Tin nông nghiệp Đắm đuối với cây chanh leo miền biên ải

Đắm đuối với cây chanh leo miền biên ải

Author Cảnh Thắng, publish date Saturday. November 19th, 2016

Đắm đuối với cây chanh leo miền biên ải

Nắm trong tay chỉ 1,5ha đất lâm nghiệp, anh Vi Văn Sơn (SN 1984), người dân tộc Mông ở bản Yên Sơn, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong (Nghệ An) miệt mài theo đuổi đam mê trồng cây chanh leo. Đến nay anh đã có hơn 1.000 gốc chanh, mỗi năm thu hàng trăm triệu đồng dễ như chơi.

Liều lĩnh chặt keo lai trồng chanh leo

Đường lên Quế Phong xa thăm thẳm, nơi đây lại giáp nước bạn Lào, nên người dân thường thích sang Lào làm ăn buôn bán hơn là ở nhà cặm cụi với đồi rừng. Cũng bởi vậy, tìm ra được người kiên trì bám trụ với rừng đã khó, lại là người trẻ tuổi càng khó hơn. Và ở cái tuổi 32, Vi Văn Sơn đã toàn tâm gắn bó với rừng, bởi như lời anh nói: Anh yêu rừng, yêu cây từ nhỏ…

Trong ảnh: Anh Vi Văn Sơn chăm sóc vườn chanh leo của gia đình. Ảnh: Cảnh Thắng

Anh Sơn kể: “Trước năm 2012, gia đình anh tôi gần như nghèo nhất cái bản Yên Sơn này”. Cái nghèo đói mãi đeo bám gia đình anh nếu như không có sự xuất hiện của cây chanh leo đến với địa bàn. Cây chanh leo không chỉ là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo cho gia đình anh Sơn mà đây còn là loại cây xóa đói giảm nghèo cho bản làng Yên Sơn nơi tận cùng vùng biên ải này.

Nói về duyên đến với cây canh leo, anh Sơn tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi được giao khoán hơn 1,5ha đất lâm nghiệp, nhưng không biết trồng cây gì để mưu sinh. Thấy nhiều người trong xóm trồng keo lai, gia đình cũng trồng cây keo lai. Khổ một nỗi, cây keo lai mãi trên 5 năm mới cho thu hoạch, trừ chi phí chăm sóc, hàng năm gia đình chỉ thu nhập xấp xỉ hơn 30 triệu. Trong khi đó, ruộng lúa gần nhà cũng không cung cấp đủ lương thực cho cả gia đình. Lúc đó, vì cuộc sống gia đình, tôi quần quật kiếm kế mưu sinh qua ngày...”.

Mãi đến cuối năm 2011, cây chanh leo được chính quyền địa phương đưa vào trồng thử nghiệm tại vùng đất của bản Yên Sơn này. Sau khi tìm hiểu, quan sát thấy cây chanh leo rất hợp thời tiết và thổ nhưỡng vùng đất mà anh đang sinh sống, nên nhiều lần anh đã bàn với vợ con chặt bán hết cây keo lai rồi cải tạo lại đất, để trồng loại cây có thu nhập cao này...

Quyết định chặt bỏ cây keo lai thời điểm đó đối với anh Sơn không dễ dàng chút nào. Thời điểm đó, vợ anh nhất quyết không đồng ý vì nếu chặt bán cây keo lai vào thời điểm còn hơn 1 năm nữa là thu hoạch thì gia đình anh sẽ trắng tay. Tuy nhiên, anh vẫn mạnh dạn động viên vợ chặt bán cây keo lai dù không có lãi là bao, để trồng mới cây chanh leo có hiệu quả kinh tế cao hơn.

“Lúc đó, vì nghèo quá, đang túng quẫn nên tôi làm liều gọi mấy người bạn lên vườn giúp tôi chặt cây bán cho thương lái... Bán xong, mấy ngày sau tôi lên UBND xã đề xuất hỗ trợ, giúp đỡ gia đình tôi giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật để tôi đầu tư trồng cây chanh leo...”- anh Sơn kể lại.

Chanh leo leo đồi làm giàu

Năm 2012, sau khi bỏ biết bao công sức cải tạo hơn 1,5ha đất trồng keo lai, anh Vi Văn Sơn và gia đình đã mạnh dạn mua giống cây chanh leo của Công ty CP Nafoods Group về trồng trên mảnh vườn của mình. “Thời điểm tôi đầu từ trồng hơn 1.000 gốc chanh leo, tôi được phía công ty cho nợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật; chính quyền địa phương hỗ trợ tôi tiền làm giàn nên phần nào cũng yên tâm. Vào thời điểm đó Công ty có cam kết với tôi, khi nào đến mùa thu hoạch họ sẽ khấu trừ dần tiền đầu tư ban đầu...” - anh Vi Văn Sơn kể lại.

Đến nay, hơn 1.000 gốc chanh leo của gia đình anh Vi Văn Sơn đã cho thu hoạch mùa thứ 3, mỗi mùa như vậy đem lại thu nhập cho gia đình anh trên dưới 200 triệu đồng. Dẫn chúng tôi lên đồi thăm vườn chanh leo, anh Sơn “khoe” của: “Hai năm nay, nhờ cây chanh leo mà gia đình tôi đã dựng được ngôi nhà sàn khang trang, mua được 2 con bò, xe máy... Hiện hàng tháng, tôi phải thuê thêm 2 người địa phương chăm sóc cho cây chanh leo mới chăm kịp, tôi dự kiến đang muốn trồng thêm hàng nghìn gốc chanh leo nữa”.

Chia sẻ về bí quyết trồng cây chanh leo, anh Sơn cho biết: “Chanh leo là loại cây cần độ ẩm cao, lượng nước nhiều và thường xuyên. Vì vậy, thường phải tưới nước 2 ngày 1 lần, nhất là vào mùa khô cần tưới lượng nước nhiều hơn sẽ giúp cho cây ra chồi, ra hoa và đậu quả liên tục, yêu cầu nước ở nhiều giai đoạn làm trái và phát triển trái nếu thiếu nước sẽ làm rụng hoa, trái hoặc teo trái lại”. Để tưới nước cho cả 1.000 gốc chanh leo là không thể, anh Sơn đã nghĩ ra cách dòng các đường ống nhỏ đến từng gốc cây, rồi mỗi lần cần tưới, anh chỉ cần bật máy bơm là nước sẽ phun đều lên 1.000 cây. Việc bón phân cũng được anh thực hiện bằng cách tương tự. Mỗi lần cần bón phân, anh chỉ cần hòa các loại phân bón trong hầm nước, rồi bơm cho cây là xong. Cách này vừa đỡ tốn nhân công, vừa hiệu quả, nên dù trồng hơn 1.000 cây chanh leo, anh cũng không vất vả mấy.

Theo anh Sơn, cây chanh leo rất thích hợp với khí hậu thổ nhưỡng như ở Quế Phong, thời gian trồng cây chỉ 4 tháng là cho thu hoạch. Năm đầu tiên cho 40 - 45 tấn/ha, năm thứ hai đạt 65 – 70 tấn/ha, với giá trung bình 7.000 đồng/kg, người trồng chanh leo có lãi lớn.

Cũng theo anh Sơn, trồng chanh leo khó nhất là khâu thu hoạch bởi chanh leo chín rất nhanh và phải sơ chế trước khi bán cho công ty. “Chanh leo là loại cây rất ít sâu bệnh, nhìn vườn chanh rậm rạp thế, nhưng không có con sâu nào, chủ yếu chỉ dùng thuốc kích thích đậu quả thôi, nên chất lượng quả rất tốt, sạch” – anh Sơn chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên NTNN ông Lữ Văn Cương – Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chia sẻ: “Cây chanh leo vào xã từ năm 2011. Trước đây bà con chưa tin tưởng lắm nên rất ít người đầu tư trồng. Nhưng khi biết được hiệu quả về kinh tế mà cây chanh leo mang lại thì nhà nhà, người người đua nhau trồng cây chanh leo, bởi trồng cây chanh leo cho thu nhập cao hơn hẳn so với trồng các loại cây khác...”.

“Với 1ha đất, người dân có thể trồng tới hơn 800 gốc chanh leo. Số vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng/ha trong đó có chi phí giống, phân bón, làm giàn... Trong khi mỗi gốc chanh leo đến mùa thu hoạch có thể đạt được 35 đến 45kg quả. Giá cả hiện nay dao động từ 10.000 đến 11.000 đồng/kg... Như vậy mới biết được hiệu quả kinh tế mà cây chanh leo đã mang lại...” - ông Cương cho biết thêm. 


Phân bón Phú Mỹ giúp cà phê, hồ tiêu Gia Lai sinh trưởng tốt, năng suất cao Phân bón Phú Mỹ giúp cà phê, hồ… Công nghệ vào vườn, nông dân giàu lên trông thấy Công nghệ vào vườn, nông dân giàu lên…