Mô hình kinh tế Cò Lúa Ăn Chặn Tiền Bán Lúa Của Nông Dân

Cò Lúa Ăn Chặn Tiền Bán Lúa Của Nông Dân

Publish date Friday. March 6th, 2015

Cò Lúa Ăn Chặn Tiền Bán Lúa Của Nông Dân

Nông dân khổ vì “cò” lúa khi có hiện thương lái nhất quyết không mua lúa trực tiếp của nông dân nữa mà thông qua “cò”...

Trong khi nhiều nông dân tại ĐBSCL đang “khóc ròng” do giá lúa xuống thấp và khó tiêu thụ, nhiều “cò” lúa nhân cơ hội này làm khó người trồng lúa, vừa ăn hoa hồng từ thương lái vừa ăn chặn tiền bán lúa của nông dân.

Nhiều thương lái và doanh nghiệp cho biết không đủ lực để mua trực tiếp lúa của nông dân, nhất là trong bối cảnh diện tích lúa manh mún với nhiều giống lúa khác nhau, nên phải thông qua “cò” lúa để nắm bắt thông tin chính xác, giảm chi phí.

Bán lúa phải lụy... ”cò”

Chỉ cho chúng tôi xem đống lúa hơn 4 tấn đang phơi ngoài sân, ông Đặng Hoàng Huynh (xã Thạnh Yên, U Minh Thượng, Kiên Giang) bực dọc nói: “Ghét tụi “cò” mà tui không thèm bán luôn, để lại nấu rượu bán còn sướng hơn”.

Vụ này, ông Huynh trồng 3,3ha lúa thơm OM5451. Trước tết giá lúa tươi bán tại ruộng khoảng 5.100 đồng/kg. Tới khi lúa chín vàng đồng, “cò” tới nhà chào giá 4.600 đồng/kg, ông Huynh không bán.

Mấy ngày sau chủ ghe nâng giá mua lên 4.800 đồng/kg, ông Huynh vẫn cương quyết không bán vì thấy mình bị ép giá quá đáng.

Theo ông Huynh, ba năm nay “cò” mua lúa bắt đầu xuất hiện, đóng vai trò trung gian giữa nông dân với các thương lái mua lúa. Thời điểm lúa vừa trổ bông, “cò” bắt đầu lượn khắp làng trên xóm dưới, săm soi từng đám ruộng, cho giá rồi đặt cọc.

Thời gian đầu, một công ruộng được “cò” đặt cọc khoảng 500.000 đồng, nhưng gần đây các “cò” giảm mức tiền cọc chỉ còn 200.000 đồng/công.

“Đầu vụ, “cò” đặt cọc với giá 5.000 đồng/kg lúa tươi tại ruộng. Nhưng khi thu hoạch, nếu giá lúa tăng là “cò” bỏ luôn không thèm mua. Nếu giá lúa giảm, “cò” bắt đầu tìm đủ mọi cách ép giá nông dân.

Tiền cọc không rõ là của thương lái hay của “cò”, nhưng cuối cùng nông dân tụi tui vẫn chịu thiệt” - ông Huynh nói.

Các cánh đồng ở TP Châu Đốc (An Giang) chín rộ nhưng nhiều thửa ruộng chưa thể thu hoạch đang mỏi mòn chờ thương lái.

Trong khi đó, một số “cò” rảo xuống tận ruộng bảo muốn kêu được thương lái đến để bán sớm phải chi 100 đồng/kg lúa.

Tại các cánh đồng ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ), do loại lúa thơm jasmin rất khó bán nên nhiều nông dân phải chạy vạy nhờ “cò” kéo bạn hàng đến mua 4.800 đồng/kg.

“Ai cũng cho riêng “cò” thêm 100 đồng/kg lúa. Tôi làm chục công ruộng, thu hoạch bán được 5 tấn mất 500.000 đồng” - bà Nguyễn Thị Lài (Thốt Nốt, Cần Thơ) nói.

Nhiều nông dân khẳng định hiện thương lái nhất quyết không mua lúa trực tiếp của nông dân nữa mà hoàn toàn thông qua “cò”. Không chỉ làm trung gian tiêu thụ lúa, các “cò” còn bao luôn cả việc kêu máy gặt, mua rơm khô, cho vịt chạy đồng, tiêu thụ phân bón...

Giá lúa năm nay giảm gần 1.000 đồng/kg nhưng vẫn phải bán vì đã nhận tiền cọc của “cò” từ trước tết. “Nói thiệt với chú, bây giờ nông dân tụi tui hoàn toàn phụ thuộc vô “cò” hết.

Giá lúa bao nhiêu, ngày nào cắt, cắt rồi gom để chỗ nào cũng đều do “cò” quyết định hết” - bà Phạm Thị Bé (U Minh Thượng, Kiên Giang) bức xúc.

Do mua lúa qua trung gian

Giải thích về việc sử dụng nhiều “cò” vệ tinh để thu gom lúa, ông Dương Văn Điệu, thương lái mua lúa gạo tại Đồng Tháp, cho biết với những vùng sản xuất lúa chưa được doanh nghiệp bao tiêu tồn tại rất nhiều bất cập.

“Đầu tiên là diện tích manh mún nhỏ lẻ khó tiếp cận, vận chuyển. Tiếp đến là trên một diện tích chưa đến 20ha nhưng có đến 3-4 giống lúa được trồng khiến việc phân loại thu mua càng khó khăn gấp bội. Do đó chúng tui cần tới đội ngũ “cò” thông thuộc tình hình sản xuất lúa tại địa phương thu gom, phân loại giúp để thương lái dễ bề mua với số lượng lớn” - ông Điệu giải thích.

