Cuối năm, hy vọng xuất khẩu tôm sáng sủa
Mặc dù tình hình XK tôm 10 tháng qua gặp nhiều khó khăn, nhưng diện tích thả nuôi lẫn sản lượng tôm đều tăng so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Huy Điền (ảnh), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) hy vọng cuối năm, XK tôm có thể sáng sủa trở lại.
Từ đầu năm đến nay, việc giá tôm XK giảm mạnh khiến một số nơi, nhất là với tôm thẻ chân trắng (TCT) xuống giống khá trầm lắng. Ông nhận định tình hình thả nuôi trong vụ cuối năm sẽ thế nào?
Thực ra tổng diện tích tôm thả nuôi 9 tháng đầu năm không giảm so với năm trước, chỉ có điều trong khi diện tích tôm sú tăng, thì tôm TCT lại giảm mạnh.
Cả năm 2015, chúng ta sẽ hoàn thành được kế hoạch thả nuôi tôm cả về diện tích, sản lượng, ít nhất sẽ bằng sản lượng thu hoạch năm 2014, nhưng sẽ có sự thay đổi về cơ cấu loài.
Theo đó tôm sú sẽ vượt trội so với tôm TCT cả về diện tích và sản lượng. Đây là sự thay đổi khác biệt so với năm trước.
Năm 2014, XK tôm TCT là “cứu cánh” của XK thủy sản, nhưng năm nay lại tụt mạnh, vì sao vậy?
Tôm TCT đóng vai trò quan trọng góp phần đưa XK tôm chiếm 60% kim ngạch XK thủy sản năm 2014.
Một phần năm 2014, nhận định tình hình dịch bệnh trên tôm TCT ở nhiều nước diễn ra nghiêm trọng, nguồn cung thiếu hụt nên Bộ NN-PTNT đã nhanh chóng chỉ đạo tăng diện tích tôm TCT.
Tuy nhiên bối cảnh thị trường tôm thế giới 2015 dự báo sẽ khác, khi các nước có thế mạnh về XK tôm đã cơ bản khống chế dịch bệnh và khôi phục trở lại XK, kéo theo diện tích tôm TCT nuôi thâm canh trong nước cũng giảm mạnh.
Vì vậy, với ưu thế đặc thù không có nhiều thị trường cạnh tranh, việc chúng ta khuyến khích tăng diện tích và sản lượng tôm sú, giảm diện tích tôm TCT trong năm 2015 là rất hợp lí.
Lượng tôm sú tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014 có thể sẽ bù đắp một phần khi lượng tôm TCT giảm sút. Tuy nhiên từ nay đến cuối năm, sản lượng tôm TCT sẽ có thể tăng nhanh hơn so với tôm sú.
Vậy định hướng của Tổng cục Thủy sản đối với phát triển tôm TCT và tôm sú từ nay đến cuối năm thế nào?
Định hướng của Tổng cục Thủy sản từ nay đến cuối năm 2015 là vẫn duy trì thả nuôi tôm TCT bằng hình thức nuôi thâm canh ở những vùng nuôi có điều kiện đảm bảo; giảm mật độ nuôi và tăng kích cỡ tôm thu hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu về tôm cỡ lớn của thị trường, tăng giá trị của sản phẩm.
Về lâu dài, phải tiếp tục nâng cao chất lượng con giống, thức ăn và cải tiến quy trình kỹ thuật nuôi nhằm SX tôm có giá thành cạnh tranh trên thị trường.
Về hình thức nuôi, diện tích nuôi quảng canh và quảng canh cải tiến sẽ vẫn duy trì ổn định mức khoảng 540.000 ha, tuy nhiên người nuôi cần tập trung đầu tư hơn.
Những tháng cuối năm, các tỉnh phía Nam vẫn gặp nhiều khó khăn về nuôi tôm do thời tiết được dự báo là sẽ chịu ảnh hưởng của El nino, khiến mùa mưa kết thúc sớm, nhiệt độ giữ mức cao hơn bình thường.
