Tin nông nghiệp Cuộc chiến ong nội - ong ngoại: Chuyện lạ ở cao nguyên đá Đồng Văn

Cuộc chiến ong nội - ong ngoại: Chuyện lạ ở cao nguyên đá Đồng Văn

Author Việt Tùng, publish date Thursday. November 24th, 2016

Cuộc chiến ong nội - ong ngoại: Chuyện lạ ở cao nguyên đá Đồng Văn

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng việc tỉnh này không chấp nhận ong ngoại vào địa bàn tỉnh là việc phải làm bởi giống ong ngoại gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động nuôi ong và sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

LTS: Dư luận đang hết sức quan tâm vụ việc chính quyền và một số người dân xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn (Hà Giang) xua đuổi đàn ong ngoại do người dân địa phương khác mang đến đây lấy mật; và sau đó là tuyên bố của lãnh đạo tỉnh về việc không chấp nhận việc mang ong ngoại (nhập từ Ý) vào địa bàn tỉnh với lý do gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động nuôi ong và sản xuất nông nghiệp... Những hành động này đang làm nóng lại “cuộc chiến” tranh chấp địa bàn đặt các đàn ong giữa người dân địa phương và người nuôi ong “di cư” và cả “cuộc chiến” giữa con ong nội - ong ngoại vốn âm ỉ lâu nay.

Ưu tiên ong nội...

Như Báo NTNN đã thông tin ban đầu, sáng 23.10, ông Lê Tiến Tuân - thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi ong Phong Thổ tại xã An Khang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã chuyển 320 đàn ong ngoại vào đặt tại thôn Thài Phìn Tủng (177 đàn ở khu đất nương của gia đình ông Hầu Sính Thề) và thôn Nhèo Lủng (143 đàn), thuộc xã Thài Phìn Tủng.

Trong ảnh: Các thùng ong của ông Lê Tiến Tuân bị đổ ra Quốc lộ 4C.  Ảnh T.L

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Ngọc Pha - Trưởng phòng NNPTNT huyện Quản Bạ cho biết, huyện chỉ thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh là cấm các đàn ong ngoại vào tỉnh: “Việc này là để bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người nuôi ong địa phương. Nếu đúng là ong nội đủ các giấy tờ, được huyện đồng ý cho nuôi. Còn ong ngoại, cấm hoàn toàn vì chất lượng ong ngoại không tốt bằng mật ong ta”. Khi được hỏi dựa vào đâu để khẳng định mật ong ngoại có chất lượng kém hơn ong nội thì ông Pha nói: “Chúng tôi chỉ dựa vào văn bản mà Sở NNPTNT Hà Giang cấp cho”. 

Theo TTXVN, ngày 24.10, chính quyền xã làm việc với ông Tuân, yêu cầu phải di chuyển toàn bộ đàn ong ra khỏi địa bàn trước 20 giờ cùng ngày. Tranh cãi xảy ra khi sáng 26.10, sau khi thôn họp biểu quyết nhất trí, gia đình ông Thề và toàn thể người dân trong thôn đã tổ chức chuyển các đàn ong của ông Tuân ra lề đường Quốc lộ 4C (cách khoảng 700m). Một nhóm người đã cố ý đạp đổ và hất một số thùng ong ra đường... Ông Tuân cho biết trước khi đặt ong vào địa bàn xã Thài Phìn Tủng, ông chỉ làm “hợp đồng bằng miệng” với gia đình ông Hầu Sính Thề và hứa sẽ trả khoản phí 1,5 triệu đồng. 

Việc các chủ ong lạ đến đặt ong để khai thác mật tại xã Thài Phìn Tủng đã khiến nhiều hộ nuôi ong tại đây bức xúc và lo lắng chất lượng mật ong bạc hà của hộ mình sẽ bị giảm sút. Đáng ngại hơn, khi có chủ nuôi ong từ nơi khác đem ong ngoại đến đặt tại địa bàn xã, giống ong ngoại có thân hình to khỏe, khi không đủ hoa bạc hà để lấy mật rất dễ quay sang hút mật từ các đàn ong nội, thậm chí cắn chết ong nội.

Ngày 19.9, UBND huyện Đồng Văn ra văn bản số 808/UBND-PNN về việc bố trí đàn ong nội khai thác mật tại các xã, thị trấn trong huyện, trong đó nêu rõ các tổ chức, cá nhân chỉ được đưa ong vào địa bàn huyện để khai thác mật khi được sự đồng ý bằng văn bản của UBND huyện. Lý giải về việc này, Ông Dinh Chí Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện cho rằng cây bạc hà là cây đặc hữu tại Cao nguyên đá Đồng Văn. Riêng huyện Đồng Văn có khoảng 1.500ha cây bạc hà nằm rải rác trên địa bàn, nhưng năm nay chỉ khoảng 300ha có thể sử dụng để khai thác mật; do đó rất hạn chế để phục vụ nhu cầu lấy mật của gần 7.700 đàn ong nội ở huyện như hiện nay. Huyện phải ưu tiên bố trí điểm đặt ong khai thác mật cho các tổ chức, cá nhân tại địa phương trước, sau đó mới xem xét bố trí vị trí đặt ong của các chủ nuôi từ địa phương khác.

