Đặc sản nhãn chín muộn Đại Thành, Quốc Oai
Theo các bậc cao niên trong xã kể lại, Đại Thành từng có một giống nhãn lạ.
So với các giống khác, loại nhãn này chín rất muộn.
Vì muốn trồng giống nhãn cho thu hoạch sớm hơn mà người dân đã đốn bỏ gần hết.
Duy chỉ có ông Nguyễn Văn Cước (thân sinh anh Nguyễn Văn Thành) quyết tâm không chặt mà ông giữ cây nhãn ở góc vườn như một báu vật, chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo bởi giống nhãn này cho quả to, nhiều nước, vị ngọt dịu, thơm ngon...
Khi cụ Cước còn sống, nhiều người lặn lội đến nhà xin chiết một cành từ cây nhãn ấy về làm giống nhưng cụ không cho bởi cụ quý cây như con, không muốn mang giống cây ra khỏi làng.
Một số người chuyển sang mua quả rồi ươm bằng hạt nhưng thất bại bởi cây con không giữ được những đặc tính tốt của cây mẹ.
Khi nhận ra đây là giống nhãn quý, anh Thành có ý tưởng sẽ đưa nó đi khắp nơi.
Sau gần một tháng trời suy nghĩ, năm 1996, anh bắt đầu công việc nhân giống từ cây nhãn tổ.
Anh Thành bắt đầu chiết nhãn rồi trồng vào những khoảng trống trong vườn nhà.
Nhưng do đất chật, anh chỉ ươm được 100 cành.
Đúng lúc ấy, Hợp tác xã Đại Thành có dự án cho thuê 5.000m2 đất bãi, anh bàn với vợ vay vốn ngân hàng thuê khu đất ấy để phát triển trang trại trồng nhãn muộn.
Có đất rồi, vợ chồng anh đem trồng toàn bộ 100 cành chiết.
Trồng hết, vẫn thấy đất rộng nên anh trồng xen nhãn sớm, kết hợp với một số cây hoa màu để có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, thu không đủ chi, trong khi nhãn mỗi ngày một lớn, đòi hỏi đầu tư nhiều hơn, anh Thành lo dự án của mình sẽ phá sản.
Lúc này anh đã phải lặn lội về tận Hưng Yên để học hỏi kỹ thuật chăm sóc nhãn.
Sau 1 năm, vườn nhãn phát triển tốt và sau 3 năm trồng, đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên.
Từ năm 2000, khi nhận thấy giống nhãn sớm trồng xen không đem lại hiệu quả, lại học hỏi được kỹ thuật ghép mắt nên anh quyết định ghép toàn bộ số nhãn sớm với giống nhãn muộn.
Quyết định này đã mang tới cho anh thành công ngoài mong đợi.
Sau gần 2 tháng, những mắt ghép đã lên mầm xanh tốt.
Đến năm 2001, toàn bộ nhãn trong vườn cho quả sai trĩu.
Nhận thấy nhu cầu của người dân về giống nhãn chín muộn rất lớn, anh Thành mạnh dạn thuê hơn 7.000m2 đất của những hộ xung quanh để phát triển vườn ươm.
Ngoài cây nhãn tổ, trong khoảng 40 cây nhãn có tuổi đời trên 30 tuổi của anh Thành, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương đã công nhận thêm 15 cây đầu dòng có chất lượng tốt được phép nhân giống.
Vườn nhà anh đến nay có khoảng trên 150 cây nhãn cho thu quả và được áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm thu hoạch được trên 15 tấn nhãn quả, giá bán bình quân tại vườn 40.000-45.000 đồng/kg, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng.
Hiện, nhãn muộn Đại Thành của gia đình anh chủ yếu được bán tại các của hàng kinh doanh nông sản an toàn, các siêu thị lớn như Metro, BigC, Fivimart… rất ít bán lẻ ở ngoài.
Ngoài ra, anh còn cung cấp cho thị trường hơn 2 vạn cây con, thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Hệt như tên gọi của nó, giống nhãn này đặc biệt ở chỗ thời gian thu hoạch rất muộn, đặc điểm vượt trội của giống nhãn này là thời gian chín muộn hơn các giống nhãn khác từ 30 - 40 ngày (giữa tháng 8 đến nửa cuối tháng 9 âm lịch).
Độ xuống nước của nhãn chậm, có thể để được quả trên cây cả tháng mà chất lượng vẫn ngon, không bị mất vị, nên không phải dùng thuốc hãm, rất an toàn, mọng nước, ngọt thơm dìu dịu.
Từ cây nhãn tổ có tuổi đời trên 120 tuổi ở Đại Thành người dân đã gây giống, nhân rộng ra cả vùng.
Không chỉ có tiếng ở Thủ đô do giá trị kinh tế vượt trội tăng lên hàng năm, Hà Nội còn cung cấp hàng triệu mắt, cành ghép của giống nhãn chín muộn cho các tỉnh như Hưng Yên, Hải Dương, Hòa Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…
Giàu lên từ trồng nhãn, cũng là người đầu tiên có công phát triển giống nhãn muộn Đại Thành, anh được bà con tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX nhãn chín muộn Đại Thành.
Vừa chăm lo cho trang trại của mình, vừa lặn lội khắp nơi để quảng bá cho sản phẩm quê hương, công sức của anh đã được đền đáp ngày 21/8/2013, Cục Sở hữu trí tuệ Bộ khoa học công nghệ đã ban hành Quyết định số 45844/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận “Nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai” công nhận 583 thành viên của xã Đại Thành được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Với nhãn hiệu này, nhãn chín muộn Đại Thành có thể khẳng định chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm một cách hiệu quả và bền vững.
Hy vọng với hướng đi hiện nay, nhãn chín muộn Đại Thành không chỉ chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn vươn xa trên thị trường thế giới.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao