Con Tôm Sú Đối Mặt Với Khó Khăn Mới
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố mức áp thuế chống trợ cấp đối với con tôm Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ chịu mức thuế chung là 4,52%. Hệ lụy của việc áp thuế này, vựa tôm sú ĐBSCL sẽ tiếp tục phải đối mặt với khó khăn và thách thức mới.
* Rào cản
Tại tỉnh Cà Mau - vùng nuôi tôm trọng điểm của ĐBSCL và cả nước, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm sẽ chịu tác động lớn từ chính sách chống trợ giá lần này. Nơi đây hiện có 29 DN chế biến thủy sản xuất khẩu với 34 nhà máy, chiếm trên 15% kim ngạch xuất khẩu thủy sản, riêng mặt hàng tôm chiếm trên 40% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước.
Dù được trang bị công nghệ chế biến tôm thuộc dạng tiên tiến bậc nhất châu Âu, nhưng các rào cản thương mại từ thị trường các nước nhập khẩu lớn khiến hoạt động sản xuất-kinh doanh của phần lớn các DN ở Cà Mau tiếp tục gặp khó. Số liệu từ Hiệp hội Chế biến thủy sản Cà Mau (CASEP) cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh này chỉ được trên 480 triệu USD, giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu buộc nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu tôm nguyên liệu nhưng số nhà máy hoạt động được trên 60% đếm trên đầu ngón tay, còn lại phần lớn chỉ duy trì từ 30 - 40% công suất so với thiết kế.
Theo ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký CASEP, cáo buộc của DOC về ngành tôm của một số nước, trong đó có Việt Nam, đã nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ là vô lý. Bởi Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ đại diện cho các công ty khai thác tôm tự nhiên (chiếm khoảng 10% nhu cầu tôm nội địa), còn tôm nhập khẩu là tôm nuôi (chiếm phần lớn thị phần còn lại).
"Đây là 2 sản phẩm hoàn toàn khác nhau, không hề cạnh tranh với nhau trên thị trường. Theo tôi nhận thấy, vụ kiện thực chất chỉ là rào cản thương mại đánh thuế lần 2 vào tôm nhập khẩu" – ông Thuận phân tích. Theo đại diện một số công ty khác tại tỉnh Cà Mau cũng đồng thuận với ý kến của ông Thuận.
Các công ty này cho rằng, chính phủ không trợ giá tôm nội địa. Mặt bằng tôm Việt Nam trong đó có Cà Mau hiện đang ở mức khá cao so với những năm trước đây vì tỷ lệ nuôi đạt thấp so với trước, nhà máy thiếu nguồn nguyên liệu đẩy giá thu mua đầu vào.
Cà Mau có lợi thế đất nuôi thủy sản tự nhiên nhiều, lao động lại dồi dào, nhân công trong các nhà máy thủy sản rẻ, nên giá thành đầu vào có phần nhẹ hơn so với các nước xuất khẩu tôm khác. "Lợi thế là vậy, nhưng xét về giá cũng không thấp. Ví dụ như tôm Cà Mau xuất khẩu sang Nhật Bản với giá 11,2 USD/kg, trong khi giá bán của Ấn Độ vào thị trường này chỉ khoảng 8,6 USD/kg. Giá cả xuất khẩu vậy thì không thể nói là trợ giá được – ông Thuận nói.
Một số chuyên gia trong nghề nuôi tôm Cà Mau cho rằng, áp thuế chống trợ giá lần này bề ngoài tạo nên rào cản cho DN, nhưng thực chất là đang đánh trực diện vào nghề nuôi tôm sú của Việt Nam. Theo phân tích của ông Trương Quốc Bình, Phó Chủ tịch Hội thủy sản Cà Mau, khi chịu thêm mức thuế từ nước nhập khẩu, DN tất yếu sẽ xây dựng lại mặt bằng giá đầu vào làm sao đảm bảo kinh doanh có lời. Kéo theo đó, giá tôm nguyên liệu sẽ giảm, lợi nhuận người nuôi tôm thấp lại, đặc biệt là hộ nuôi loại hình công nghiệp, bán công nghiệp.
* Người nuôi tôm khốn khó
Theo CASEP, vụ kiện chống trợ cấp do Liên minh công nghiệp tôm vùng Vịnh Mỹ khởi xướng từ cuối năm 2012 đối với tôm của 7 nước xuất khẩu vào Mỹ, do nghi ngờ ngành tôm những nước này nhận được các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ. DOC vừa công bố quyết định áp thuế chống trợ giá, trong đó, các DN xuất khẩu tôm Việt Nam chịu mức áp thuế 4,52%, ngoại trừ Minh Quý của tập đoàn thủy sản Minh Phú chịu mức cao nhất nước 7,88%, và Công ty Nha Trang Seafoods mức thấp nhất 1,15%. Dù mức áp thuế giảm nhiều so với dự thảo trước đó nhưng đã và đang tác động lớn với nghề nuôi tôm trong nước và vùng tôm trọng điểm ĐBSCL.
Cũng theo ông Trương Quốc Bình, nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau chi phí đầu vào khá cao, tốn phân bón, thức ăn, lại vừa bị tăng giá điện chạy quạt, nhưng rủi ro thường trực. Để được một vụ tôm tới ngày thu hoạch mất từ 5-6 tháng nhưng chỉ cần giá sụt chừng vài ngàn đồng một ký lô, bản thân người nuôi sẽ mất đi phần lợi nhuận từ vài triệu đến vài chục triệu (tùy sản lượng).
Thống kê của Hội thủy sản Cà Mau, diện tích nuôi tôm công nghiệp tại Cà Mau hiện khoảng 5.000ha, nhưng diện tích xuống giống những tháng đầu năm chỉ chiếm khoảng 50% và chỉ khoảng 30-40% trong số đó nuôi đạt, còn lại gặp rủi ro. Như tại Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Nhị Nguyệt (xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi, Cà Mau).
Tổ hợp tác này có 163 hội viên, trên 147ha mặt nước với trên 400 đầm nuôi nhưng 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng thu hoạch tôm chỉ được 350 tấn, giảm 300 tấn so với cùng kỳ. Ông Trần Văn Của, Tổ trưởng tổ hợp tác, cho biết: Nghề nuôi càng khó khăn hơn vì thời tiết xấu, dịch bệnh…làm tôm chết. Bản thân tổ hợp tác đã liên kết bán tôm trực tiếp với doanh nghiệp khỏi qua khâu trung gian.
Song, nếu giá tôm giảm (dù ít hay nhiều) cũng tác động lớn với đời sống hội viên, lâu dài diện tích nuôi sẽ thu hẹp. "Chúng tôi chỉ biết nuôi tôm, không quyết định được giá bán, phụ thuộc DN thu mua, chế biến. Vì vậy, DN bị áp thuế, rào cản mà giảm giá thu mua thì người thiệt thòi nhiều nhất là chúng tôi chứ không ai khác" – ông Của khẳng định.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) sẽ rà soát, xác nhận lại các DN Hoa Kỳ có bị thiệt hại thật sự về vật chất do trợ cấp của Chính phủ Việt Nam hay không. Nếu có DOC sẽ ban hành lệnh về thuế chống trợ cấp chính thức (dự kiến công bố ngày 3-10-2013), bằng ngược lại vụ kiện sẽ chấm dứt hoàn toàn và toàn bộ các khoản tiền ký quỹ đã thu từ các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hoàn trả lại. Người nuôi tôm ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung mong chờ một phán quyết minh bạch, công tâm.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao