Đặc điểm sinh thái của cây lúa - Phần 5
THỜI VỤ - VÙNG TRỒNG LÚA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1. Canh tác lúa cổ truyền
Như đã đề cập ở trên, Đồng Bằng Sông Cửu Long với tính chất đất đai, địa hình phức tạp, chế độ nước khác nhau đã hình thành những vùng trồng lúa khác nhau
1.1 Vùng lúa nổi
Theo số liệu thống kê 1984, ở ĐBSCL, diện tích lúa nổi chiếm khoảng 500.000 ha bao gồm các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, một phần Long An, Kiên Giang, Cần Thơ. Mực nước lũ trên ruộng cao nhất hàng năm lên đến 1,5-5 m vào tháng 10-11 dl. Sau đó, nước bắt đầu rút xuống dần từ những vùng gần các sông chính, đến tháng 1, 2 dl thì ruộng khô, đó cũng là thời điểm thu hoạch lúa. (Hình 3.8).
Ở đây, nông dân thường chỉ làm 1 vụ lúa 1 năm bằng cách sạ khô với các giống lúa nổi như: Nàng Tây, Nàng Tri, Nàng Đùm. Lá Rừng, Nàng Chồi, Trường Hưng, Tàu Binh … Các giống lúa nầy có đặc tính chịu hạn tốt vào đầu vụ và vươn lóng rất nhanh (elongating), vượt nước giỏi khi nước lũ về. Khi nước rút, thân lúa nằm dài trên mặt nước và lóng trên cùng vươn dậy để trổ bông (còn gọi là khả năng quỳ = kneeing). Năng suất lúa thường rất thấp, trung bình 1-2 tấn/ha.
Sau khi thu hoạch vào tháng 1-2 dl, ruộng được để khô với lớp rạ rất dày. Khi rơm rạ khô, người ta đốt đồng, cài ải để phơi đất và diệt cỏ. Đến tháng 4 dl, khi bắt đầu có mưa người ta cày trở lại cho đất bể ra và tơi xốp, cuối tháng 4, đầu tháng 5 dl bắt đầu sạ. Hạt giống khô được trộn với DDT bột 75% (tỉ lệ 1 kg thuốc cho 100 kg hạt) hoặc BHC hạt 10% (10 kg thuốc cho 100 kg hạt) để ngừa dế, kiến, chim, chuột. Người ta sạ vải với mật độ trung bình 80-100 kg hạt/ha. Sau đó, thường bừa lại 1 lần để lấp hạt tránh chim ăn và giúp hạt lúa giữ ẩm tốt, sớm nẩy mầm sau những trận mưa đầu mùa. Năm nào mưa trểhoặc sau khi lúa mới mọc mà nắng hạn kéo dài, thường giống bị chết và phải gieo lại 2–3 lần. Khi nước lũ bắt đầu lên đồng vào khoảng tháng 7 dl, cây lúa đã lớn (khoảng 2 tháng tuổi) phát triển mạnh, đủ sức chịu đựng và vươn theo mực nước, trung bình 3-8 cm/ngày (nên gọi là lúa nổi). Những năm lũ lớn, về sớm, nước lũ lên quá nhanh, cây lúa không vươn kịp theo nước sẽ bị chết hàng loạt.
Vấn đề chăm sóc, bón phân … cho lúa nổi thường gặp khó khăn và ít được quan tâm vì diện tích lớn và nước quá sâu. Khi nước rút, lúa bắt đầu làm đòng và trổ , đến khi ruộng khô thì cũng vừa lúc để thu hoạch lúa. Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng cuối tháng 12 dl ở những vùng gần sông và trểdần đến tháng 1-2 dl ở những vùng sâu trũng xa sông.
Ở một số nơi, sau khi thu hoạch lúa người ta tranh thủ sạ một vụ màu ngắn ngày, thường là mè, đậu xanh để tận dụng ẩm độ đất, tăng thu nhập gia đình vì lớp rạ dầy giữ ẩm được khá lâu.
