Đặc sản miền Tây khan hiếm vì lũ không về
Thông thường, khoảng đầu tháng 8 là dòng nước đỏ đục ngầu từ thượng nguồn sông Mê Kông bắt đầu đổ về các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long qua trục chính là sông Tiền và sông Hậu.
Từ đây, dòng nước phù sa này sẽ len lỏi theo các nhánh sông tràn lên những cánh đồng mênh mông vừa được thu hoạch xong.
Lũ về, không chỉ mang nặng phù sa, mà còn mang theo nhiều tôm, cá, rau đặc sản.
Đối với nhiều nông dân nghèo, ít ruộng để sản xuất thì lũ về còn là mùa “ăn nên làm ra” vì có rất nhiều nguồn lợi để khai thác.
Cũng vì vậy, cứ cuối tháng 7, đầu tháng 8 hàng năm là người dân miền Tây lại ngóng lũ về.
Giữa tháng 8, đứng tại mũi đất nước cuồn cuộn chảy, ông Phan Phú Quý ở ấp Phú Quý, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu (An Giang), phóng tầm mắt về bờ bắc con kênh Bảy Xã, nơi tiếp giáp biên giới Campuchia, buồn rầu: "Giờ con nước lũ mới ngập ngang mắt cá chân.
Nếu thời điểm này cách đây 4 năm về trước, vùng này nước cao gần 1 m, có nơi nước ngập cao hơn đầu người.
Đây là lúc nông dân chộn rộn vào vụ đánh bắt thủy sản, trồng các loại rau thủy sinh và thu hoạch rau đặc sản mùa nước nổi như điên điển, bông súng…
Đã 4 năm nay không có nước lũ về hoặc về rất ít, không có tôm, cá để đánh bắt.
Nhiều năm mất mùa nước nổi, năm nay chúng tôi rất mong ngóng nước về, để dân có cái mưu sinh mấy tháng nông nhàn”, ông Quý bộc bạch.
Những cư dân sống bằng nghề đáy cá linh trên sông dọc theo biên giới giáp Campuchia, cho biết, năm nào trước lũ những hộ làm nghề cũng phải bỏ chi phí hàng trăm triệu đồng để đấu thầu mặt nước, thuê nhân công, mua dụng cụ đánh bắt.
Mấy năm nay mùa lũ bấp bênh, các hộ làm nghề lỗ nặng.
"Vì chấp nhận sống bằng nghề 'bà cậu', lời lãi phụ thuộc vào con nước hết.
Năm nay thời điểm này cá linh đầu mùa cũng chưa có bao nhiêu, những người làm nghề vô cùng khó khăn", anh Nguyễn Văn Nẩy ở xã Phú Hội, huyện An Phú – An Giang làm nhân công đóng đáy cho biết.
Cũng theo anh nẩy, mấy năm trước khi lũ "đẹp", nếu trúng một luồng cá là đã ngư dân đầy túi, đổ không kịp có thể cả giàn đáy bị nước lũ cuốn trôi.
Nhưng chuyện đó bây giờ khó diễn ra, vì lượng cá ngày càng ít.
"Mùa cá linh bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 11 (âm lịch).
Năm nay giữa tháng 7 rồi mà tại biên giới giá loại đặc sản này lên đến 200.000 đồng/kg vẫn không có hàng.
Ngày nào cả vùng hứng được chừng 100 - 150 kg là dữ lắm rồi", anh Nẩy nói thêm.
Nhiều người làm đáy cá linh ở khu vực Đồng Tháp, An Giang trong mùa lũ nhận định, nguồn thủy sản ngày càng giảm đi, đặc biệt là cá linh.
Anh Trần Văn Phú ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hội Đông chia sẻ, với mỗi gian đáy phải thuê 8 công nhân làm, mỗi tháng chi phí 3 triệu đồng/người.
Mấy năm nay, vào chính vụ bình quân mỗi ngày một gian đáy chỉ hứng được 100 – 200 kg cá linh.
Chi phí cao, cá thu hoạch ít nên những người đóng đáy dần bỏ nghề.
Dọc sông Tiền, thuộc huyện Tam Nông, Đồng Tháp là vùng chuyên canh nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ cả chục năm nay.
Nhiều người dân nơi đây đả đổi đời với nghề này.
Năm nào nước lũ về nhiều, phù hợp với tập tính sinh sống của tôm càng xanh thì tôm lớn rất nhanh.
Cũng vì vậy mà bà con nuôi tôm ai cũng mạnh dạn mở rộng diện tích nuôi tôm theo mùa lũ.
3 năm nay lỗ nặng, mùa lũ 2016 nhiều hộ quyết liều đầu tư, mong nước về để gỡ vốn.
Thời điểm này, không ít hộ đã chuẩn bị sẵn đăng lưới, đầu tư thả con giống, chờ lũ tràn đồng thả nuôi trên diện rộng.
Kinh nghiệm của các hộ nuôi tôm ở các huyện đầu nguồn: “Năm nào lũ về nhỏ, nước chỉ ngập ngang đầu gối thì nuôi tôm rất chậm lớn, lại tốn tiền thức ăn gấp 2-3 lần so với nước lũ về nhiều”.
Ông Nguyễn Văn Hiền, nông dân nuôi tôm ở thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, nói: “Qua 6 năm áp dụng mô hình luân canh lúa - tôm càng xanh, tôi thấy đây là mô hình rất hiệu quả, vừa tăng thu nhập cho nông dân, lại ít tốn kém chi phí sản xuất.
Sau vụ tôm, cây lúa phát triển rất tốt nhờ hấp thu được các chất dinh dưỡng trong đất, do thức ăn thừa, chất thải từ vụ nuôi tôm phân hủy để lại.
Điều đó cũng góp phần làm giảm chi phí bón phân, phun thuốc.
Vì vậy, năm nào không có lũ là nông dân chúng tôi rất buồn”.
Nước lũ nhỏ không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản mà còn ảnh hưởng rất lớn đến vùng trồng rau thủy sinh ở huyện Chợi Mới, An Giang.
Ông Nguyễn Văn Tư, một nông dân khá lên nhờ trồng rau nhút trong mùa lũ ở xã An Thành Trung, huyện Chợ Mới, cho biết, thông thường nước lũ đầu mùa xuất hiện từ tháng 6, tháng 7, lúc đó con nước trong xanh sẽ chuyển dần sang màu đỏ đục mang nặng phù sa.
Đây chính là thời điểm lý tưởng để đem giống rau nhút xuống cặp bờ sông bải bồi thả.
Do năm trước không có lũ, diện tích trồng loại rau này trong vùng giảm rất nhiều, từ 50 ha thời cao điểm, nay chỉ còn khoảng 25 ha.
Ông Tư giải thích, trồng rau nhút dựa vào con nước lũ hấp thu phù sa rau mau lớn, thu hoạch 5-8 đợt là hết lũ.
Nếu trồng trong ao, năng suất chỉ bằng 1/3 so với trồng cập bờ sông Hậu.
Vì vậy, nông dân làm nghề trồng rau thủy sinh lúc nào cũng đau đáu đợi lũ về.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao