Con tôm Việt Nam: Hướng tới thương hiệu toàn cầu
So với các sản phẩm khác của ngành nông nghiệp, con tôm được đánh giá có nhiều lợi thế từ điều kiện tự nhiên, giá trị xuất khẩu, cạnh tranh trên thị trường đến trình độ canh tác, sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, đây cũng là sản phẩm được Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, từng bước hướng tới thương hiệu tôm toàn cầu.
Trong ảnh: Thu hoạch tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Minh Triết
Nhiều lợi thế
Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tôm nước lợ đang được nuôi tại 30 tỉnh, thành và trở thành sản phẩm hàng hóa lớn ở nước ta gồm 2 loài là tôm sú (loài bản địa) và tôm thẻ chân trắng. Tôm sú bắt đầu được sản xuất giống nhân tạo và nuôi tại Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 80 (thế kỷ 20). Từ năm 1998, TTCT bắt đầu được du nhập vào Việt Nam với hình thức nuôi công nghiệp. Đặc biệt, từ năm 2008, sau khi Bộ NN&PTNT có chủ trương cho phép nuôi TTCT ở vùng ĐBSCL, loài tôm này đã trở thành đối tượng nuôi quan trọng thứ hai sau tôm sú. Đến năm 2013, TTCT đã vượt tôm sú về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Tôm sú và TTCT hiện là mặt hàng xuất khẩu thủy sản chủ lực của Việt Nam.
Chỉ sau 10 năm thực hiện Chương trình 224 (Chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) thời kỳ 1999 - 2010) và Nghị quyết 09 (2000 - 2010), diện tích nuôi tôm đã tăng từ 228.610 ha lên 639.115 ha (gấp 2,8 lần), sản lượng tôm tăng từ 97.628 tấn lên 443.714 tấn (gấp 4,5 lần). Từ năm 2010, kim ngạch xuất khẩu tôm đã vượt qua con số 2,1 tỷ USD và con tôm thật sự đã trở thành động lực thu hút đầu tư cho hoạt động nuôi, chế biến và xuất khẩu. Giai đoạn 2001 - 2010, tốc độ tăng sản lượng thủy sản đạt 9,89%, thì NTTS đạt tới 17,96%, giá trị xuất khẩu thủy sản cũng tăng bình quân 12,23%/năm. Chương trình này cũng đã đánh dấu sự ra đời của phương thức nuôi tôm công nghiệp và thu hút đầu tư của các doanh nghiệp.
>> Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Ngành tôm phải là tấm gương tiêu biểu trong việc đi tắt, đón đầu trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao; trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, điện tử, tin học… vào sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến tôm. Phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, trên thế giới, sản phẩm tôm và thủy sản nói chung vẫn đang là mặt hàng thực phẩm được ưa chuộng. Hiện chưa có ngưỡng giới hạn đối với sản phẩm tôm, tôm hầu như chưa bị mất hoặc bị khủng hoảng về giá. Điều kiện tự nhiên, thời tiết khí hậu (đặc biệt vùng ĐBSCL) rất phù hợp để nuôi tôm. Đặc biệt, xâm nhập mặn và kịch bản nước biển dâng sẽ dẫn đến nhiều vùng đất sẽ bị nhiễm mặn, có khả năng mở rộng diện tích nuôi tôm. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, diện tích nuôi tôm nước lợ có khả năng mở rộng lên 800.000 - 1.000.000 ha, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL. Vùng nuôi tôm quảng canh (nuôi tôm kết hợp trồng lúa trên đất lúa) có diện tích lớn (560.000 ha), tuy nhiên năng suất còn thấp (200 - 350 kg/ha), còn có thể nâng cao gấp 3 - 5 lần hiện tại nếu như áp dụng các giải pháp phù hợp. Trong khi, diện tích vùng nuôi tôm công nghiệp còn nhỏ, năng suất tuy cao hơn nuôi quảng canh nhưng vẫn thấp, đạt khoảng trên 4 tấn/ha. Nếu được đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, có thể nâng cao năng suất lên 1,5 đến 2 lần so với hiện tại. Mặt khác, thời gian gần đây, nhiều phương thức, mô hình nuôi hiệu quả, rất có triển vọng đã xuất hiện như nuôi tôm - rừng, tôm - lúa, tôm sinh thái; mô hình nuôi theo 2 giai đoạn, tổ chức liên kết theo chuỗi... Đồng thời, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư vào ngành tôm mang lại giá trị cao từ con tôm; đưa sản phẩm tôm của Việt Nam tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD
Tại hội nghị Phát triển ngành tôm tổ chức tại Cà Mau vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu xuất khẩu cho ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 là 10 tỷ USD dựa vào những tiềm năng và lợi thế của sản phẩm chiến lược này. Cùng đó, xác định rõ mục tiêu đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, trong đó ĐBSCL là thủ phủ của nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để đạt được mục tiêu này cần sự vào cuộc quyết liệt cùng quyết tâm cao của toàn ngành để phát huy tối đa lợi thế của ngành tôm. Theo đó, đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng. Theo đó, tiếp tục xác định tôm sú, TTCT là đối tượng sản phẩm chủ lực quốc gia. Bên cạnh, cần quan tâm phát triển đối tượng tôm hùm tại một số tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, tôm càng xanh tại một số tỉnh ĐBSCL...
Bên cạnh vấn đề quy hoạch thì việc mở rộng thị trường cũng cần được coi trọng. Cùng với đó là xây dựng giáo trình hướng dẫn cách xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chế biến tôm và tổ chức đào tạo miễn phí cho tất cả các đối tượng muốn tham gia. Cải tiến hình thức tham gia hội chợ quốc tế trong đó Nhà nước ưu tiên tài trợ cho các hoạt động quảng bá thương hiệu của quốc gia và từng doanh nghiệp.
>> Bộ NN&PTNT xác định phát triển ngành tôm theo 2 hướng: Một là, phát triển nuôi tôm công nghiệp theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, hình thành trung tâm công nghiệp tôm tại Bạc Liêu, Sóc Trăng và một số địa phương khác có điều kiện phù hợp. Hai là, phát triển nuôi tôm sinh thái bền vững như tôm - rừng, tôm - lúa... tại Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương khác có lợi thế về điều kiện sinh thái.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao