Mô hình kinh tế Đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra chỉ là một thủ tục hành chính

Đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra chỉ là một thủ tục hành chính

Publish date Wednesday. June 24th, 2015

Đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra chỉ là một thủ tục hành chính

Nhưng tính đến giữa tháng 5/2015, giá trị XK cá tra đã giảm 9,3%, nếu tiếp tục đà này cho tới cuối năm, kim ngạch XK sẽ còn giảm mạnh hơn nữa. Như vậy, đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ 10 năm trở lại đây.

Hiệu quả sau hơn 10 tháng thực hiện chưa rõ, nhưng quy định về đăng ký hợp đồng XK cá tra thông qua Hiệp hội cá tra Việt Nam đang trở thành một thủ tục hành chính phiền hà mà về lâu dài sẽ trở thành cơ chế “xin - cho” trong quá trình thực hiện.

Các DN XK cá tra tha thiết nhà nước cần có những phân tích đánh giá đầy đủ, nghiêm túc trong việc đăng ký XK thông qua Hiệp hội cá tra Việt Nam xem đây có phải là giải pháp hữu hiệu để quản lý sản lượng, cân đối cung cầu như mục tiêu của NĐ 36 đã đề không? Trong xu thế hội nhập khi Việt Nam đang đàm phán và sẽ ký nhiều Hiệp định thương mại tự do khi phần lớn các DN XK thủy sản quy mô vừa, nhỏ và rất nhỏ thì thủ tục hành chính này gây mất thời gian và đi ngược với nỗ lực ủng hộ cho XK.

Hiện nay, để có được “Giấy đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra”, các DN phải mất trung bình 3 ngày theo hình thức thư tín truyền thống. Một số trường hợp hợp đồng XK thay đổi so lượng hàng hóa thay đổi có thể dẫn tới việc trễ lịch tàu chạy khi thủ tục bị chậm. Thậm chí, việc xuất trình tất cả hồ sơ với cơ quan hải quan khi đăng ký tờ khai hàng hóa “luồng vàng” cũng mất thêm thời gian thông quan so với hàng hóa thông thường.

Theo phản ánh của các DN XK cá tra, trên thực tế việc đăng ký và khai báo “Giấy đăng ký hợp đồng XK sản phẩm cá tra” không phải là công cụ để kiểm soát được nguồn cung cá tra hay tạo sự ổn định về giá thu mua nguyên liệu vì người nuôi cá không chờ tới khi có hợp đồng mua cá mới thả nuôi.

Do đó, việc đăng ký hợp đồng XK sẽ không kiểm soát được DN hay các hộ nuôi không thả vượt quá hay dưới mức nhu cầu thực tế. Hơn nữa, việc đăng ký và khai báo này chỉ mang tính hình thức bởi hiện nay các thông số khai báo trên tờ khai là do DN tự khai mà không có thẩm định. Nên trong danh mục khai số lượng sản phẩm, DN thường khai cao hơn so với thực tế để đề phòng có sự thay đổi số lượng vào phút cuối. Và nếu bằng cách này để thống kê, quản lý sản lượng thì hoàn toàn không chính xác. Hiện nay, dữ liệu từ cơ quan hải quan, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và Thủy sản, Chi cục nuôi trồng địa phương đã có được các con số về XK và sản lượng nuôi trồng.

Thêm nữa, hồ sơ đăng ký XK phải có đầy đủ: hợp đồng mua bán nguyên liệu, giấy đăng ký nuôi cá thương phẩm có xác nhận của Cơ quan quản lý thủy sản địa phương… đang gây khó khăn cho các DN nhất là DN vừa và nhỏ trong việc quản lý hồ sơ, cung cấp đầy đủ, chính xác các giấy tờ liên quan khi một lô hàng XK được chế biến từ nguồn nguyên liệu của nhiều ao nuôi, nhiều người nuôi khác nhau. Với người nuôi cá cũng phải cung cấp đầy đủ, chính xác các hồ sơ, giấy tờ tương ứng khi bán cá cho DN và khó khăn hơn khi bán các lô cá cho nhiều nhà máy khác nhau.

Đối với các mặt hàng XK chế biến từ phụ phẩm cá tra như: bột cá, dầu cá, bao tử cá… cũng không thể cung cấp chính xác các hồ sơ đầu vào nguyên liệu khi mà phần phi lê thì bán cho thì trường này còn phần phụ phẩm lại bán cho thị trường khác. Còn các mặt hàng giá trị gia tăng, mặt hàng mới, bán thử nghiệm ra thị trường với số lượng ít cũng như một số hợp đồng XK chỉ vài trăm kg cũng phải quản lý hồ sơ giống như lô hàng hàng chục tấn khiến cho DN tốn thêm chi phí và thời gian.

Thực tế khi đăng ký hợp đồng XK thì khai báo số lượng nhiều hơn trong khi thực xuất lại ít hơn hoặc ngược lại do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng gây khó khăn cho DN trong khâu kê khai chính xác số lượng cá tra theo từng hợp đồng XK.

Mục tiêu lập trật tự cho ngành sản xuất theo hướng có điều kiện, quy mô lớn, bền vững là điều tất yếu và hoàn toàn hợp lý trong xu thế hội nhập sắp tới. Tuy nhiên, để tránh những đổ vỡ, thất bại không đáng có trên sân chơi lớn không cân sức, các DN XK thủy sản Việt Nam cần có thời gian để thích ứng dần. Bên cạnh những lợi ích lớn từ việc cắt giảm các dòng thuế thì việc tự do thương mại sẽ tác động lớn đến sự cạnh tranh của ngành thủy sản, trong khi các DN XK thủy sản Việt Nam còn yếu và chưa đủ tiềm lực để đối phó với làn sóng NK nguyên liệu sắp xảy ra, đặc biệt là các loại cá thịt trắng như: cá Alaska Pollock, cá tuyết…

Xin trích lời phát biểu của bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Vinh Hoan Corp) tại Đại hội toàn thể hội viên VASEP năm 2015 vừa mới tổ chức ngày 12/6/2015 tại Tp.Hồ Chí Minh, DN XK cá tra lớn nhất Việt Nam: Khó khăn ở hầu hết các thị trường NK lớn lại thêm thủ tục hành chính phiền hà về đăng ký hợp đồng XK cá tra. Cơ chế này là yếu tố gây cản trở cho việc tái cấu trúc ngành cá tra và tạo sức ép về mặt “tâm lý” cho cả người nuôi, DN XK và nhà NK. Nếu không tháo gỡ “nút thắt” này thì những nỗ lực của nhà nước như điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ hay ngân hàng hạ lãi suất cho vay… e rằng không nhiều tác dụng.


Sốt xình xịch tận diệt cua đồng Sốt xình xịch tận diệt cua đồng Nuôi Artermia trên đồng muối hiệu quả kinh tế cao Nuôi Artermia trên đồng muối hiệu quả kinh…