâu sau giá tôm rớt thê thảm trong thời gian dài, tình hình sản xuất của gia đình anh cũng khó khăn theo.

Anh Tính tâm sự: “Theo tôi nắm được, giá tôm hiện nay lại tiếp tục giảm.

Tình hình này kéo dài chắc tôi phải chuyển một số diện tích nuôi tôm công nghiệp sang mô hình khác, nuôi tôm xen canh cua hay nuôi cá chẽm, cá phi gì đó.

Khi nào giá tôm tăng trở lại sẽ tái sản xuất”.

Dự định là vậy nhưng anh Tính cũng còn băn khoăn vì không biết lựa chọn mô hình nào mới phù hợp với điều kiện sản xuất ở địa phương, vừa đem lại hiệu quả kinh tế bền vững, vừa có thể giúp anh vươn lên làm giàu.

Với những người tự chủ về nguồn vốn và nuôi tôm công nghiệp khá thành công như ông Tấn, anh Tính còn gặp lắm khó khăn, thì đối với bà con không có vốn, số vụ nuôi thất nhiều hơn trúng, càng điêu đứng hơn.

Không ít người phải bỏ xứ ra đi tìm kế sinh nhai.

Ông Ngô Văn Trực, ông Trần Văn Nam, cùng ngụ ấp Tân Bằng là những hộ nông dân rơi vào hoàn cảnh thê thảm ấy.

Thấy nhà nhà nuôi tôm công nghiệp, chỉ vài tháng thu nhập bạc trăm triệu đồng, không vốn, không kỹ thuật, họ vẫn làm liều một phen, hy vọng sớm đổi đời.

Liên tiếp mấy vụ nuôi bị thua lỗ, nợ nần chồng chất, không phương tháo gỡ, họ đành rời bỏ quê hương, mưu sinh nơi xứ người.

Ồ ạt chạy theo mô hình nuôi tôm công nghiệp để rồi giờ đây, sau biết bao lần thành công, thất bại, nông dân từng gắn bó với mô hình nuôi tôm công nghiệp bấy lâu nay mới nghiệm ra rằng: “Không thể làm giàu bền vững từ nuôi tôm công nghiệp”.

Mỗi người đang tìm hướng đi mới cho riêng mình.

Hơn lúc nào hết, bây giờ họ đang rất cần sự sẻ chia, định hướng kịp thời trong sản xuất của các cấp, các ngành chuyên môn.


Sử dụng Vitamin C trong nuôi thủy sản Sử dụng Vitamin C trong nuôi thủy sản Xuất khẩu thủy sản khó phục hồi Xuất khẩu thủy sản khó phục hồi