Mô hình kinh tế Cơ Giới Hóa, Mở Rộng Sản Xuất

Cơ Giới Hóa, Mở Rộng Sản Xuất

Publish date Wednesday. October 29th, 2014

Cơ Giới Hóa, Mở Rộng Sản Xuất

Đa số cán bộ nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL về tham quan mô hình ở Đồng Tháp thừa nhận trồng ngô trên đất lúa đạt hiệu quả, có khả năng nhân rộng.

Ngày 28/10, sau khi tham quan mô hình trồng ngô lai đạt hiệu quả cao tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị “Sơ kết chương trình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng ngô ở vùng ĐBSCL”.

Đây là hội nghị quan trọng nhằm xác định bước tiến mới mở rộng vùng trồng ngô; đồng thời ghi nhận các ý kiến đóng góp của lãnh đạo các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp, Sở NN-PTNT các tỉnh và DN để hoàn thiện qui trình SX phù hợp.

Mô hình phù hợp, hiệu quả

Năm 2014, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VASS) bắt tay thực hiện mô hình chuyển đổi trồng ngô trên đất lúa, kết quả vụ ngô xuân hè (XH) tại tỉnh An Giang và TP Cần Thơ đạt năng suất 8-8,5 tấn/ha; tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) vụ ngô XH và HT đạt 10-11 tấn/ha.

Tại huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) vụ ngô thu đông (TĐ) đạt năng suất cao nhất 10-12 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí nông dân trồng ngô đạt lợi nhuận vượt trội so với trồng lúa, cao hơn 6-7 triệu đồng/ha. Đạt mục tiêu tăng thu nhập tối thiểu 20% cho nông dân tham gia mô hình so với trước chuyển đổi.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông (thuộc VAAS) cho rằng: Hiệu quả mô hình có ý nghĩa lớn, do trong thời gian qua SX và tiêu thụ lúa gạo bấp bênh, lợi nhuận nông dân bị giảm sút. Bên cạnh đó, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 nước ta nhập siêu ngô hạt số lượng lên tới 2,9 triệu tấn, lớn gấp 2,3 lần so cùng kỳ năm 2013.

Mô hình đã chứng thực vùng ĐBSCL có điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu thuận lợi cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong đó chuyển đổi trồng ngô phù hợp với Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, phục vụ chủ trương chuyển đổi 200.000 ha đất lúa kém hiệu quả của Chính phủ.

Ông Trần Trương Tấn Tài, Giám đốc kinh doanh Cty TNHH DEKLAB Việt Nam, cho biết, trong năm qua (từ tháng 10/2013 đến tháng 10/2014) Cty đã đồng hành với Viện KHKTNN Miền Nam và Cty Tài Lộc thực hiện 54 mô hình trồng ngô qua các vụ ĐX, XH, HT trên diện tích 4.400 ha tại 7 tỉnh, thành trong vùng.

Ông Tài nói: “Nếu các mô hình có sự phối hợp tốt giữa các bên tham gia sẽ thành công mỹ mãn hơn. Dù vậy vẫn đạt nhiều điểm sáng, tiêu biểu như: ở xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) có mô hình chuyển đổi 0,7 ha từ lúa sang trồng ngô lai giống DK6919, của nông dân Mười Lượng (Phạm Thành Lượng), đạt tổng doanh thu trên 30,5 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận trên 10,6 triệu đồng. Trong khi canh tác vụ lúa trước đó, ông Mười Lượng chỉ đạt doanh thu 21,1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí SX lãi chỉ 3,5 triệu đồng.

Ở Tân Lập, huyện Tân Thạnh (Long An), ông Đinh Văn Thê trồng 1,7 ha ngô trên nền đất lúa vụ HT 2014, đạt doanh thu trên 71,1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi trên 20,1 triệu đồng. So sánh với trồng lúa vụ HT 2013 ông Thê đạt tổng doanh thu đạt 49,2 tiệu đồng, trừ chi phí SX lãi còn 13,8 triệu đồng".

