Chuyện thời cây quế lên ngôi bấp bênh vùng nguyên liệu quế
“Bấp bênh” vùng nguyên liệu quế
Tuy nhiên, để tạo được vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng, đảm bảo sản xuất lâu dài thì còn nhiều việc phải bàn, bởi hiện tại, do trồng quế tự phát, cùng với thu mua cành, lá quế đã và đang khiến nông dân ở hầu hết các địa phương trong tỉnh khai thác “quá mức”...
Theo đánh giá của ngành lâm nghiệp tỉnh, việc tỉa cây quế chỉ đem lại lợi ích trước mắt, mà không tính đến lâu dài, bởi việc tỉa thưa quá mức sẽ làm giảm chất lượng vỏ quế. Mặt khác, không có quy hoạch, nên nông dân trồng mật độ dày gấp 2 - 3 lần, thông thường 1 ha quế đảm bảo 1.800 - 2.000 cây, nhưng hiện tại bà con đang trồng với mật độ 5.000 - 6.000 cây/ha, thậm chí có những hộ trồng từ 8.000 - 10.000 cây/ha với suy nghĩ khi cây khép tán thì tỉa dần để bán. Theo “kinh nghiệm” của nhiều hộ dân, lý do khiến họ trồng quế với mật độ dày là do, từ năm thứ 2 không phải làm cỏ, đến năm thứ 3 có thể tỉa thưa để bán cho các cơ sở chiết xuất tinh dầu.
Ông Vũ Hồng Điệp, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: Giá trị của cây quế là ở vỏ, chứ không phải là cành, lá. Do đó, khuyến cáo của ngành lâm nghiệp, mật độ theo thiết kế lâm sinh, 1 ha trồng khoảng 2.000 cây giống, tỉa thưa dần qua các năm, đến chu kỳ thu hoạch toàn bộ chỉ để lại khoảng 500 - 600 cây/ha. Điều này sẽ giúp đảm bảo năng suất và chất lượng quế vỏ đạt cao hơn (khi đảm bảo giống, chăm sóc tốt và trồng đúng mật độ, sẽ cho sản phẩm quế vỏ thanh số 3, thanh số 8 có giá trị 800.000 đồng/kg, trong khi đó, hiện tại quế vỏ, người dân chỉ bán được giá 35.000 đồng/kg).
Mặt khác, việc phát triển rừng thuần loài trồng quế cũng khiến cho tình trạng sâu bệnh tăng mạnh. Năm nào cũng vậy, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xuất hiện sâu ăn lá quế. Đây chính là nguyên nhân ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng, phát triển, năng suất, chất lượng, sản lượng và hiệu quả của cây quế. Thực tế cho thấy, cùng với sự gia tăng nhanh về diện tích, vùng trồng quế, thì dịch bệnh, sâu hại quế cũng gia tăng. Cụ thể, năm 2011 - 2012, tại địa bàn huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, sâu ăn lá quế gây thiệt hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân... Đầu năm 2015, tại xã Xuân Hòa (Bảo Yên), sâu ăn lá quế cũng làm “cháy rụi” và mất trắng hơn 5 ha quế của nông dân.
Câu chuyện việc trồng, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ cây quế đang trở nên “nhộn nhịp”, thì thời gian qua (nhất là từ cuối năm 2014 đến đầu năm 2015), trên địa bàn xuất hiện hiện tượng thu mua nguyên liệu bán qua biên giới; tranh mua, tranh bán ở các địa phương, phần nào gây nguy cơ phá vỡ vùng nguyên liệu quế. Sự việc đầu tiên xảy ra khi ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc Công ty Techvina “cầu cứu” các cơ quan chức năng của tỉnh. Vào tháng 12/2014, có vài doanh nghiệp Trung Quốc liên hệ mua cành, lá quế, với giá 800 nhân dân tệ/tấn, tương đương gần 3 triệu đồng/tấn. Với giá thu mua như vậy sẽ “đánh sập” các xưởng chế biến tinh dầu quế trên địa bàn tỉnh như của Techvina đã đầu tư tại Xuân Quang (Bảo Thắng) do thiếu hụt nguyên liệu, bởi hiện tại, Công ty không thể mua giá cao như thế khi mà sản phẩm vẫn chưa xuất được đi các thị trường EU và Mỹ...
Cạnh tranh thu mua cành, lá quế cũng là hiệu ứng tốt để đẩy giá thu mua cho dân lên cao, tuy nhiên, việc thu mua xuất bán qua biên giới rất khó lường. Sự việc tiếp diễn đến vụ thu sản xuất năm nay, khi tháng 3/2015, các thương lái Trung Quốc lại thu gom mua thân, cành, lá quế với số lượng “có bao nhiêu cũng mua hết”... Điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ mua ồ ạt để “dìm” các doanh nghiệp trong nước, khi các đơn vị này “sập” thì họ tha hồ “hoành hành” về giá… Đây là hiện tượng như bao hiện tượng khác trong thời gian vừa qua, mà tư thương Trung Quốc đã làm ở Việt Nam.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế quy mô lớn với công suất 18.000 tấn nguyên liệu/năm tại huyện Bảo Thắng, Bảo Yên. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 cơ sở chưng cất tinh dầu nhỏ lẻ và các lò mini rải khắp các xã có diện tích trồng quế, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bắc Hà, Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn. Tuy nhiên, các cơ sở chưng cất tinh dầu nhỏ lẻ chưa có đăng ký hoạt động theo phương pháp thủ công, không theo quy trình đã gây ảnh hưởng đến môi trường, như khói bụi, phế liệu sau chưng cất không được xử lý kịp thời, không đảm bảo an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, việc quản lý chất lượng giống quế cũng đang là bài toán “đau đầu” đối với ngành lâm nghiệp và chính quyền địa phương có diện tích trồng quế nằm trong vùng nguyên liệu. Hiện tại, người dân thu hái, bảo quản hạt giống, xử lý rồi tiến hành gieo ươm tạo cây giống theo hai hình thức tạo cây con rễ trần và tạo cây con có bầu rồi đem đi trồng. Nguồn cây giống quế trên địa bàn tỉnh theo khảo sát của ngành lâm nghiệp có xuất xứ từ vùng quế Văn Yên (Yên Bái).
Còn tại xã Nậm Đét (Bắc Hà), từ nhiều năm nay, các hộ dân trồng quế bằng nguồn hạt thu tại các vườn quế của gia đình (trong xã chưa có vườn ươm giống quế). Đặc biệt, niên vụ quế năm nay do nhu cầu trồng quế tăng nhanh, thị trường hạt giống quế bất ngờ tăng giá từ 120.000 - 140.000 đồng/kg hạt lên 280.000 - 300.000 đồng/kg hạt. Lợi nhuận từ bán hạt quế tăng cao cũng là nguyên nhân khiến người dân thu hạt quế không đảm bảo tiêu chuẩn, gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng nguồn giống.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao