Mô hình kinh tế Cơ Giới Hóa Để Nâng Cao Giá Trị Sản Xuất Theo Hướng Bền Vững

Cơ Giới Hóa Để Nâng Cao Giá Trị Sản Xuất Theo Hướng Bền Vững

Publish date Thursday. October 2nd, 2014

Cơ Giới Hóa Để Nâng Cao Giá Trị Sản Xuất Theo Hướng Bền Vững

Theo định hướng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tỉnh ta xác định cơ giới hóa sản xuất là một trong những khâu then chốt, nhằm giảm chi phí sản xuất, giải quyết một phần tình trạng thiếu hụt lao động nông nghiệp lúc mùa vụ và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Những năm qua, ngành Nông nghiệp đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, vận động từ nhiều nguồn, tạo điều kiện để nông dân tiếp cận máy móc hiện đại, góp phần thực hiện cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, bơm tưới, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản.

THỜI CỦA CƠ GIỚI HÓA

Các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông là những vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh. Thời điểm thu hoạch rộ, những chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) hoạt động đều khắp trên cánh đồng bạt ngàn.

Ông Trần Văn Năm canh tác 0,7ha lúa ở ấp 4, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy cho biết, làm lúa bây giờ sướng lắm! Mỗi khi vào mùa vụ, người dân mướn người đến sạ hàng bằng máy, kêu công phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy và đến ngày thu hoạch thì máy GĐLH cũng làm hết, mình chỉ đem bao lại rồi đợi thương lái đến cân, lấy tiền rồi về…

“Trước đây, mùa mưa, 0,7ha đất lúa nếu cắt bằng tay, mất khoảng 2-3 ngày mới đem lúa về tới nhà. Giờ thu hoạch bằng máy chỉ khoảng hơn nửa buổi là xong. Tôi tâm đắc nhất là thu hoạch bằng máy giá rẻ hơn nhiều so với cắt tay” - ông Năm tâm sự.

Hiện nay, giá thu hoạch lúa bằng máy từ 2,5 - 2,6 triệu đồng/ha, thấp hơn nhiều so với thu hoạch thủ công. Thu hoạch bằng máy, không chỉ giải quyết tình trạng khan hiếm nhân công thời điểm đông ken mà còn hạn chế thất thoát do rơi vãi và nâng cao được chất lượng lúa gạo.

Ông Lê Văn Tèo, Phó Chủ nhiệm HTX Hậu Mỹ Trinh (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) cho biết: “Vừa qua, Dự án ACP đã hỗ trợ cho HTX 1 máy GĐLH. Vì vậy, ngoài việc ưu tiên phục vụ nhu cầu gặt đập cho mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL) của xã, chúng tôi sẽ mở hướng hoạt động dịch vụ để giải quyết nhu cầu thu hoạch lúa trên địa bàn huyện và các vùng lân cận.

Mỗi mùa vụ, máy gặt được từ 60 - 70ha lúa, tính ra cũng thu về vài chục triệu đồng. Từ chiếc máy này, bà con trong HTX sẽ sử dụng, bảo dưỡng thật tốt để những vụ sau có thể mua thêm nhiều máy mới”.

Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm, Dự án ACP tiếp tục mở các lớp huấn luyện chuyển giao quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”; tổ chức lại mô hình tổ, nhóm sản xuất; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm giá thành và hạn chế thất thoát sau thu hoạch cho nông dân tại các vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh.

HƯỚNG ĐẾN HIỆN ĐẠI

Trong những năm gần đây, hình thức gieo sạ đồng loạt né rầy và tổ chức sản xuất theo mô hình CĐL, thời gian thu hoạch tập trung tương ứng nên trang bị máy GĐLH là yêu cầu bức thiết.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 2.454 máy cày, gồm có 662 máy loại 4 bánh và 1.792 máy cày tay (2 bánh), tập trung tại các vùng lúa trọng điểm như: Cái Bè, Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 3 máy san phẳng đồng ruộng bằng tia laze,  nhằm thí điểm mô hình san bằng mặt ruộng để tiết kiệm chi phí sản xuất, tạo điều kiện áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, “công nghệ sinh thái”. Trong tỉnh hiện có 8.817 công cụ sạ lúa theo hàng, đáp ứng được 51% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có 4 máy cấy đưa vào sản xuất làm mô hình thí điểm sản xuất giống. Hiện tại việc phun xịt thuốc trừ sâu hoặc phân bón dạng lỏng đều sử dụng bình bơm tay hoặc bình phun bằng máy có gắn động cơ với nhiều chủng loại của Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam; ước tính tỷ lệ sử dụng bình phun máy khoảng 70 - 80%.

