Tin nông nghiệp Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất mía

Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất mía

Author An Nhân, publish date Saturday. August 26th, 2017

Cơ giới hóa đồng bộ sản xuất mía

Nhìn nhưng cây mía mới 4 tháng tuổi đã cao vượt quá đầu người, thân to, bụi đẻ dày, nông dân tham quan cánh đồng mẫu lớn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ tại xã Tây Thuận (huyện Tây Sơn, Bình Định) ai cũng trầm trồ, mãn nhãn.

Tham quan cánh đồng lớn trồng mía áp dụng đồng bộ cơ giới hóa

“Đồng mía này chắc chắn năng suất không dưới 100 tấn/ha”! Không chỉ vậy, theo tính toán của nhiều nông dân, trồng mía áp dụng cơ giới hóa đồng bộ còn mang lại nhiều khoản lợi khác…

Niên vụ mía 2016-2017, Nhà máy Đường An Khê (Cty CP Đường Quảng Ngãi) đã phối hợp với ngành nông nghiệp Bình Định thực hiện mô hình cánh đồng lớn thâm canh SX mía ở các xã: Tây Thuận, Tây Giang (huyện Tây Sơn); Vĩnh Thuận, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Quang (huyện Vĩnh Thạnh) và Nhơn Thọ (TX An Nhơn) với 69 hộ nông dân tham gia; trên diện tích 50ha mía tơ, giống mía trồng chủ yếu là K95-84.

Số diện tích mía nói trên được ứng dụng cơ giới hóa từ khâu cải tạo đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch. Kết quả bước đầu tại mô hình cho thấy, tỉ lệ cây giống sống cao, mía mọc đồng đều, sinh trưởng và phát triển tốt. Theo người trồng mía, ứng dụng cơ giới hóa trong SX đã giảm được 2 triệu đồng chi phí làm đất so với cách làm truyền thống, giảm 4 triệu đồng/ha chi phí chăm sóc.

Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê, sử dụng máy liên hợp để thu hoạch, sẽ giúp nông dân giảm 5,5 triệu đồng/ha chi phí xén mía gốc, băm tủ rác mía. Nhà máy cũng thu mua toàn bộ sản phẩm với giá có lợi cho nông dân.

Tham quan mô hình, ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, đánh giá cao hiệu quả việc cơ giới hóa đồng bộ cánh đồng mía. Theo nhận định của ông Hùng, với sức sinh trưởng và phát triển của cây mía trong mô hình, chắc chắn năng suất sẽ cho không dưới 100 tấn/ha.

Do đó, ông Hùng đề nghị các địa phương có vùng nguyên liệu mía trọng điểm cần có chủ trương cụ thể về công tác quy hoạch từng lô, vùng chuyên canh để áp dụng tiến bộ KHKT tiên tiến vào đồng ruộng; phối hợp với Nhà máy Đường An Khê tổ chức các buổi tọa đàm, phổ biến kỹ thuật thâm canh để nông dân áp dụng; vận động và tổ chức nhóm hộ liên kết với nhau để tạo sự đồng thuận cao nhằm tăng năng suất.

"Đặc biệt, các địa phương cần tăng cường công tác vận động nông dân thực hiện đồn điền đổi thửa để sớm đưa cơ giới hóa vào SX mía đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân, thu hoạch nhằm hạ giá thành SX", ông Hùng đề nghị.

Ông Nguyễn Hoàng Phước cam kết, nhà máy sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đầu tư, ưu tiên cho các diện tích cánh đồng lớn; ưu tiên tập trung đầu tư hỗ trợ cho nông dân lượng bã bùn, vôi để cải tạo đất; tiếp tục ưu tiên mua sản phẩm trong cánh đồng lớn trong suốt chu kỳ SX.

Ông Đào Văn Hùng cho rằng, cơ giới hóa trong thâm canh trồng mía hiệu quả trước mắt cho thấy là đã làm giảm chi phí đầu vào, tăng hiệu quả SX gắn với việc giải quyết đầu ra sản phẩm lâu dài cho nông dân phù hợp với chủ trương của tỉnh Bình Định.

“Niên vụ 2017-2018, chúng tôi phấn đấu phát triển diện tích cánh đồng lớn trên 400ha mía tơ và chăm sóc toàn bộ diện tích mía gốc cánh đồng lớn đã thực hiện trong vụ vừa qua. Ngoài chính sách đầu tư chung hiện hành, Nhà máy Đường An Khê sẽ xây dựng chính sách đầu tư, mua mía riêng cho diện tích thực hiện cánh đồng lớn trong những năm đến”, ông Nguyễn Hoàng Phước cam kết.


Gà thương phẩm vẫn bí đầu ra Gà thương phẩm vẫn bí đầu ra Tạo hành lang pháp lý cho nông nghiệp hữu cơ Tạo hành lang pháp lý cho nông nghiệp…