Trong khi đó ông Đoàn Văn Hiền, giám đốc Công ty TNHH XNK Lộc Anh (Đồng Tháp), cho biết sở dĩ còn tình trạng doanh nghiệp mua lúa thông qua thương lái và “cò” là do doanh nghiệp hiện nay chưa đủ năng lực và nhân lực để có thể tiếp cận trực tiếp nông dân mua lúa.

“Thông qua “cò” và thương lái, hạt lúa mới đến tay doanh nghiệp thì tất nhiên nông dân bán lúa bị bắt chẹt ít nhiều. Ngoài trách nhiệm từ phía doanh nghiệp, Nhà nước thì chính cách sản xuất manh mún và có phần đơn độc từ phía nông dân khiến họ tự gây thiệt hại cho mình” - ông Hiền nhận xét.

Nhiều thương lái đang mua lúa tại Thốt Nốt cho biết sau khi doanh nghiệp đặt mua gạo xô để chế biến, họ liên lạc với “cò” để biết những nơi nào đang thu hoạch, cánh đồng nào đang trồng những giống lúa gì để chủ động trong việc mua bởi “cò” thường nắm rành rẽ tình hình gieo trồng, thời điểm thu hoạch, cũng như có mối quan hệ lâu nay với các hộ nông dân ở địa bàn của mình.

Khi họ nói cần mua nhóm giống lúa gì, “cò” sẽ rà soát rồi chấm “tọa độ” để họ đến ruộng xem hàng, đặt tiền cọc, hẹn ngày mua. Sau khi thương lái đưa ghe đến, nông dân mới thuê máy gặt thu hoạch lúa giao cho họ.

Cánh thương lái cho rằng lâu nay các doanh nghiệp kinh doanh lương thực không hề đứng ra mua lúa mà chỉ đặt mua gạo xô qua họ để chế biến.

Từ giá gạo nguyên liệu do doanh nghiệp đưa ra, sau khi chiết tính và trừ hết các khoản chi phí vận chuyển, xăng dầu chạy ghe, thuê lò sấy, nhân công bốc dỡ... họ đưa ra giá mua lúa tươi tại ruộng, trong đó riêng khoản trích cho “cò” 50-100 đồng/kg lúa.

“Phải nói rằng nhờ có “cò” mà mình mua lúa nhanh hơn, giảm được việc phải cho ghe cộ rong ruổi nhiều nơi, chi phí cũng thấp hơn. Bà con muốn bán lúa cũng nhanh hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều “cò” còn lấy thêm tiền từ nông dân, nhất là vào những đợt lúa khó tiêu thụ, rớt giá” - ông Nguyễn Văn Đài, chủ doanh nghiệp xay xát ở Thanh An (Thốt Nốt), cho hay.

Nông dân cần tham gia chuỗi liên kết

Ông Nguyễn Văn Đôn - giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), đang thực hiện liên kết cánh đồng mẫu lớn 600ha với nông dân - cho rằng doanh nghiệp trực tiếp làm ăn với HTX thông qua cánh đồng mẫu lớn có thể quản lý giống, diện tích vùng gieo trồng cũng như chất lượng lúa hàng hóa sau khi thu hoạch.

“Thông qua chuỗi liên kết lúa gạo, nông dân có thể bán lúa trực tiếp cho doanh nghiệp với giá cao mà không phải thấp thỏm mỗi khi giá lúa sụt giảm. Tóm lại, nông dân cần tham gia chuỗi liên kết thay vì đứng đơn độc như hiện nay” - ông Đôn đề ra giải pháp.

Ông Nguyễn Văn Trãi, giám đốc HTX Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), cho biết nhờ hợp tác với doanh nghiệp nên hơn 16.000 tấn lúa của bà con xã viên trong vụ lúa đông xuân vừa qua được bao tiêu hết với giá cả ổn định.

“Sau ba năm làm ăn với doanh nghiệp, năm nào giá lúa của bà con trong HTX cũng được mua cao hơn giá thị trường khoảng 200 đồng/kg. Có nhiều thời điểm sau khi đã thỏa thuận xong giá cả, giá lúa bất ngờ tăng mạnh nhưng bà con vẫn quyết định làm ăn với doanh nghiệp thay vì phá kèo bán cho thương lái vì doanh nghiệp còn làm ăn lâu dài, không phải kiểu ăn xổi ở thì” - ông Trãi nói thêm.

Cánh đồng mẫu lớn đảm bảo tiêu thụ, nông dân được lợi

Tại các vùng liên kết sản xuất của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, các nhà máy đều chủ động lên lịch thu hoạch, mua lúa cho nông dân. Đội ngũ kỹ sư cùng với bà con tổ chức thu hoạch bằng máy gặt liên hợp, thành lập các đội bốc xếp, đội ghe vận chuyển lúa về tận nhà máy.

Ông Trần Quốc Thanh, phó giám đốc ngành lương thực của công ty này, cho biết các đội này được thành lập với lực lượng nông dân trong vùng nguyên liệu đảm nhận, các chi phí nhân công bốc vác, thuê ghe, sấy được công ty hỗ trợ, chi trả.

Bên cạnh năng suất cao, việc tiêu thụ thuận lợi, thu hoạch bán lúa đúng thời điểm theo giá thị trường, trong quá trình canh tác nông dân còn được hỗ trợ chi phí thu hoạch, vận chuyển nên có lợi nhuận cao hơn bên ngoài từ vùng nguyên liệu trên 500 đồng/kg lúa.


Mong Chờ Các Chợ Đầu Mối Nông Sản Mong Chờ Các Chợ Đầu Mối Nông Sản Tăng Thu Nhập Cho Nông Dân Từ Phụ Phẩm Lúa Gạo Tăng Thu Nhập Cho Nông Dân Từ Phụ…