Tin nông nghiệp Có công nghệ cao, mỗi ha đất đẻ ra 2 tỷ đồng

Có công nghệ cao, mỗi ha đất đẻ ra 2 tỷ đồng

Author Bùi Hiếu, publish date Tuesday. March 21st, 2017

Có công nghệ cao, mỗi ha đất đẻ ra 2 tỷ đồng

Nhiều năm trở lại đây, Đà Lạt đã trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, trong việc trồng hoa, đây được xem là ngành chủ lực của địa phương.

Trong ảnh: Sơ chế hoa trước khi xuất đi ở Công ty Dalat Hasfarm. Ảnh: B.H

Tăng giá trị của đất

Trải qua gần 80 năm hình thành nghề trồng hoa, Đà Lạt đã trở thành vùng sản xuất hoa nổi tiếng cả nước, với hàng trăm doanh nghiệp, nông hộ sản xuất hoa công nghệ cao, những làng hoa truyền thống Hà Đông, Thái Phiên, Vạn Thành… Hiện, diện tích sản xuất hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận khoảng 7.600ha, sản lượng đạt hơn 2,5 tỷ cành. Trong đó, TP.Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực, chiếm hơn 63% diện tích sản xuất và 67% sản lượng hoa toàn tỉnh.

Nhờ trồng hoa công nghệ cao, nông dân Đà Lạt thường xuyên có thu nhập khá. Ảnh: I.T

Nổi bật nhất trong ứng dụng công nghệ cao trồng hoa tại Đà Lạt phải kể đến Công ty Dalat Hasfarm. Công ty Dalat Hasfarm đến Đà Lạt khá sớm (năm 1994), và trở thành điển hình của sản xuất hoa công nghệ cao tại địa phương. Chính những trang trại trồng hoa của Dalat Hasfarm là “mô hình điểm” giúp nông dân Đà Lạt tiếp cận kỹ thuật sản xuất hoa kiểu mới, đó có thể là cuộc “cách mạng” về công nghệ trồng hoa tiên tiến ở nơi đây.

Khởi đầu chỉ với 2,5ha diện tích trồng hoa, đến nay Dalat Hasfarm đã phát triển thành trang trại hơn 250ha trồng hoa theo quy trình công nghệ cao. Nơi đây như một “thành phố công nghiệp hoa” thu nhỏ với chuỗi nhà kính trồng hoa nhập khẩu từ Pháp có hệ thống điều khiển mái đóng, mở tự động, mái lợp bằng plastic chống tia cực tím.

Theo ông Nguyễn Văn Báo – Phó Tổng Công ty Agrivina – Dalat Hasfarm, ngay từ ngày thành lập công ty đã định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. “Bởi lẽ, những sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là xuất khẩu nên phải đạt được các yêu cầu cao của các đối tác. Môi trường tự nhiên của TP.Đà Lạt tuy tốt nhưng không kiểm soát để xuất khẩu được. Do vậy, trồng hoa trong nhà kính là bắt buộc. Chúng tôi đã tạo ra một môi trường hoàn toàn nhân tạo phù hợp với việc trồng hoa. Canh tác nông nghiệp công nghệ cao như vậy mang lại hiệu quả rất lớn trong việc sử dụng đất. Mỗi ha đất hiện nay tạo ra giá trị tương đương 2 tỷ đồng. Và chúng tôi cũng tăng được vòng quay trên 1ha, ví dụ như trước đây chỉ trồng được 100 cành cúc/m2/năm. Nhưng giờ đây nhờ trồng công nghệ cao chúng tôi có thể trồng được 130 – 200 cành cúc/m2/năm” – ông Báo cho hay.

Kiểm soát bằng công nghệ thông minh 

Theo ông Nguyễn Văn Báo, hiện công ty đang áp dụng 3 ứng dụng nổi bật nhất là công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt và công nghệ sử dụng ánh sáng. Tất cả đều hoàn toàn tự động, kiểm soát qua hệ thống máy tính thông minh.

Từ nền sản xuất lạc hậu,  bình quân giá trị sản xuất nông nghiệp ở Lâm Ðồng chỉ đạt 27 triệu đồng/ha, tính đến nay toàn tỉnh hiện có hơn 11.000ha canh tác ứng dụng công nghệ cao, trong đó có hơn 6.000ha hoa, thu nhập bình quân hoa cắt cành 650-700 triệu đồng/ha/năm. Tháng 12.2011, nhãn hiệu “Hoa Ðà Lạt” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng chỉ độc quyền trên phạm vi toàn lãnh thổ Việt Nam

Chị Lê Thị Đoan Trang – quản đốc bộ phận sản xuất hoa hồng của Công ty Dalat Hasfarm cho hay: Hầu hết các diện tích trồng hoa ở công ty và kể cả ở nhiều nơi khác tại Đà Lạt đều sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Tưới nhỏ giọt là kỹ thuật tưới cung cấp nước vào đất dưới dạng các giọt nước nhỏ ra đều đều từ công cụ hay thiết bị tạo giọt đặt tại một số điểm trên mặt đất gần gốc cây. Hệ thống tưới nhỏ giọt đơn giản bao gồm bồn chứa nước, hệ thống ống dẫn và đầu tưới nhỏ giọt hay dây nhỏ giọt. Phần điều khiển tự động bao gồm van điện điều khiển khu vực tưới, bộ lọc, bộ điều khiển số lần và thời gian tưới trong ngày. Hệ thống tưới nhỏ giọt có thể kết hợp với bộ châm phân tự động, cung cấp phân bón khi tưới tiêu, cách này được gọi là tưới bón.

Đến nay, hệ thống tưới nhỏ giọt là biện pháp tưới tiêu tiết kiệm nước nhất, giảm đến 30-60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Nông dân có thể mang nước, phân bón đến đúng địa chỉ với liều lượng vừa đủ dùng thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm và hiện đại hơn là kết nối với hệ thống máy tính kiểm soát.

Công nhân chăm sóc hoa tại Công ty CP Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt. Ảnh: I.T

“Hệ thống tưới nhỏ giọt đạt yêu cầu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phải là một hệ thống vận hành một cách tinh tế và “cảm nhận” được sự lớn lên, phát triển từng ngày cho mỗi loại cây trồng, cung cấp nước tưới và phân bón thích hợp nhất để đạt kết quả vụ mùa như mong muốn của nhà nông. Các hệ thống tưới nhỏ giọt sẽ được thiết kế, chế tạo dựa trên một nguyên lý chung, thế nhưng mỗi hệ thống đều mang vẻ độc đáo riêng tuỳ thuộc loại cây trồng, thổ nhưỡng, địa hình khi vực, quy mô mà hệ thống tưới…”- chị Trang cho hay.  


20 doanh nghiệp Hà Lan tìm cơ hội đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam 20 doanh nghiệp Hà Lan tìm cơ hội… Học trồng rau an toàn, nông dân thành triệu phú Học trồng rau an toàn, nông dân thành…