1.2 Vùng lúa cấy 2 lần
Trước năm 1975, diện tích lúa cấy 2 lần chiếm khoảng 250.000 ha, rãi rác ở vùng trũng, nước rút chậm ở hạ lưu sông Cửu Long, bao gồm Vĩnh Long, Sa Đéc (Đồng Tháp), Cần Thơ, Vị Thanh, Long Mỹ, Phụng Hiệp (Hậu Giang), Ô Môn (Cần Thơ). Đặc điểm vùng nầy là mực nước lên nhanh vào tháng 8-9 dl và rút chậm (đến cuối tháng 1-2 dl). Mực nước trung bình cao nhất từ 0,4-0,8 m; có nơi đến 1m. Cần phải có cây mạ to khỏe, cao để chịu đựng được điều kiện nước ngập sâu khi cấy (khoảng 30-50 cm). Cây mạ thông thường không đáp ứng được yêu cầu nầy, nên cần phải qua thêm 1 giai đoạn gọi là cấy giâm (cấy 1 lần) rồi mới cấy liền (cấy lần 2). Cây mạ từ nương mạ thứ 2 nầy gọi là “lúa cây”, cho nên phương pháp cấy lúa 2 lần còn gọi là “cấy lúa cây”, trong khi phương pháp cấy lúa 1 lần thì gọi là “cấy mạ”. Giống lúa phổ biến ở đây là các giống lúa mùa muộn, thu hoạch tháng 1–2 dl như Trời Cho, Châu Hạng Vỏ, Huyết Rồng, Đuôi Trâu,
Nàng Chô, Trắng Tép, Trắng Lựa, Trắng Lùn, Tàu Hương, Móng Chim…
(1) Làm mạ
Mạ được gieo sớm vào tháng 5 dl theo phương pháp tỉa lỗ trên các bờ liếp hoặc ở những miếng ruộng gần nguồn nước tưới. Đất được cuốc xới và băm nhỏ, xong tưới nước cho mềm. Dùng cái chày nện thành những lỗ tròn đường kính 8 cm, sâu 1-2 cm. Đoạn rải hạt giống đã ngâm ủ cho nẩy mầm gọn vào đáy lỗ, lấp hạt bằng tro trấu, xong phủ lên một lớp cỏ khô và tưới ẩm hàng ngày. Khi cây mạ đã mọc cao khoảng 5 cm, người ta cào lớp vỏ khô nầy đi, 15 ngày sau khi gieo, người ta tưới phân urea cho mạ mọc tốt và cao. Khoảng 25-30 ngày sau khi gieo, mạ sẽ được nhổ lên, bó lại từng bó và chuyển đến ruộng cấy lần 1 (cấy giâm). Cần khoảng 100 m2 mạ để cấy 1000 m2 đất giâm.
(2) Cấy lần 1 (cấy giâm):
Lúc nầy (khoảng tháng 6 dl), nhờ lượng mưa đọng lại trên ruộng ở những chổ trũng, người ta bừa trục, đánh bùn nhuyển và cấy với khoảng cách khác nhau, mật độ trung bình là 30x30 cm, mỗi bụi 8-10 tép mạ. Thời gian cây lúa ở ruộng giâm nầy khoảng 2-2,5 tháng. Người ta chăm bón tích cực để cây lúa nở bụi to, cấy được nhiều diện tích sau nầy. Thời gian đầu, ruộng lúa giâm chỉ phát triển nhờ lượng nước mưa giữ lại. Về sau, mực nước sông dâng cao bổ sung cho ruộng lúa. Trung bình 1 công (1000 m2) đất lúa giâm cấy đủ cho 0,5-0,8 ha (5-8 công) đất cấy liền tùy lúa nở bụi to hay nhỏ.
(3) Cấy lần 2 (cấy liền hay cấy lúa cây):
Đất thường được cày ải vào đầu mùa khô, đến tháng 7 dl cày trở và trước khi cấy, bừa trục, đánh bùn nhuyễn, “chế” sạch cỏ rồi mới cấy, lúc nầy ruộng đã có nước khá nhiều. Nếu không cài ải được, ruộng có cỏ nhiều, người ta dùng “phảng” để phát sạch cỏ, xong cào ra khỏi ruộng. Trước khi cấy, người ta dùng phảng làm cỏ lại lần nữa (“chế”), rồi có thể bừa hay trục lại hay không tùy đất cứng hay mềm. Lúc bấy giờ, mực nước trên ruộng đã cao. Khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 dl, cây lúa giâm được bứng lên từng bụi bằng dao chuyên dùng (dao bứng lúa) có cán cong làm điểm tựa cho bàn tay, ấn thẳng đứng, mũi nhọn của dao xuyên vào đất, lưỡi rất bén để cắt đứt rễ, nhổ bụi lúa lên và chặt hết rễ. Sau đó, các cây lúa giâm nầy được chuyển đến ruộng cấy lần 2 (cấy liền). Việc chuyển lúa giâm đến ruộng cấy liền cũng được thực hiện với nhiều kiểu khác nhau, tuỳ theo mực nước ruộng cao hay thấp và chuyển đi xa hay gần. Nếu ruộng cạn, người ta bó mạ lúa giâm nầy lại thành từng bó rồi dùng “đòn sóc” có 2 đầu nhọn để đâm xuyên qua bó mạ và gánh đi. Nếu ruộng có nước, người ta chất mạ lúa giâm đầy lên xuồng với ngọn mạ quay xuống, phần gốc hướng lên trên, rồi kéo xuồng đến nơi cấy liền. Ở đây, bằng cách úp xuồng trở lại, lúa sẽ được chất thành từng đám trên mặt nước, ngọn hướng lên và gốc ngâm trong nước. Nếu ruộng nước sâu, người ta chất thành từng đám lớn, rồi kéo trên mặt nước đến nơi cấy, dùng cọc tre hoặc cây sậy cặm để giử cố định vị trí của đám mạ không bị gió thổi trôi đi nơi khác. Nông dân thường ủ như thế 2-3 ngày để cho cây lúa ra rễ mới rồi mới cấy. Cây lúa lúc nầy có chồi to khỏe và cao khoảng 70-80 cm rất thích hợp để cấy trong điều kiện mực nước cao và tiếp tục lên xuống theo thủy triều.
