Mô hình kinh tế Có thu nhập cao từ nuôi ốc hương trong đìa

Có thu nhập cao từ nuôi ốc hương trong đìa

Publish date Tuesday. August 4th, 2015

Có thu nhập cao từ nuôi ốc hương trong đìa

Trúng lớn khi nuôi đìa

Nhiều người nuôi ốc hương ở Vũng Chào (xã Xuân Phương) hai năm liền được mùa, được giá. Nuôi ốc hương thời gian ngắn, chi phí đầu tư thấp nhưng hiệu quả kinh tế rất cao so với nghề nuôi tôm hùm lồng. Anh Nguyễn Văn Tân, quê ở miền Bắc vào xã Xuân Phương thuê đìa rộng 4.000m2, trong đó 3.000m2 nuôi ốc, 1.000m2 dùng chứa nước. Sau 5 tháng nuôi, anh Tân thu hoạch 6 tấn ốc hương. Với giá 230.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên 600 triệu đồng. Anh Tân cho biết, thức ăn cho ốc hương rẻ hơn thức ăn nuôi tôm hùm.

Cũng là cá giã cào, cua, ghẹ… nhưng thức ăn nuôi tôm hùm có giá 20.000 đồng/kg còn ốc hương là 16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, người nuôi phải chú ý đến kỹ thuật cho ăn từng giai đoạn. Khi ốc còn nhỏ thì cho ốc ăn tôm dăm (tôm nhỏ), sau đó cho ăn cá, khoảng tháng thứ 3 cho ốc ăn lại tôm dâm để tạo can xi vỏ cứng. Nghề nuôi ốc hương “sướng” hơn nhiều so với nghề nuôi tôm hùm lồng, vì nuôi ốc khoảng 5 đến 6 tháng là thu hoạch, trong khi nuôi tôm hùm lồng phải đến 2 năm mới thu hoạch.

Anh Nguyễn Văn Tùng, một người nuôi ốc hương ở Vũng Chào, phấn khởi nói: Từ hai năm nay, nghề nuôi ốc hương trong đìa ở đây “trúng” lớn, người nuôi ít nhất cũng thu lãi 200 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Tùng cũng khuyến cáo, nuôi ốc hương phải chú trọng kỹ thuật nuôi, vì rủi ro lớn hơn tôm hùm. Khi nhiễm bệnh, ốc hương chết sạch đìa, mình ốc thối rữa; trong khi đó tôm hùm chết lai rai, còn vớt vát bán được. Vì vậy, để ốc hương không bị nhiễm bệnh, đìa phải được tạo oxy thường xuyên, lắp hai nguồn quạt nổi tạo oxy trên bề mặt và hai nguồn lủi âm dưới đìa để sục khí. Đặc biệt, người nuôi phải thường xuyên cào vớt thức ăn thừa dưới đầm để nguồn nước không ô nhiễm.

Trước đây, nuôi ốc hương ở vùng này phải qua 3 “khâu”: Đẻ, ương, nuôi thành ốc thịt. Giai đoạn ốc đẻ khoảng 2,5 tháng, giai đoạn ương từ 10 đến 15 ngày, sau đó ốc hương con mới được nuôi thành ốc thương phẩm. Thế nhưng gần đây, nhiều người chuyên nuôi cho ốc đẻ rồi ương còn người nuôi ốc hương thành phẩm chỉ việc mua con giống về nuôi. Giá con giống hiện nay thấp, 10 vạn con có giá 70 triệu đồng, còn trước đây là 90 triệu đồng. Ông Phan Thanh Sơn, một người nuôi ốc hương ở xã Xuân Cảnh, cho hay: Để đạt hiệu quả, người nuôi đừng ham nuôi dày, thả khoảng 10 vạn con ốc trong 1,5 sào. Ốc hương lớn đều đặn đến tháng thứ 5 thì đạt 150 con/kg, thu gần 1 tấn ốc thành phẩm.

Nuôi chắn đăng bị ô nhiễm

Theo thống kê của Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, diện tích nuôi trồng cá mú, cá chẽm, ốc hương, cua trong đìa khoảng 300ha, trong đó khoảng 13ha diện tích nuôi ốc hương… Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản ở đây mang tính tự phát, người nuôi chưa tuân theo lịch thời vụ cũng như quy hoạch vùng nuôi nên vấn đề ô nhiễm môi trường nuôi thường xuyên xảy ra. Bởi theo nhận định của Trạm Thú y TX Sông Cầu, thức ăn con tôm hùm và ốc hương đều là thức ăn tươi sống, trong khi đó các vùng nuôi này liền kề nhau, điều này dẫn đến môi trường bị ô nhiễm, dịch bệnh xảy ra.

Còn theo nhiều người nuôi trồng thủy sản ở TX Sông Cầu, cũng là nuôi ốc hương nhưng nuôi chắn đăng (dùng đăng chắn ngoài biển) thì “tuột tay” vì ốc chết, còn nuôi đìa thắng lớn. Nguyên nhân nuôi chắn đăng ngoài biển nước ô nhiễm ngâm trực tiếp vào chắn đăng lâu ngày, ốc hương chịu không nổi, thò vòi ra chết sạch. Cũng do nguồn nước ô nhiễm, những ngày qua, vùng nuôi ốc hương chắn đăng ở khu vực Gành Đỏ, phường Xuân Đài (TX Sông Cầu) bị chết nhiều.

Ông Bùi Văn Thắng, một người nuôi ốc hương ở thôn Hòa Lợi (xã Xuân Cảnh), thổ lộ: Nuôi ốc hương trong chắn đăng khó vệ sinh vùng nuôi. Còn nuôi trong đìa, người nuôi thường xuyên cào thức ăn thừa dưới đáy hồ khi phát hiện ốc nằm đơ trên mặt đìa là biết ốc đã bị bệnh. Ốc hương thò vòi ra, chính là ốc bị nhiễm bệnh nặng, người nuôi lập tức dừng cho ăn và thuê kỹ sư thủy sản đến tìm hiểu, “bắt bệnh” rồi trị bệnh cho ốc.

Nghề nuôi ốc hương ở TX Sông Cầu đang phát triển theo hướng mới, đó là thuê kỹ thuật viên trong khâu nuôi bằng cách chia phần trăm. Nghĩa là thuê người am hiểu kỹ thuật chăm sóc đìa nuôi rồi trả lương hàng tháng, bên cạnh đó giao khoán được hưởng phần trăm. Nếu cuối vụ, người nuôi thu 500 triệu đồng thì công nhân kỹ thuật được hưởng 50 triệu đồng. Gọi là người có vốn người có công cùng hưởng lợi để gắn kết trách nhiệm. Ông Phạm Xuân Hương, Trưởng trạm Thú y TX Sông Cầu, khuyến cáo: Nuôi ốc hương cần tuân thủ theo lịch thời vụ, địa điểm đã quy hoạch vùng nuôi để tránh sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm. Chúng ta nên nuôi ốc mật độ thưa để ốc phát triển và sử dụng con giống có nguồn gốc rõ ràng, được ngành chức năng kiểm dịch.


Những quy trình nuôi tôm công nghiệp hiệu quả Những quy trình nuôi tôm công nghiệp hiệu… Ninh Bình hỗ trợ 120 nghìn con cá giống cho mô hình chuyển đổi ruộng trũng sang nuôi trồng thuỷ sản Ninh Bình hỗ trợ 120 nghìn con cá…