Tin nông nghiệp Chuyện về cà phê Organic

Chuyện về cà phê Organic

Author Bình Nguyên, publish date Friday. February 23rd, 2018

Chuyện về cà phê Organic

Chính sự khác biệt của vùng đất Tây Nguyên đã tạo nên mạch nguồn cho một loại cà phê mang hương vị nguyên thủy – cà phê Organic (cà phê hữu cơ).

Vườn cà phê đạt chứng nhận FLO của buôn Ea Mmat

Trên con đường di cư từ quê hương Ethiopia (châu Phi) đến Việt Nam, cà phê đã phát triển và biến thể tạo nên những hương vị độc đáo, riêng biệt được kết tinh từ đất, khí trời bởi sự khác biệt của chủ thể sản xuất khác nhau.  

Trở về với cội nguồn

Cây cà phê có ở Việt Nam hơn 100 năm nay và trở thành cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, đem đến sự ấm no, giàu sang cho nhiều vùng đất trải dài từ miền Trung đến các tỉnh Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng vẫn là thủ phủ của cây cà phê và là điểm nhấn mạnh mẽ trên bản đồ cà phê thế giới, trong đó có lễ hội cà phê độc đáo mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân bản địa cũng như hơi thở cuộc sống trong thời kỳ hội nhập với sự góp sức của du khách gần xa.

Theo đó, cứ hai năm một lần, vào tháng 3 – khi các vườn cà phê trải dài dọc các tuyến Quốc lộ 14, 26, 27 bung hoa trắng xóa, con ong đi lấy mật cũng là lúc Đắk Lắk vào mùa lễ hội.

Giữa không gian sinh hoạt là những ấm cà phê mộc, bản thể được pha với mật ong hoa cà phê dậy hương. Chính sự độc đáo trong tập quán sản xuất và văn hóa thưởng thức cà phê đã khiến hàng triệu lượt khách thập phương tìm về để tìm hiểu, nhớ đến cội nguồn, hương vị bản thể của nó.

Đó là những buổi sáng mang gùi lên rẫy làm cỏ, bẻ chồi, thu hoạch cà phê mang về chế biến theo cách thức truyền thống cổ xưa nhất – rang trên bếp củi sau đó thả vào ly nước sôi hoặc xay nhỏ rồi cho vào ấm đun trên bếp lửa để lắng nghe mùi hương thoang thoảng bay từ nhà ra ngõ, từ đầu buôn đến cuối buôn khiến bao người thổn thức.

Không chỉ vậy, điểm độc đáo của loại cà phê đặc sản này là cây được chăm bón một cách tự nhiên nhất (gần như không chịu quá nhiều tác động của con người trong quá trình canh tác) như một loại cây hoang dã dưới tán rừng - nơi cội nguồn Ethiopia huyền thoại, dù năng suất rất thấp nhưng hương vị lại thơm ngon, tinh túy, không phát hiện sự tồn dư hóa chất “ngoại lai” cho người thưởng thức.  

Hướng đến sản phẩm có giá trị

Cà phê hữu cơ là cà phê được canh tác trên vùng đất sạch, không nhiễm hóa chất và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học vào sản xuất. Với tham vọng xây dựng chuỗi sản phẩm cà phê organic và quảng bá hương vị cà phê truyền thống của người Êđê đến khắp năm châu, ông Y Căl Êban, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ công bằng Ea Kmat Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đã lặn lội đến nhiều quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại như Thái Lan, Singapore, Malaysia… để tìm hiểu về cách sản xuất và tiếp cận thị trường tiêu thụ.

Tập quán sản xuất truyền thống tạo nên mạch nguồn cho cà phê hữu cơ tồn tại và phát triển

Bởi, từ khi còn nhỏ ông đã biết đến cà phê như là một thức uống khoái khẩu chỉ dành cho người lớn và khi lớn lên, Y Căl nhận ra giá trị của cà phê, rằng mỗi ký cà phê có thời điểm đổi được hơn 10 kg gạo, nên ông quyết định bàn bạc với những người có uy tín trong buôn Ea Kmat chuyển đổi đất rẫy trồng lúa, hoa màu sang trồng cà phê.

Nhiều hộ vẫn giữ nguyên tập quán canh tác truyền thống, cà phê chủ yếu được trồng dưới các tán cây lớn và tủ gốc bằng lá cây, bón phân chuồng nên phát triển một cách tự nhiên như một loại cây rừng.

Anh Y Giáo Niê Kdăm là thành viên HTX có hơn 1,5 ha cà phê cho biết, vườn cà phê của gia đình được trồng xen nhiều loại cây khác như bơ, sầu riêng, muồng đen… để che bóng, chắn gió và tăng thêm thu nhập. Hằng năm, gia đình chủ yếu sử dụng phân chuồng ủ với vỏ cà phê để bón cho cây, rất ít khi phải mua phân bón hóa học nên năng suất vườn cây không cao (khoảng 1,8 tấn/ha) nhưng ít dịch bệnh, sản phẩm lại có chất lượng tốt nên luôn bán được giá cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường.

Ông Y Căl ÊBan cho biết, qua thực tế tham quan tại các nước sản xuất cà phê Organic cho thấy, cách thức sản xuất của họ giống với tập quán canh tác của người dân địa phương là gần như không sử dụng các hóa chất chăm bón cho cà phê.

Hiện tại, HTX đã tìm được thị trường thương mại 30 tấn cà phê organic với giá cao hơn cà phê thường từ 40 - 50%. Để hiện thực hóa mục tiêu tạo ra sản phẩm tốt xuất khẩu, HTX đang hướng dẫn nông dân thay đổi thói quen canh tác, từng bước giảm lượng phân bón hóa học, thuốc BVTV hằng năm xuống còn 80% vào năm 2015 và 70% vào năm 2016, 2017. Đồng thời, xây dựng đề án sản xuất cà phê Organic trên 20 ha, dự kiến sản lượng khoảng 25 tấn trình Bộ NN-PTNT chờ phê duyệt.

HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Ea Kmat Hòa Đông được thành lập năm 2014. Hiện tại, HTX có 99 thành viên chính thức tham gia sản xuất 140 ha cà phê đạt chứng nhận FLO (sản lượng bình quân hằng năm 600 tấn), 197 thành viên liên kết sản xuất 86 ha cà phê đạt chứng nhận 4C (hơn 200 tấn), gần 140 ha cà phê đạt chứng nhận Rainforest (hơn 500 tấn).


Trồng dưa lưới công nghệ cao giữa lòng thành phố Trồng dưa lưới công nghệ cao giữa lòng… Thành quả ngọt từ cây ớt cay Thành quả ngọt từ cây ớt cay