Mô hình kinh tế Đắng Lòng Người Trồng Mía

Đắng Lòng Người Trồng Mía

Publish date Thursday. October 3rd, 2013

Đắng Lòng Người Trồng Mía

Giá bán thấp, áp lực nhân công thu hoạch, việc đo chữ đường của các nhà máy, nước lũ đang đổ về... là những vấn đề lo lắng của người trồng mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) vào đầu vụ thu hoạch hiện nay.

Bóp bụng bán mía

Mặc dù đã vào vụ thu hoạch gần 1 tháng nay, nhưng giá mía vẫn không có gì cải thiện so với đầu vụ. Hiện tại, thương lái thu mua mía tại rẫy có giá từ 700-840 đồng/kg (tùy theo giống), với giá này, người nông dân rất khó có được lợi nhuận. Theo tính toán của người trồng mía, với chi phí thuê mướn nhân công ở các công đoạn thu hoạch, như: đốn, vác, cân mía,… đang ở mức từ 140.000-180.000 đồng/tấn, cộng với tiền mua giống, phân, thuốc thì chi phí đầu tư đã bằng, thậm chí còn cao hơn giá thu mua của thương lái. Tuy nhiên, vì áp lực nước lũ và để có đất trống sạ lại vụ lúa liếp nên không ít bà con đành “bóp bụng” bán mía dù biết chắc không có được nguồn lợi nhuận đáng kể.

Vừa thu hoạch xong 1,3ha mía (giống ROC13 và ROC22), năng suất đạt 15 tấn/ha, anh Huỳnh Văn Hùng, ở ấp Mỹ Quới B, thị trấn Cây Dương, bộc bạch: “Với giá 710 đồng/kg mà gia đình tôi bán được thì sau khi trừ chi phí chỉ mong được huề vốn là mừng. Đáng lẽ ra tôi chưa bán mía vào thời điểm này vì giá quá thấp, nhưng để có mùa lúa liếp bù lỗ mùa mía thì không còn cách nào khác hơn.

Ngoài ra, với việc nước lũ đang có dấu hiệu lên nhanh do ảnh hưởng của mưa, bão mấy ngày qua, nếu hộ nào bán mía trễ hơn khoảng 10 ngày nữa thì khả năng sẽ mất mùa lúa liếp và khó tránh khỏi áp lực về nhân công khi ai cũng muốn đốn mía chạy lũ”.

Với giá mía thấp, không có được nguồn lợi nhuận khiến cho nhiều nông dân lo lắng về việc tái sản xuất cho mùa vụ sau. Ông Võ Phước Thành, ở ấp Quyết Thắng B, xã Hiệp Hưng, tâm sự: “Mọi năm, khi bán mía xong là gia đình nghĩ ngay đến chuyện lo kiếm mía giống để chuẩn bị trồng lại. Riêng năm nay, khi bán xong cũng lo nhưng lo là không biết mùa sau trồng cái gì đây?”.

Bên cạnh về giá, việc đo chữ đường của các nhà máy cũng là tâm điểm được người dân và thương lái đưa ra bàn tán vào mỗi vụ thu hoạch mía. Ông Nguyễn Văn Mười, ở ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, chia sẻ: “Từ lâu, vấn đề đo chữ đường của nhà máy luôn là nỗi thắc mắc của người dân.

Bởi lẽ, trên một liếp mía, canh tác cùng một loại giống nhưng lại có chữ đường khác nhau. Thiết nghĩ, ngành chức năng nên có biện pháp kiểm tra việc đo chữ đường tại các nhà máy nhằm tạo nên tính minh bạch, công bằng để người dân an tâm sản xuất”. Chị Bé Tư, một thương lái mua mía trên địa bàn thị trấn Cây Dương, cho biết: “Giá mía và chữ đường được thương lái quyết định và thu mua ngay tại rẫy cho người dân, đến khi thương lái chở về nhà máy đường thì lúc này như “con cá nằm trên tấm thớt””.

Để giải tỏa những khúc mắc xung quanh việc đo chữ đường, tại buổi kiểm tra tình hình thu hoạch mía trên địa bàn huyện Phụng Hiệp mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Nhơn ngoài việc chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, còn đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh tiến hành lấy mẫu mía gửi lên Phòng kiểm nghiệm của Trường Đại học Cần Thơ để đo và đánh giá chữ đường. Ngoài ra, yêu cầu các ngành chức năng tổ chức thành lập đoàn và có kế hoạch kiểm tra đột xuất việc đo chữ đường tại các nhà máy, nhằm tạo dư luận tốt trong nhân dân.

Tiến độ thu mua còn chậm

Do giá mía ở mức thấp và e ngại chuyện “đem tiền cũ đổi tiền mới” mà nhiều hộ dân có ý định neo mía thêm một thời gian để chờ giá lên. Chính điều này dẫn đến không khí mua bán mía trong dân trong những ngày qua không mấy rộn ràng. Từ UBND thị trấn Rạch Gòi (huyện Châu Thành A), con kênh xáng cặp theo tuyến lộ 928 xuôi về thị trấn Cây Dương và vòng về UBND xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp), cả đoạn đường dài hàng chục km nhưng chỉ có hơn 10 ghe đậu mua mía cho dân.

Chị Bé Tư, một thương lái mua mía tại thị trấn Cây Dương, cho biết thêm: “Tình hình thu mua mía của cánh thương lái năm nay có phần ít và chậm so với những năm trước. Chủ yếu là do giá mía thấp, người dân neo chờ giá, còn thương lái thì khi lời khi lỗ nên ai nấy cũng dè chừng kỹ lưỡng trước khi mua mía.

Ngoài ra, tuy vào vụ sản xuất nhưng nhà máy đường tiêu thụ mía rất chậm, mía còn tồn đọng dưới cầu cảng nhiều nên ghe không thể đi mua tiếp cho dân được. Từ đầu vụ tới giờ, ghe tôi thường nằm chờ tài từ 2-3 ngày mới đem mía lên cân, còn mọi năm cứ tới là lên liền”.

Theo báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, bình quân mỗi ngày có từ 120-150 ghe thu mua mía, giải quyết từ 80-90ha mía trên địa bàn huyện. Với tiến độ như hiện nay, dự kiến đến đầu tháng 12-2013 mới tiêu thụ dứt điểm diện tích mía của huyện Phụng Hiệp. Như vậy, khả năng sẽ có khoảng 1.500ha ở những vùng trũng của các xã như: Hòa An, Phương Bình, Hòa Mỹ, Phụng Hiệp,… sẽ bị lũ đe dọa và gây thiệt hại.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp Nguyễn Thế Tự cho rằng: Năm nay, được dự báo là năm có lũ lớn, do đó, địa phương đang chỉ đạo các đơn vị có diện tích trồng mía trên địa bàn vận động người dân ở những vùng trũng đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam có kế hoạch chỉ đạo các nhà máy đường đẩy nhanh tiến độ thu mua, nhất là chuẩn bị kêu gọi các nhà máy đường ngoài tỉnh vào chi viện khi có lũ lớn về, nhằm giảm thiệt hại cho bà con.

Để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng mía, thời gian qua, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NN&PTNT tỉnh cùng huyện Phụng Hiệp có nhiều cuộc họp với Hiệp hội Mía đường Việt Nam, các nhà máy đường trong tỉnh.

Tuy nhiên, hiện giá vẫn không có gì cải thiện, tình hình thu hoạch mía của người dân chưa có động thái tích cực, trong khi nước lũ ngày một nhích lên. Lũ không biết chờ và chuyện người trồng mía trắng tay khi mía chết vì lũ sẽ có khả năng tiếp diễn nếu như các ngành chức năng không có giải pháp căn cơ. Mía thì ngọt, nhưng lòng người trồng mía lúc này đang đắng ngắt.


Xuất Khẩu Chính Ngạch Tôm Hùm, Cá Mú Xuất Khẩu Chính Ngạch Tôm Hùm, Cá Mú Bão Tan, Rừng Cao Su Bão Tan, Rừng Cao Su "Khóc"