Tin thủy sản Công nghệ nâng bước thủy sản

Công nghệ nâng bước thủy sản

Author Kim Tiến, publish date Friday. March 8th, 2019

Công nghệ nâng bước thủy sản

Ngành thủy sản năm qua được đánh giá có những bước tiến dài về khoa học công nghệ, phát huy hiệu quả các lợi thế cạnh tranh. Thành công này dựa trên việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất thành công.

Doanh nghiệp đầu tư xây dựng trại nuôi tôm nhà kín hiện đại. Ảnh: Thanh Nhã 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: "Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Tận dụng cơ hội và thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, đưa những công nghệ và kiến thức tiên tiến nhất ứng dụng vào nền nông nghiệp nước nhà. Trong đó, sự tham gia, đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia người Việt Nam trên thế giới là một nguồn lực quý báu để ngành nông nghiệp nhanh chóng bắt kịp thế giới về công nghệ".

Tín hiệu vui

Những năm qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để thúc đẩy quá trình chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học ở tất cả lĩnh vực, trong đó thủy sản được chú trọng đầu tư mạnh mẽ để phát huy các tiềm năng. Thống kê của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2018, đã triển khai gần 80 nhiệm vụ nghiên cứu trong thủy sản với hơn 330 tỷ đồng, tập trung trên các đối tượng thủy sản chủ lực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đã công nhận được 13 giống thủy sản và 7 tiến bộ kỹ thuật, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của ngành thủy sản, tập trung vào đối tượng tôm nước lợ, cá tra, cá nước lạnh và khai thác hải sản.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đã ứng dụng công nghệ cao vào trong sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản, thu lại được những thành quả vượt trội. Số lượng doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang tăng mạnh. Nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản của người dân và doanh nghiệp có kết quả rất tốt, sản xuất bền vững. Nổi bật nhất là mới đây, Công ty Cổ phần Kết nối Thanh toán toàn cầu (GPC) đã cho ra mắt thị trường sàn thương mại điện tử www.gcaeco.vn. Đây là sàn giao dịch dành riêng cho các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, thủy hải sản sạch sử dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng công nghệ Blockchain. Điều này có thể cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, hành trình nông sản, thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn một cách hoàn toàn minh bạch.

Tăng năng suất, chất lượng

Trong năm qua, các mô hình công nghệ cao vẫn đang khẳng định ưu thế với những hiệu quả tích cực. Điển hình như dự án nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín Tập đoàn Việt - Úc hay mô hình CPF-Combine Program của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Đặc biệt, năm 2018 đánh dấu sự ra đời và phát triển mạnh của của hệ thống ao ương di động hay còn gọi là ao nổi. Cùng với đó, là mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao siêu thâm canh hai giai đoạn trong hồ nổi và áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước của Công ty TNHH MTV Long Mạnh. Mô hình được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao bởi nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh con tôm, sản xuất cá tra cũng ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật như sử dụng vaccine để phòng bệnh, kiểm soát môi trường và tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng. Ngoài ra, các mô hình nuôi cá lồng vùng biển hở được phát triển. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng Na Uy, sử dụng lồng có độ bền cao, chịu được sóng gió lớn, áp dụng biện pháp quản lý chăm sóc hiện đại cũng đã được một số địa phương và doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Trong công tác quan trắc môi trường, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin quan trắc cảnh báo môi trường và kiểm soát sức khỏe thủy sản nuôi được lắp đặt và sử dụng phổ biến. Có thể kể đến như hệ thống E-Aqua, phần mềm iQShrimp, phần mềm Farmext, máy cho ăn tự động hay các mô hình nuôi sử dụng nhà màng để kiểm soát môi trường đảm bảo sức khỏe của thủy sản… góp phần giảm tỷ lệ bị thiệt hại và tăng hiệu quả kinh tế.

Không chỉ nuôi trồng mà công nghệ cho khai thác bảo quản thủy hải sản ngày càng được hiện đại, như: hệ thống đèn LED cho tàu khai thác hải sản xa bờ; công nghệ bảo quản thủy sản bằng công nghệ NANO (nâng cao chất lượng cá ngừ); bảo quản mực ống bằng công nghệ lạnh ngâm kết hợp phụ gia thực phẩm… 

Mục tiêu xa hơn

Ngành thủy sản đang ở giai đoạn đầu của cách mạng công nghiệp 4.0, điều đó được đặc trưng bởi Internet ngày càng phổ biến và máy tính, điện thoại thông minh… tất cả đã trở thành người bạn thân bên cạnh và là công cụ hỗ trợ đắc lực cho con người trong quá trình sản xuất. Các tiến bộ công nghệ gần đây không chỉ đưa ra các ứng dụng mới lạ, mà còn đang dần dần cách mạng hóa ngành nuôi trồng thủy sản. Từ công cụ kiểm tra trong không khí đến thiết bị không người lái dưới nước, robot tiên tiến và công nghệ tự động hóa đang chỉ ra một thế giới mới cho ngành nuôi trồng thủy sản - và sự tiếp thu đang lan rộng đến mọi nơi trên trái đất. Hiệu quả từ ứng dụng khoa học, công nghệ trong thủy sản có lẽ không cần phải bàn thêm. Song, tiếc là việc ứng dụng này còn một số hạn chế, khó khăn như: việc chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn sản xuất thiếu đồng bộ từ khâu thiết kế, thi công, đào tạo lao động đến vận hành, quản lý hệ thống chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí không phát huy hiệu quả… 

Tuy còn một số khó khăn nhưng ngành thủy sản cũng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển. Nhà nước luôn đồng hành và có nhiều chính sách khuyến khích, vay vốn ưu đãi cho cá nhân/tổ chức có dự án về ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng sản xuất. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học công nghệ để giảm chi phí sản xuất, giảm phát thải, giảm tác động đến môi trường và hạn chế rủi ro cũng là những xu hướng được các doanh nghiệp hướng tới.


Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh virus cá da trơn (CCVD) Hướng dẫn bệnh cá - Bệnh virus cá… Thức ăn thủy sản thách thức thay thế bột cá Thức ăn thủy sản thách thức thay thế…