Đến ngày 13.11, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cũng nhấn mạnh Hà Giang không chấp nhận việc mang ong ngoại (giống ong được nhập từ Italy) vào địa bàn tỉnh. Tỉnh khuyến khích và tạo điều kiện giúp đỡ các tổ chức, cá nhân ngoại tỉnh đến nuôi và phát triển đàn ong nhưng phải là giống ong nội (ong địa phương) và phải phù hợp với quy hoạch diện tích cây bạc hà. Do cây bạc hà trên Cao nguyên đá Đồng Văn mọc tự nhiên trên đất sản xuất của đồng bào nên phải phục vụ lợi ích của đồng bào trước... 

Cái lý của Hà Giang

Thực tế, vụ việc ở xã Thài Phìn Tủng là câu chuyện không mới, và chuyện cấm ong ngoại của Hà Giang cũng không mới.

Đã từ lâu, Hà Giang nổi tiếng với sản phẩm mật ong bạc hà do có chất lượng rất tốt, nhiều công dụng, thời điểm đắt và hiếm mật lên đến cả triệu đồng/lít. Ngày 1.3.2013, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc cho sản phẩm “Mật ong bạc hà”, bao gồm khu vực 4 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Lấy lý do sản phẩm mật ong bạc hà đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, Sở NNPTNT Hà Giang đã ra văn bản cấm người nuôi ở 4 huyện cao nguyên đá Đồng Văn sử dụng giống ong ngoại. Cụ thể, ngày 31.10.2013, Sở NNPTNT  đã ra Văn bản số 1065/SNN-CNTS đề nghị UBND 4 huyện nói trên chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân vận chuyển ong ngoại từ các địa phương khác đến địa bàn để khai thác mật hoa bạc hà...

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho rằng việc tỉnh này không chấp nhận ong ngoại vào địa bàn tỉnh là việc phải làm bởi giống ong ngoại gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động nuôi ong và sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Theo ông Sơn và ghi nhận thực tế, số lượng ong ngoại “thâm nhập” vào địa bàn 4  huyện cao nguyên đá có thời điểm lên tới 10.000 đàn. 

“Vượt mặt” thông tư

Hà Giang có lý lẽ của riêng vùng đất địa đầu này. Tuy nhiên, các quyết định và chủ trương của tỉnh Hà Giang cũng được cho là gây khó dễ cho người nuôi ong các địa phương khi muốn đưa đàn ong ngoại đến Hà Giang khai thác nguồn hoa bạc hà. Mặc dù ngày 1.7.2015 Bộ NNPTNT đã ra Thông tư 25/2015/TT-BNNPTNT nêu rõ: Để đẩy mạnh ngành nuôi ong lấy mật và thương mại hóa một số giống loài trong chính sách phát triển nông nghiệp trong nước, các giống loài ong được nuôi thương mại trong nước, trong đó có loài ong Ý (ong ngoại được nhiều người dân khắp cả nước nuôi, nhân giống thành công hàng chục năm qua - PV). Tuy nhiên, Sở NNPTNT Hà Giang vẫn không hủy Văn bản số 1065/SNN-CNTS để ra văn bản mới thực hiện theo Thông tư 25, khiến nhiều Phòng NNPTNT huyện vẫn thực hiện theo công văn cũ không còn phù hợp.

Thay vào đó, ngày 13.10.2015, UBND tỉnh Hà Giang ra Văn bản số 3405/UBND-NNTNMT gửi UBND các huyện, thành phố và Sở NNPTNT đề nghị tăng cường công tác quản lý đàn ong trên địa bàn. Văn bản này nêu rõ: “... Khi các chủ nuôi ong vận chuyển các đàn ong từ các địa phương khác ngoài tỉnh đến nuôi trên địa bàn các huyện, thành phố, phải được sự cho phép của UBND huyện, thành phố”.

Đáng chú ý là gần đây, ngày 1.8.2016, UBND huyện Quản Bạ đã ra văn bản gửi UBND các xã, thị trấn, Phòng NNPTNT quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của tỉnh về công tác quản lý đàn ong; nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý đưa đàn ong từ nơi khác vào địa bàn, di dời toàn bộ số đàn ong không phải giống địa phương ra khỏi địa bàn... Việc tỉnh và huyện “bỏ qua” Thông tư 25 đã khiến hàng chục hộ nuôi ong ở Thanh Hóa, Phú Thọ, Tuyên Quang không thể đưa ong vào Hà Giang... 


Chạy đua làm nông sản “độc”, lạ phục vụ Tết Chạy đua làm nông sản “độc”, lạ phục… Sang Campuchia học làm thương hiệu gạo Sang Campuchia học làm thương hiệu gạo