Chưa hết băn khoăn

Đa số cán bộ nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL về tham quan mô hình ở Đồng Tháp thừa nhận trồng ngô trên đất lúa đạt hiệu quả, có khả năng nhân rộng. Tuy nhiên vẫn không ít ý kiến băn khoăn khi điều kiện cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL còn khó khăn, nhất là cần vốn đầu tư cải tạo hệ thống thủy lợi tưới tiêu cho vùng chuyển đổi.

Theo Cục Trồng trọt, từ đầu năm 2014 đến nay ĐBSCL chuyển đổi trồng cây rau màu ước khoảng 162.117 ha, trong đó trồng ngô 25- 30 ngàn ha. Các mô hình trồng ngô trên đất lúa kém hiệu quả ở vùng ĐBSCL đã chứng minh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tại An Giang, Đồng Tháp nổi bật nông dân trồng ngô đạt lợi nhuận cao gấp 1,5-1,8 lần so với trồng lúa.

Làm thế nào nông dân nắm được quy trình khi chuyển đổi. Và vấn đề tiên quyết là thị trường tiêu thụ, nếu có càng nhiều DN ký hợp đồng với nông dân trồng ngô càng tốt. Bởi hiện giá ngô tươi trong vùng rớt còn 3.400-3.600 đồng/kg thì chuyển đổi sao đây?

Trong khi đó về lao động, một nông dân ở ĐBSCL có thể canh tác trên 10 ha lúa, nhưng trồng ngô chỉ kham nổi 2 ha. Đó là do thiếu cơ giới hóa. Để mở rộng SX, làm sao có đủ máy móc cho nông dân là bài toán khó.

Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang dẫn chứng: Năm 2014, Tiền Giang chuyển đổi SX dưa, ngô trên 3.500 ha. Thực tế ngô hoàn toàn có thể cạnh tranh với lúa, nhưng đòi hỏi tập trung cơ giới hóa các khâu. Nếu không thực hiện được khó lòng giảm chi phí, khó mở rộng diện tích.

Ông Châu Hồng Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ: “Trong vài năm gần đây Đồng Tháp khuyến khích nông dân chuyển đổi sang trồng ngô, mè, đậu nành… nhưng quả thật trồng ngô trên đất lúa khó khăn, cần tính toán áp dụng cơ giới hóa, giảm chi phí hơn nữa”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Thực hiện chuyển đổi cây trồng là chủ trương lớn và Chính phủ có chính sách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha trên vùng quy hoạch chuyển đổi. Bên cạnh đó Bộ NN-PTNT sẽ yểm trợ kỹ thuật thực hiện các mô hình chuyển đổi, trong đó có cây ngô trên đất lúa.

Vừa qua mô hình chuyển đổi trồng ngô đạt kết quả là câu chuyện khởi đầu. Chúng ta đã xây dựng được mô hình và khẳng định khả năng nhân rộng, như mô hình huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, Long An… Đó là do chính quyền địa phương và nông dân tỏ rõ quyết tâm chuyển đổi, tích cực, sáng tạo.

Sắp tới, về kỹ thuật có 2 hướng cần tiếp tục nghiên cứu, là chọn giống ngô thích hợp vùng ĐBSCL và cơ giới hóa; đây là chương trình khuyến nông trọng điểm. Cục Trồng trọt sớm có văn bản triển khai kế hoạch chuyển đổi đến từng tỉnh, chú trọng chuyển đổi trong vụ XH, HT và một phần vụ TĐ; đồng thời chú trọng kết nối DN với nông dân trong SX và tiêu thụ sản phẩm.


Liên Kết 4 Nhà Giúp Hồ Tiêu Thành Công Liên Kết 4 Nhà Giúp Hồ Tiêu Thành… Bơm Nước Giếng Khoan Vào Bụng Heo Bơm Nước Giếng Khoan Vào Bụng Heo