Mô hình kinh tế Có Đủ Vaccine Để Phòng Virus Cúm A H5N6

Có Đủ Vaccine Để Phòng Virus Cúm A H5N6

Publish date Thursday. August 28th, 2014

Có Đủ Vaccine Để Phòng Virus Cúm A H5N6

Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết Việt Nam có đủ vaccine phòng chủng cúm A H5N6 nếu dịch bệnh xảy ra trên diện rộng. Tuy nhiên, đây chỉ là loại vaccine dùng tiêm cho gia cầm.

Bên lề Hội nghị triển khai công tác chăn nuôi và thú y toàn quốc diễn ra sáng 26-8 tại Hà Nội, ông Thành cho hay, các triệu chứng lâm sàng của cúm A H5N6 tương đối giống với cúm A H5N1 và chỉ có cách xét nghiệm mới có kết luận chính xác chủng virus gây bệnh. Hiện nay tại Việt Nam, Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương có đủ năng lực để xét nghiệm virus cúm A H5N6.

Ông Thành cho biết thêm, theo thông tin ban đầu, vaccine cúm gia cầm H5N1 chủng Re-5 và vaccine cúm gia cầm Navet do Công ty Thuốc thú y Trung ương (Navetco) sản xuất có tác động bảo hộ tốt với virus cúm A H5N6. Do đó, nếu dịch bệnh xảy ra thì Việt Nam có thể chủ động nguồn vaccine để chống dịch.

"Tuy nhiên, chúng ta không nên quá chủ quan và việc cần làm hiện nay là tích cực nghiên cứu vaccine cúm gia cầm đảm bảo chất lượng và hiệu lực để chủ động tiêm phòng", ông Thành cho hay.

Vừa qua, Cục Thú y đã phát hiện virus cúm A H5N6 trên một đàn gà ở huyện Tràng Định (tỉnh Lạng Sơn), đàn vịt 1.900 con tại huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) và đàn chim trĩ đỏ 558 con tại huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai). Chủng virus này giống đến 99% so với chủng virus cúm gia cầm gây chết người ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc).

Theo Cục Thú y, kết quả điều tra ổ dịch cho thấy, ổ dịch ở tỉnh Lạng Sơn cách biên giới khoảng 5km, có khả năng liên quan đến gia cầm nhập lậu. Còn ổ dịch tại tỉnh Hà Tĩnh là do đàn vịt chăn thả cùng đàn chim hoang (vịt trời).

Tuy nhiên, ông Thành cho hay, ổ dịch tại Lào Cai khó xác định được nguyên nhân do đàn chim trĩ được nuôi nhốt tại gia đình trên 2 năm và đàn gia cầm xung quanh đều âm tính với cúm gia cầm.

Ông Thành cho biết thêm, ngay sau khi phát hiện điểm dịch cúm A H5N6, theo chỉ đạo của Cục Thú y, các tỉnh đã lấy mẫu gia cầm ở khu vực xung quanh để xét nghiệm, trong đó tỉnh Lạng Sơn lấy 7 mẫu, tỉnh Lào Cai lấy 12 mẫu, tỉnh Hà Tĩnh lấy 85 mẫu. Kết quả phân tích cho thấy các mẫu đều âm tính với H5N6.

Mặc dù tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm tại các địa phương trên vẫn ổn định, nhưng chủng virus này có thể lây vào Việt Nam theo đường vận chuyển gia cầm nhập lậu hoặc qua chim hoang dã, nên nguy cơ tiếp tục phát sinh các ổ dịch và lây nhiễm cho người là rất cao.


Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Vịt Biển Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Vịt Biển Thí Điểm Chuỗi Liên Kết Sản Xuất Và Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Thí Điểm Chuỗi Liên Kết Sản Xuất Và…