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 564 máy gặt đập liên hợp, trong đó có 141 máy do Việt Nam sản xuất, 421 máy ngoại nhập, phân bố đều tại các huyện, thị, thành. Tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy đạt tỷ lệ 84,8%, trong đó bằng máy GĐLH là 71,6%, máy gặt xếp dãy và máy suốt lúa là 13,2%. Toàn tỉnh có 594 máy sấy lúa, công suất 10.763 tấn, tập trung ở các cơ sở, doanh nghiệp xay xát lúa gạo.

Trên địa bàn tỉnh có 5/8 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất máy móc, thiết bị đăng ký bán hàng được hưởng chính sách theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư thiết bị sấy, kho tại các vùng nguyên liệu; các doanh nghiệp khác sản xuất máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời có 8 doanh nghiệp kinh doanh phụ tùng, máy móc nông nghiệp.

Tuy nhiên, việc áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp chưa phát triển ngang bằng với mức độ phát triển của ngành Nông nghiệp do quy mô sản xuất của nông hộ còn nhỏ; giá máy kéo, máy nông nghiệp còn quá cao so với thu nhập của nông dân; trình độ sản xuất công nghiệp, cơ khí chế tạo máy nước ta còn nhiều hạn chế; lực lượng lao động qua đào tạo nghề ở nông thôn còn thấp là một trong những trở ngại trong việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp...

Các doanh nghiệp kinh doanh máy móc, thiết bị đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng của nông dân, tuy nhiên ở các doanh nghiệp chế tạo với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra (các cơ sở chế tạo) không đồng bộ về chi tiết, không đồng nhất sản phẩm, không thể thay thế lắp lẫn khi có hư hỏng do không đầu tư nghiên cứu sâu, mà chỉ sao chép và kết hợp với sản phẩm có sẵn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm; bên cạnh đó chất lượng vật liệu chế tạo kém, không bền và không có nguồn nhân lực nghiên cứu chế tạo.

Từ nay và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp gắn với quy hoạch, tổ chức sản xuất theo mô hình CĐL. Đây là điều kiện để ứng dụng một cách đồng bộ các phương tiện cơ giới hóa vào quy trình sản xuất lúa, giảm tối đa thất thoát sau thu hoạch, nâng cao chất lượng lúa gạo, đem lợi nhuận cao nhất cho nông dân.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn liên ấp, liên xã; hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển lúa hàng hóa. Đây cũng là bước chuẩn bị căn cơ để thu hút doanh nghiệp mạnh dạn hỗ trợ “đầu vào” và bao tiêu lúa cho nông dân…

Thực hiện Quyết định 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010; Quyết định 65/2011/QĐ-TTg ngày 2-12-2011 của Thủ tướng Chính phủ về về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 63/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản và nay được thay thế bởi Quyết định 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, đến tháng 6-2013, tổng số tiền đã cho vay 34,290 tỷ đồng, với số tiền hỗ trợ lãi suất 5,007 tỷ đồng.

Ông Mai Thành Phụng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết:

“Năng suất lúa được quyết định bởi số bông trên đơn vị diện tích và số lượng hạt chắc trên bông. Nếu có mật độ thích hợp trong gieo cấy bằng máy thì sẽ tạo được đột phá trong năng suất, số hạt chắc trên bông sẽ tăng lên, năng suất cũng tăng theo.

Nếu làm được điều này, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có thể tăng năng suất lúa vụ đông xuân từ 8 lên 10 tấn/ ha và vụ hè thu từ 5 tấn lên 7 tấn/ ha. Đây là việc mà chúng tôi nghĩ có thể thực hiện được về cơ giới hóa trong trồng lúa.

Tuy vậy, giao thông, thủy lợi nội đồng hiện nay còn rất hạn chế nên khó tạo ra nền đất vững chắc để máy GĐLH hoạt động hiệu quả.

Hiện nay khó khăn càng gia tăng khi nông dân gieo sạ đồng loạt, thu hoạch rộ cùng lúc, áp lực tìm máy GĐLH trong dân càng gia tăng. Trong khi đó, quá trình chuyển dịch lao động sang làm dịch vụ (đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp), khiến lao động cắt lúa thủ công thiếu nghiêm trọng. Nếu thu hoạch bằng tay, lại phát sinh thêm tình huống thiếu máy suốt”.

Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nông dân tỉnh ta đang từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đây cũng là hướng đi giúp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần quan trọng đưa tỉnh ta hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phát triển theo hướng hiện đại.


Thu Lãi 200 Triệu Đồng Mỗi Năm Từ Mô Hình Nuôi Gà Thả Vườn Thu Lãi 200 Triệu Đồng Mỗi Năm Từ… Thanh Long Tìm Hướng Tiêu Thụ Nội Địa Thanh Long Tìm Hướng Tiêu Thụ Nội Địa