Mô hình kinh tế Cơ Hội Xuất Khẩu Gỗ Chế Biến

Cơ Hội Xuất Khẩu Gỗ Chế Biến

Publish date Tuesday. June 24th, 2014

Cơ Hội Xuất Khẩu Gỗ Chế Biến

Khác với nhiều mặt hàng nông - thủy sản phải lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc cả về xuất khẩu sản phẩm và nhập khẩu nguyên liệu, ngành gỗ chế biến có thể nói đã “thoát Trung” khi cơ cấu thị trường xuất khẩu chủ lực, kể cả nhập khẩu gỗ nguyên liệu của mặt hàng này không có Trung Quốc.

Cơ hội từ nước ngoài

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Xuất khẩu đồ gỗ TPHCM (Hawa) cho biết, ngành hàng sản phẩm gỗ chế biến chủ yếu xuất khẩu đi các nước châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản…, còn tỷ lệ sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc rất thấp so với kim ngạch xuất khẩu 5,5 tỷ USD năm 2013 và nhiều năm trước cũng vậy. Nếu có chăng là việc xuất khẩu gỗ dăm nguyên liệu từ trồng rừng và một phần không đáng kể đồ gỗ nội thất.

Những năm qua, khi kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế tác động đến ngành chế biến gỗ nổi tiếng và lâu đời của Ý, Đức, kể cả Mỹ làm giá thành các mặt hàng nội thất tại chỗ tăng cao, không cạnh tranh được so với hàng nội thất nhập khẩu từ các nước châu Á, trong đó có Việt Nam với tư cách là nước chế biến và xuất khẩu gỗ nội thất số 2 châu Á.

Vì vậy, nhiều nhà máy với thiết bị và công nghệ tiên tiến của những nước chế biến đồ gỗ nội thất lừng lẫy thế giới như Ý, Đức… buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc điều hành Công ty Scansia Pacific, nguyên Chủ tịch Hawa, cho rằng bối cảnh này là cơ hội để ngành gỗ chế biến Việt Nam mở rộng thị trường và thị phần xuất khẩu. Hơn nữa, những nhà xưởng công ty chế biến gỗ của các nước Âu Mỹ đều là thiết bị tiên tiến, ông chủ của những doanh nghiệp (DN) này sẵn sàng bán lại cho DN Việt Nam, đồng thời cử chuyên gia sang đào tạo, huấn luyện và vận hành thời gian đầu. Đây là cơ hội để DN Việt Nam có điều kiện tiếp cận các thiết bị mới nhất của ngành chế biến gỗ các nước tiên tiến với giá vừa phải.

Cũng thời điểm đó, mặt hàng đồ gỗ chế biến từ Trung Quốc đang mất dần lợi thế cạnh tranh khi bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá ở mức cao và giá nhân công lao động ở Trung Quốc tăng lên, nhiều nhà nhập khẩu chuyển qua Việt Nam đặt hàng thay cho nhà cung ứng từ Trung Quốc. Ngay cả các nước cũng có chính sách đa dạng hóa nguồn cung thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc. Đơn hàng tăng cao chủ yếu từ Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gạo, cao su, khoai mì (sắn) gặp khó về thị trường nên giá giảm khá mạnh, đặc biệt mặt hàng cao su, khiến nhiều hộ cao su tiểu điền đã phải chặt bỏ, chỉ riêng tỉnh Tây Ninh gần 2.000ha, nhưng mặt hàng gỗ chế biến vẫn tiếp tục phát triển ở mức 2 con số nhiều năm qua, kể cả năm nay.

Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm gỗ chế biến 6 tháng đầu năm 2014 khoảng 3 tỷ USD, tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2013. Nhiều DN đã có hợp đồng sản xuất cả năm nên mục tiêu xuất khẩu 6,2 tỷ USD cả năm 2014 hoàn toàn có khả năng đạt được so với kim ngạch xuất khẩu năm 2013 là 5,5 tỷ USD.

Cơ hội trong nước

Đó là nhận định của Hawa trước sự nóng lên của tình hình biển Đông. Trong khi không chỉ ngành nông - thủy sản và các lĩnh vực khác đang phải định hình lại chiến lược xuất nhập khẩu để không phụ thuộc vào Trung Quốc thì ngành gỗ nội thất lại tăng thêm cơ hội trở về sân nhà sau thời gian dài để cho mặt hàng gỗ nội thất nước ngoài chiếm lĩnh.

Cuộc khảo sát của một công ty độc lập nước ngoài cho thấy, với quy mô 90 triệu người, thương mại đồ gỗ Việt Nam 4 năm gần đây vào khoảng 19,8 tỷ USD/năm.

Trong đó, tiêu dùng đồ gỗ người dân thành thị chiếm khoảng 30% cho hộ gia đình, 40% cho các công trình dự án mới và 30% thị phần còn lại đến từ 70% dân cư nông thôn. Trước thời điểm suy thoái kinh tế, giá trị thương mại đồ gỗ nội địa đạt khoảng 3 tỷ USD/năm. Và với sự hồi phục này, tiêu dùng nội địa năm nay nhiều khả năng đạt 2 tỷ USD trở lên và sẽ tăng thêm vào những năm tới.

Sản phẩm nội thất nhập khẩu cung ứng cho thị trường trong nước trước đây chủ yếu từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore… Nhưng vài năm nay, các DN chế biến và xuất khẩu mặt hàng gỗ nội thất sau khi chinh phục nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu để mắt đến thị trường trong nước.

Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hawa, cho biết các DN trong nước có ưu thế khi sản phẩm được chế biến bằng gỗ đặc (solid wood), chắc và bền hơn nhiều so với đồ các nước làm từ gỗ, ván nhân tạo. Điều này đáp ứng nhu cầu số đông người tiêu dùng trong nước do vẫn thích hàng “ăn chắc mặc bền”. Về giá, nếu cùng chủng loại là gỗ đặc, Việt Nam chắc chắn rẻ hơn sản phẩm gỗ nhập từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác, vì họ phải chịu thuế nhập khẩu khá cao (khoảng 27%).

Từ năm 2011 trở lại các mặt hàng gỗ chế biến sản xuất trong nước ngày càng nhiều hơn, thay thế dần mặt hàng nội thất nước ngoài, nhất là từ Trung Quốc. Vấn đề hiện nay của các DN chế biến là việc phân phối. Với tình hình biển Đông hiện nay, nhiều DN nhận định, đây là cơ hội thúc đẩy tâm lý người Việt dùng hàng Việt không chỉ với mặt hàng nội thất mà nhiều mặt hàng khác.


Vụ Bắp Bị Ảnh Hưởng Nắng Nóng Vụ Bắp Bị Ảnh Hưởng Nắng Nóng Hiệu Quả Cao Nhưng Cần Nhiều Vốn Hiệu Quả Cao Nhưng Cần Nhiều Vốn