Vì phải chuẩn bị đất trong khi mực nước cao nên đất cứng, lại phải cấy cây mạ to, nên khi cấy người ta dùng cây “nọc” bằng gỗ để xoi lỗ, cùng lúc đó, bụi lúa được xé ra làm nhiều cụm từ 3-4 chồi và nhét ngay vào lỗ vừa xoi. Khoảng cách cấy trung bình 3035 cm mỗi bụi.
Vấn đề cỏ dại trong ruộng lúa thường không đáng kể, tuy nhiên côn trùng và bệnh thường gây thiệt hại nặng do thời gian sinh trưởng của cây lúa quá dài. Đặc biệt là bệnh tiêm đọt sần (do tuyến trùng thân Ditylenchus angustus gây ra) thường xảy ra và gây thiệt hại nặng cho những vùng lúa bị ngập sâu và nước rút chậm nầy.
Đến tháng giêng, tháng 2 dl năm sau lúa sẽ chín, vì phần lớn các giống lúa cấy 2 lần đều là những giống lúa mùa muộn, quang cảm mạnh. Năng suất lúa cấy 2 lần trung bình 3-4 tấn/ha. Những năm 1980, một số diện tích ở gần sông rạch đã tăng vụ Hè Thu với giống cao sản ngắn ngày, sau khi đã chừa đủ diện tích để cấy giâm. Lúa Hè Thu sẽ sạ cấy vào tháng 4-5 dl và thu hoạch trong tháng 8-9 dl, rồi lấp vụ ngay với lúa mùa bằng kiểu cấy 2 lần nầy.
Đến đầu thập niên 90, những nơi có hệ thống thủy nông khá tốt, người ta có khuynh hướng bỏ vụ lúa mùa thay bằng vụ lúa Đông Xuân với các giống cao sản ngắn ngày, cơ cấu Hè Thu – Đông Xuân ở vùng nầy cho thấy có nhiều triển vọng. Hiện nay, diện tích lúa cấy 2 lần ở ĐBSCL hầu như không còn đáng kể nữa, tập trung chủ yếu ở vùng ven rừng U Minh
1.3 Vùng lúa cấy 1 lần
Vùng lúa cấy 1 lần chạy dài dọc theo bờ biển từ Long An, Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, chiếm diện tích khoảng 1,5 triệu ha, canh tác chủ yếu dựa vào lượng nước trời mưa.
Hàng năm ở vùng nầy, thời vụ tương đối trể hơn 1 tháng so với các vùng khác để cho nước mưa rửa bớt muối mặn và phèn. Do điều kiện đất đai không đồng đều nên đã hình thành 2 kiểu mùa vụ khác nhau. Mỗi kiểu như thế sử dụng những giống lúa sớm muộn cũng khác nhau.
(1) Vùng lúa 1 vụ:
Nói chung nông dân phải chờ đến khi mưa nhiều để rửa phèn, rửa mặn mới chuẩn bị gieo sạ được (tháng 6, tháng 7 dl). Cuối mùa mưa, đất đai lại bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên người ta dùng chủ yếu là các giống lúa mùa lỡ để khi dứt mưa thì lúa cũng đã trổ và sắp chín. Đây là vùng đất cao, rất ít bị ảnh hưởng thủy triều, canh tác chủ yếu dựa vào nước mưa, mực nước cao nhất không sâu quá 0,5 m.
Các giống lúa phổ biến như: Ba Thiệt (Sóc Trăng). Trái Mây (Minh Hải), Tầm
Vuột Lựa (Bạc Liêu), Chùm Ruột Lựa (Cà Mau), Cà Đung (Gò Công), Một Bụi (Bạc Liêu, Sóc Trăng), Nếp Bà Bóng (Long An), Đốc Phụng Lùn (Gò Công, Mỹ Tho), Nàng Keo (Bến Tre, Trà Vinh), Nàng Thơm (Long An)…
Người ta thường làm mạ ướt tại những chổ trũng trong ruộng hoặc gần nguồn nước vào tháng 6 dl.
Thông thường khi mạ được 1,5-2 tháng thì bắt đầu nhổ cấy. Khoảng cách cấy tuỳ giống lúa và loại đất, trung bình khoảng 30x30 cm. Thời gian cấy tập trung thường là trong tháng 8-9 dl. Vấn đề cỏ dại, sâu bệnh thường gây thiệt hại lớn cho diện lúa nầy nhưng nông dân ít lưu ý. Thời gian thu hoạch từ tháng 12 đến đầu tháng 1 dl năm sau. Năng suất lúa thường thấp và không ổn định, trung bình 2-2,5 tấn/ha.
Hiện nay, các giống lúa địa phương đã dần dần được thay thế bởi các giống lúa trung mùa cải thiện, cho năng suất cao, không quang cảm, kháng được một số loại côn trùng và bệnh chính, đã mở ra một triển vọng lớn cho vùng nầy. Các giống lúa phổ biến như NN4B (IR42), NN5B (IR48), MTL 83 … cho năng suất bình quân 4-5 tấn/ha trên diện rộng.
(2) Vùng hai vụ lúa địa phương:
Vùng nầy nằm gần khu vực lúa cấy 2 lần, lượng nước mưa đủ cung cấp cho cả hai vụ lúa một năm với giống lúa mùa sớm không hoặc ít quang cảm, sau đó làm một vụ nữa với giống lúa mùa muộn. Việc trồng lúa 2 vụ nầy đã được thực hiện ngay trước khi du nhập giống lúa cao sản ngắn ngày đầu tiên (IR8) vào năm 1967.
Các giống lúa mùa sớm phổ biến như Tiêu Trắng, Tiêu Đỏ (Bến Tre), Sa Bao, Sa Mo (Long An), Sóc So (Cần Thơ)… Ở vùng nầy người ta bắt đầu làm mạ vụ đầu với các giống sớm vào khoảng giữa tháng 4 đến tháng 5 dl. Nông dân thường cấy ở tuổi mạ 30 ngày với khoảng cách 25x25 cm, chừa lại vừa đủ diện tích đất để làm mạ cho vụ sau.
Ngay khi thu hoạch xong vụ trước vào tháng 9 dl, người ta cấy tiếp vụ lúa thứ hai khi tuổi mạ được 2 tháng. Vụ hai thường được thu hoạch trong khoảng tháng 12 đến tháng 1-2 dl. Năng suất vụ 1 thường không quá 2 tấn/ha, và năng suất lúa vụ 2 từ 3-3,5 tấn/ha. Như vậy, việc tăng vụ đã được nông dân ĐBSCL áp dụng ngay từ đầu thập niên 60, trước khi có lúa thần nông (lúa cao sản ngắn ngày).
Đến thập niên 80, trên phần lớn diện tích lúa vụ 1 các giống lúa địa phương đã được thay bằng những giống lúa cao sản ngắn ngày kháng rầy nâu như NN3A, NN7A, IR21717, IR13240… đã đưa năng suất bình quân lên đến 4 tấn/ha/vụ, có khả năng mở rộng thâm canh tốt
Hình 3.8. Cơ cấu thời vụ các vùng trồng lúa cổ truyền của ĐBSCL trong những năm 1970s (Nguyễn Ngọc Đệ, 1994)
Ngoài ra, do bị lệ thuộc nước trời, thời vụ rất khắc khe ở một số nơi như Thạnh Trị (Sóc Trăng) kỹ thuật “sạ gởi” đã được nông dân áp dụng khá phổ biến. Trong kỹ thuật nầy, hạt giống lúa ngắn ngày được trộn chung với hạt giống lúa mùa dài ngày với một tỉ lệ nhất định, để sạ một lần vào đầu mùa mưa. Khoảng 3-3,5 tháng sau đó người ta thu hoạch lúa ngắn ngày, lúa mùa sẽ tiếp tục phát triển và được chăm sóc như vụ lúa mùa bình thường để thu hoạch vào cuối tháng 12 hoặc tháng giêng dl. Kỹ thuật nầy áp dụng trong khoảng thập niên 1980-1990
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao