Trồng lúa Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 9

Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 9

Author Nguyễn Ngọc Đệ. PhD, publish date Tuesday. January 23rd, 2018

Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 9

3. DINH DƯỠNG KHOÁNG CỦA CÂY LÚA

3.6 Chất sắt (Fe) 

Sắt là thành phần cấu tạo của Chlorophyll (diệp lục tố) và một số phân hóa tố trong cây. Cây lúa cũng cần sắt nhưng với lượng nhỏ. Nồng độ Fe2+ trong lá dưới 70 ppm cây lúa có triệu chứng thiếu sắt. Sự thiếu sắt xảy ra ở đất trung tính, đất kiềm và thường xảy ra ở đất cao, đất rẫy hơn là đất ngập nước. Tuy nhiên, ở nồng độ Fe2+ cao (trên 300 ppm) cây lúa lại bị độc. Triệu chứng độc do sắt điển hình ở cây lúa là sự xuất hiện những đốm rỉ màu nâu đỏ từ chóp lá và lan dần dọc theo gân lá xuống các phần bên dưới làm cả lá bị đỏ, bụi lúa còi cọc, rễ không phát triển, màu vàng nâu

Hình 4.9. Hiện tượng thiếu sắt (A) và thừa sắt (B) 

Ngộ độc sắt thường xảy ra ở đất có pH thấp (đất phèn) nên thường được gọi là lúa bị phèn. Nồng độ Fe2+ cao ở đất phèn làm bộ rễ bị hư hại, giảm sự hấp thụ dưỡng chất, nhất là lân và Kali nên ảnh hưởng đến cây lúa càng trầm trọng hơn. Các giống lúa khác nhau thì tính chịu phèn cũng khác nhau. Cần đào mương thoát phèn, bón vôi để cải tạo đất, ngăn sự bốc phèn trong mùa khô, đồng thời bón thêm phân lân và phân Kali cho lúa. 

Rễ lúa có 3 khả năng phản ứng lại với tác dụng độc hại của sắt (Tadano và Yoshida, 1978): 

- Khả năng oxid hóa sắt trong vùng rễ để làm giảm nồng độ Fe2+ . 

- Khả năng loại trừ sắt ở bề mặt lúa nhằm ngăn cản sự xâm nhập của sắt vào trong rễ. Thiếu K, Ca, Mg, P, Mn cây lúa bị giảm năng lực loại trừ này. 

- Khả năng giữ sắt lại trong tế bào rễ, do đó làm giảm sự vận chuyển Fe2+ từ rễ đến thân lá. Giống Tẻ Tép có khả năng hút Fe2+ trong đất cao hơn các giống khác nên chịu phèn tốt hơn. 

 Khi đất ngập nước, hàm lượng Fe2+ trong dung dịch đất gia tăng nhanh chóng và thường đạt đến mức tối đa khoảng 40-50 ngày sau khi ngập sau đó giảm dần do sự rửa trôi và cố định của các hợp chất khác trong đất (Hình 4.10). Đất có pH càng thấp thì nồng độ Fe2+ hoà tan trong dung dịch đất khi ngập nước càng cao. Do đó, cho đất ngập nước sớm trước khi gieo trồng lúa cũng là biện pháp để “ém phèn”. Ở đất phèn, để giảm hiện tượng oxid pyrite thành jarosite và hạn chế hiện tượng mao dẫn sắt từ các tầng đất dưới lên tầng canh tác, người ta thường không để ruộng khô hoàn toàn, mà giữ mực thuỷ cấp ngang phía trên tầng sinh phèn, kết hợp với cày ải để cắt đứt các đường mao dẫn và đào mương phèn để giúp thoát độc chất ra khỏi ruộng sớm vào đầu mùa mưa

Hình 4.10. Biến thiên nồng độ Fe++ trong dung dịch đất sau khi ngập nước  (Yoshida, 1965)


Hình thể học và sự sinh trưởng của cây lúa - Phần 1 Hình thể học và sự sinh trưởng của… Đặc điểm sinh lý của cây lúa - Phần 8 Đặc điểm sinh lý của cây lúa -…