XK tôm 9 tháng đầu năm rất khó khăn, nhiều thị trường lớn, nhất là Mỹ giảm mạnh về kim ngạch XK. Thị trường XK tôm từ nay đến cuối năm, theo ông sẽ biến động ra sao?
Kim ngạch XK mặt hàng tôm từ đầu năm đến hết tháng 8/2015 mới đạt trên 1,8 tỷ USD, giảm 28,8% so cùng cùng kỳ năm 2014.
Tình hình XK tôm 10 tháng qua nhìn chung không thuận lợi, ước giảm khoảng 25 - 26% kim ngạch so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do giá bán sụt giảm (theo tính toán giá bán tôm nguyên liệu giảm khoảng 25 - 30% so với cùng kỳ 2014).
Trong thời gian tới, vẫn chưa xuất hiện tín hiệu thuận lợi đột phá về thị trường. Chúng ta thậm chí sẽ phải lường trước trường hợp giá tôm nguyên liệu vẫn tiếp tục giảm, thậm chí xuống dưới giá thành sản phẩm.
Vì vậy, dự báo XK tôm sẽ khó đạt được kim ngạch như năm 2014.
Tuy nhiên, thị trường tôm nguyên liệu những tháng gần đây cũng đang có tín hiệu khả quan, ấm dần lên. Nhất là giá tôm TCT đã có xu hướng tăng nhẹ kể từ đầu tháng 6/2015 lại đây.
Bên cạnh đó, việc nhu cầu thị trường tôm thế giới thường ấm lên quanh dịp Noel; việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh nhập từ Việt Nam; cũng như chúng ta vừa gia nhập TPP có thể sẽ giúp tình hình XK tôm cải thiện hơn.
Để giữ được sản lượng trong nước cũng như XK, trong những tháng cuối năm, Tổng cục Thủy sản có những định hướng, giải pháp chỉ đạo SX nào?
Hiện tại, Tổng cục Thủy sản đang rốt ráo chỉ đạo các địa phương tiếp tục quản lý tốt tôm nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh, tổ chức thu hoạch tôm đạt kết quả tốt.
Bên cạnh những dự báo thất thường của thời tiết thì quy luật chung, từ nay đến cuối năm, điều kiện thời tiết, các yếu tố môi trường thường sẽ là dịp rất thuận lợi cho tôm nuôi tại ĐBSCL.
Các địa phương đã và đang hướng dẫn người nuôi thả giống ở các vùng có điều kiện, nuôi đảm bảo an toàn sinh học, cải thiện môi trường sinh thái, khuyến khích áp dụng các hình thức nuôi tôm tiên tiến (nuôi tôm trong nhà kính, nuôi tôm nhiều giai đoạn, nuôi tôm khép kín, ít thay nước) để kiểm soát tốt các yếu tố môi trường, hạn chế dịch bệnh.
Các tỉnh cần căn cứ tình hình thực tiễn để chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi tranh thủ xuống giống tôm và tiếp tục thực hiện tốt văn bản số 1234/TCTS-NTTS ngày 20/5/2015 của Tổng cục Thủy sản về việc tăng cường quản lý, SX nuôi tôm nước lợ năm 2015.
Thời gian tới, Tổng cục Thủy sản sẽ nghiên cứu thay đổi lịch mùa vụ phù hợp với thay đổi thời tiết và xâm nhập mặn, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương tăng cường thả giống đúng mùa vụ, đúng quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn.
Chỉ đạo thả nuôi thâm canh/bán thâm canh ở các vùng có điều kiện. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo nuôi tôm lúa hợp lý các vùng.
Xin cảm ơn ông!
Theo Cục Thú y trong 9 tháng đầu năm 2015, tình hình dịch bệnh trên tôm vẫn diễn biến phức tạp với khoảng 42 nghìn ha tôm nước lợ bị thiệt hại, trong đó có 8.300 ha bị bệnh hoại tử gan tụy, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2014.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao