Đang chờ xin ý kiến để xử lý vụ chất phenol trong mẫu cá nục
Một lô hàng cá nục đông lạnh được mua từ các ngư dân đánh bắt ngoài 30 hải lý ở sau thời điểm cá chết bất thường một thời gian đã được phát hiện có chứa hàm lượng phenol đến 0,037mg/kg, là chất độc tuyệt đối cấm không có trong thực phẩm.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị, cho biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh tổ chức tiến hành điều tra xác minh số hải sản còn tồn kho ở các kho đông lạnh tại thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh.
Đoàn kiểm tra kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc. Tổng kho có 110 tấn cá, trong đó có 70 tấn cá nục, 10 tấn cá ngừ, 20 tấn cá trích, cá sòng và 10 tấn cá lẫn lộn khác. Phần lớn cá được thu mua sau thời điểm cá chết bất thường ở miền Trung.
Đoàn đã lấy 6 mẫu ngẫu nhiên tại kho đông lạnh của bà Thuộc để phân tích, kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy trong 6 mẫu thì có đến 5 mẫu cho kết quả chỉ tiêu kiểm nghiệm nằm trong giới hạn an toàn.
Riêng mẫu cá nục đại diện cho lô hàng 30 tấn thu mua sau thời điểm cá chết bất thường có hàm lượng phenol là 0,037mg/kg, là chất cực độc tuyệt đối cấm không có trong thực phẩm.
Với kết quả này, Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các ngành cho phép tiêu thụ 5 lô hàng có kết quả kiểm nghiệm các chỉ tiêu nằm trong giới hạn cho phép. Còn lô hàng cá nục 30 tấn thu mua ngay sau thời điểm cá chết bất thường của hộ kinh doanh Lê Thị Thuộc buộc phải tiêu hủy và có phương án hỗ trợ thiệt hại do sự cố cá chết gây ra cho bà Thuộc.
Theo bà Thuộc, 30 tấn cá nục suôn được mua sau khi xảy ra hiện tượng cá chết khoảng 15 ngày với giá 25 nghìn đồng/kg. Cá này được ngư dân đánh bắt xa bờ, ngoài 30 hải lý và có chứng nhận về an toàn thực phẩm đối với những loại cá đánh bắt xa bờ nên yên tâm thu mua, để cấp đông tiêu thụ dần nhưng không bán được.
Chiều 11/6, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Trị đã tiến hành niêm phong số cá nục tại kho đông lạnh của bà Lê Thị Thuộc ở khu phố An Đức 3, thị trấn Cửa Tùng, để chờ xử lý theo quy định.
Phenol được dùng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: Công nghiệp chất dẻo, công nghiệp tơ hóa học, nông dược (điều chế được chất diệt cỏ); điều chế một số phẩm nhuộm, thuốc nổ… Do có tính diệt khuẩn nên phenol được dùng để trực tiếp làm chất sát trùng, tẩy uế, hoặc để điều chế các chất diệt nấm mốc.
Theo tìm hiểu của NNVN, phenol không có tên trong Danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng trong sản xuất, kinh doanh Thủy sản (ban hành theo Thông tư số 08/VBHN-BNNPTNT, ngày 25/2/2014 của Bộ NN- PTNT).
Trao đổi với Báo NNVN, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, trong vấn đề trên, ngành Nông nghiệp và Y tế đã phối hợp với nhau rất tốt nên từ ngày 5/5 đến nay đã tiến hành lấy mẫu kiểm tra 36/36 mẫu hải sản đạt chuẩn an toàn, cho phép tiêu thụ.
"Ngay sau khi phát hiện thông tin về một lô hàng cá nục nhiễm chất phenol, Ban chỉ đạo khẩn cấp về xử lý cá chết bất thường của tỉnh cũng như đại diện các ngành đã khẩn cấp xác nhận lại thông tin để có hướng giải quyết kịp thời. Mỗi ngành đều theo dõi mỗi lĩnh vực nhưng trong vấn đề cá chết bất thường thì chúng tôi luôn phối hợp tốt với nhau để giải quyết những vướng mắc cho ngư dân cũng như bảo đảm sức khỏe an toàn cho người dân", ông Hưng cho hay.
Về hướng xử lý, ông Trần Văn Thành, cho biết, theo quy định đơn vị này đã báo cáo UBND tỉnh, việc giải quyết thì đang phối hợp. "Còn việc giữa Sở Y tế và Nông nghiệp, tới đây chúng tôi sẽ có văn bản báo cáo UBND tỉnh và Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, để có thống nhất chung".
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao