Có Nên Chặt Bỏ Vườn Điều, Ca Cao Để Trồng Cây Khác?
Giá bấp bênh, năng suất phụ thuộc vào thời tiết và dễ bị sâu bệnh tàn phá nên “phong trào” chặt bỏ vườn điều và ca cao để trồng mỳ hoặc cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn đang xảy ra trên địa bàn tỉnh. Tình trạng này liệu có phải là lựa chọn tốt của người nông dân?
Để kịp trồng mỳ vào mùa mưa tới, nhiều nhà vườn đang ồ ạt phá vườn điều dù đang trong vụ thu hoạch. Trong ảnh: Gia đình ông Nguyễn Văn Tự ở xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức) đang chặt bỏ điều để lấy đất trồng mỳ.
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, diện tích trồng điều trên toàn tỉnh khoảng 13.000ha. Huyện Xuyên Mộc là địa phương có diện tích trồng điều lớn nhất, chiếm khoảng 60% diện tích toàn tỉnh. Huyện Châu Đức đứng ở vị trí thứ 2, với khoảng 30% diện tích. Hiện nay, cây điều chủ yếu trồng trên các vùng đất xấu, thiếu nước tưới, nông dân cũng tâm huyết và gắn bó với cây điều bởi khả năng chống hạn cao và ít tốn công sức chăm bón. Trong khoảng từ năm 2010 trở về trước, cây điều được coi như là một kỳ tích của ngành nông nghiệp bởi đây là mặt hàng nông sản được chế biến trước khi xuất khẩu và có giá trị kinh tế cao; ngành chế biến cũng đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại khu vực nông thôn. Theo ngành nông nghiệp, cây điều đã gắn liền với chính sách định canh, định cư và được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” ở những vùng đất khô hạn.
Mít siêu sớm đang là giống cây trồng được nhiều hộ nông dân lựa chọn để thay thế cây điều, ca cao.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ảnh hưởng của thời tiết làm giảm năng suất cây điều, giá thị trường bấp bênh, khiến người trồng điều thất thu. Do đó, nhiều hộ nông dân đang chặt bỏ cây điều ngay trong vụ thu hoạch để kịp thời trồng mỳ hoặc cây khác trong mùa mưa năm nay. Vì vậy, diện tích trồng điều của tỉnh liên tục giảm, cụ thể, năm 2011-2012 giảm 500ha; năm 2013 giảm thêm gần 1.000ha và năm nay vẫn tiếp tục giảm.
Cùng chung “số phận” với cây điều làcây ca cao cũng đang bị người nông dân lạnh nhạt. Số liệu thống kê của ngành nông nghiệp cho thấy, đến nay đã có hơn 600ha ca cao trong tổng số hơn 3.200ha trên toàn tỉnh bị chặt bỏ. Nguyên nhân là do cây ca cao bị sâu bệnh nhiều và hiệu quả kinh tế thấp. Theo phản ảnh của các chủ vườn ở huyện Châu Đức, những vụ đầu cây ca cao cho sản lượng khá, nhưng chỉ được khoảng 2 năm, sau đó cây ca cao phát triển èo uột, số cây cho trái ít dần, thậm chí bị thối không thu hoạch được. Mặt khác, dù ca cao ra trái quanh năm, nhưng sản lượng thấp nên nhiều hộ nông dân đã và đang chặt bỏ ca cao để thay thế cây trồng khác.
Trước tình trạng nông dân chặt bỏ cây điều để chuyển đổi sang cây trồng khác, Sở NN-PTNT đã thực hiện các biện pháp: Triển khai mô hình thâm canh cây điều trên diện tích gần 194ha để ghép cải tạo các vườn điều, xử lý hỗ trợ ra hoa đồng loạt… cho lợi nhuận 50-70 triệu đồng/ha; triển khai nhiều lớp tập huấn về quản lý dịch bệnh, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và bảo vệ thực vật trên cây điều; đưa ra giải pháp để hạn chế diện tích trồng điều, cần chú trọng về giống, hỗ trợ thông tin thị trường, hỗ trợ lãi suất vay vốn cho DN đầu tư vùng nguyên liệu. Sở cũng đã kiến nghị để cây điều còn chỗ đứng cần ổn định các doanh nghiệp chế biến hạt điều trên địa bàn tỉnh, nâng cấp cơ sở chế biến hạt điều để đáp ứng được nhu cầu khách hàng.
Ông Nguyễn Văn Tự, xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức):
Giá điều thấp thì dẫu được mùa cũng chặt
Gia đình tôi có 8 sào điều, đến thời điểm này dù đang thu hoạch chính vụ nhưng tôi vẫn kêu người chặt vườn điều để kịp làm đất trồng mỳ vào tháng 5 tới. Với giá điều tươi như thời điểm này là 18-19.000 đồng/kg, nếu chờ hết vụ điều này tôi cũng chỉ thu được khoảng 8 triệu đồng, mà phải thu hoạch rải rác gần 2 tháng mới hết vụ.
Chưa kể, nếu có được mùa như trước đây (2 tấn/vụ) và giá như hiện nay thì hiệu quả từ 8 sào điều này thấp hơn nhiều so với cây mỳ (mỗi sào mỳ có lãi từ 6-7 triệu đồng). Vì vậy, việc chặt bỏ cây điều để trồng mỳ đang là “mốt” của người nông dân. So với các cây trồng khác như tiêu, mít siêu sớm, cao su… thì cây điều cho hiệu quả thấp nhất và dễ mất mùa vì sự thay đổi của thời tiết nhất.
Anh Võ Thạch Lân, xã Láng Lớn (huyện Châu Đức):
Tăng thu nhập để giữ vườn điều
Nông dân cũng tâm huyết và gắn bó với cây điều bởi khả năng chống hạn cao và ít tốn công sức chăm bón, nhưng muốn giữ lại hoặc cải tạo vườn rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, mà trước hết là ở việc bình ổn giá hạt điều. Nhìn vào giá cả các mặt hàng nông sản trên thị trường cho thấy, các mặt hàng như tiêu, mì khô, cao su luôn ở mức cao.
Trong khi đó giá hạt điều ngày càng giảm và thường bị thương lái ép giá nên xu hướng loại bỏ cây điều để trồng cây mới cho hiệu quả cao hơn là điều tất yếu.
Vấn đề người trồng điều quan tâm nhất hiện nay là làm cách nào để tăng năng suất và giá hạt điều để nông dân có thể sống được bằng những cây trồng này, có như vậy mới giảm được tình trạng chặt bỏ để thay thế cây trồng khác.
Ông Trịnh Văn Thành, Giám đốc công ty TNHH TM-SX-DV Thành Đạt (huyện Châu Đức): Không nên vội chặt bỏ ca cao. Nếu trồng đúng kỹ thuật, cây ca cao sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, vườn ca cao 1,7ha của tôi năm nào cũng cho năng suất hơn 2 tấn hạt khô. Với giá khoảng 50.000 đồng/kg hạt khô,lợi nhuận cũng đạt khoảng 100 triệu đồng.
BR-VT là địa phương có thế mạnh để phát triển ca cao, sản phẩm ca cao xuất xứ từ BR-VT được các nước trên thế giới đánh giá cao và có nhiều hương vị phù hợp chế biến socola, rượu, bánhquy… Mỗi năm sản lượng ca cao tại BR-VT đạt khoảng 400 tấn, riêng Công ty Thành Đạt đã thu mua và ký được hợp đồng bán ca cao cho đối tác ở Nhật Bản 300 tấn/năm chưa kể cung cấp sản phẩm cho các đối tác khác ở thị trường Mỹ, Hà Lan.
Vì vậy, đầu ra cho sản phẩm này ổn định. Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu từ ca cao với vốn đầu tư 30 tỷ đồng tại huyện Châu Đức và xây dựng Trung tâm chuyển giao kỹ thuật cho người trồng. Theo tôi, người dân không nên nóng vội chặt bỏ ca cao mà cần đầu tư kỹ thuật chăm bón hợp lý để nâng cao năng suất.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao