Cùng nông dân bảo vệ môi trường
Theo ông Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, mô hình đã triển khai 4 năm (kể từ vụ đông xuân 2012 - 2013 đến nay) trên cả rau màu và cây lúa, kết quả mang lại là bảo vệ được môi trường sạch và thân thiện, đáp nguyện vọng của nông dân và chính quyền địa phương. Đặc biệt, giúp bà con nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), xử lý bao bì thuốc đúng quy định, bảo vệ môi trường, giảm thuốc trừ sâu, tăng lợi nhuận qua sản xuất từng vụ. Thực hiện được 4 mô hình, xây dựng 15 hố chứa rác, với 164 nông dân tham gia thu gom 1,3 tấn bao bì và vỏ chai thuốc BVTV.
Mô hình "Cùng nông dân bảo vệ môi trường" tại xã Vĩnh Nhuận
Qua triển khai mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, nông dân còn áp dụng “công nghệ sinh thái” trong việc quản lý dịch hại, kết hợp với bảo vệ môi trường (thu gom bao bì và vỏ chai thuốc BVTV) và trồng các loài hoa (sao nhái, cúc, hướng dương…) để bảo vệ mùa màng, hạn chế sử dụng thuốc BVTV. Từ năm 2010 đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có hơn 3.000 nông dân áp dụng mô hình ‘‘ruộng lúa – bờ hoa’’, với diện tích trên 2.300 héc-ta đất sản xuất lúa.
Thực tế cho thấy, nhiều mô hình triển khai ở các huyện, thị xã, thành phố đều tiết kiệm được chi phí phun thuốc trừ sâu. Chẳng hạn, đối chứng ruộng trong mô hình phun xịt 7 lần thuốc trừ sâu (ruộng ngoài mô hình phun xịt tới 12 lần), giúp giảm được số lần phun xịt và chi phí sản xuất, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và bảo vệ môi trường đồng ruộng. Kết quả, ruộng mô hình giúp tăng lợi nhuận từ 2,5 – 3 triệu đồng/công (1.000m2) và giảm giá thành sản xuất được 80.000 đồng/công. Việc giảm chi phí sản xuất, chủ yếu do giảm công phun xịt và thuốc trừ sâu sử dụng.
Thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật
Nông dân Lê Thành Chiến (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận, Châu Thành) kể, từ khi thực hiện “ruộng lúa – bờ hoa” kết hợp xây hố chứa bao bì và vỏ chai thuốc BVTV, đồng ruộng tốt hơn nhiều, tiết kiệm trên 800.000 đồng/héc-ta/vụ. Vụ đông xuân 2015-2016, anh canh tác 4 héc-ta lúa, trồng nhiều loại hoa trên bờ đê; áp dụng chương trình “1 phải – 5 giảm”, hiệu quả sản xuất tăng lên rõ rệt. Ruộng trong mô hình có trồng hoa đạt năng suất 7,2 tấn/héc-ta và lợi nhuận được gần 18 triệu đồng/héc-ta, còn ruộng ngoài mô hình không trồng hoa chỉ 6,9 tấn/héc-ta và lợi nhuận cũng khoảng 15 triệu đồng/héc-ta. “Áp dụng mô hình không những tiết kiệm được chi phí, mà còn bảo vệ sức khỏe nhờ hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu” – anh Chiến phấn khởi. Các vụ lúa tiếp theo, gia đình anh sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này và vận động thêm nhiều nông dân khác cùng tham gia.
Mô hình ‘‘công nghệ sinh thái’’ hay còn gọi ‘‘ruộng lúa – bờ hoa’’ làm đa dạng thiên địch, thu hút nhiều loại thiên địch có lợi, bảo vệ mùa màng. Mô hình sẽ được nghiên cứu chiều sâu để tiếp tục nhân rộng toàn tỉnh. Ông Đỗ Văn Vấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam cho rằng, nhiều năm qua, An Giang là tỉnh phát triển mạnh mô hình ‘‘công nghệ sinh thái’’ và nông dân đồng tình tham gia. Hàng năm, tỉnh phát động thi đua và khen thưởng, kích thích nông dân tham gia mô hình ngày càng nhiều hơn. Theo ông Vấn, sản xuất lúa ứng dụng “công nghệ sinh thái” còn là hướng đi bền vững, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh việc hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, nông dân còn áp dụng “công nghệ sinh thái” dẫn dụ thiên địch, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Qua đó, giảm số lần phun thuốc nên giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thêm thu nhập. Các mô hình “trồng rau an toàn” thể hiện rõ nét nhất, lợi ích không chỉ riêng nông dân, mà còn đảm bảo chất lượng với người tiêu dùng.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao