Đảng Viên Phạm Văn Xô Gương Mẫu Đi Đầu
Từ phong trào thi đua lao động sáng tạo đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu làm theo lời Bác.
Ở huyện Tân Yên, anh Phạm Văn Xô là một thành viên tích cực, góp công lớn trong việc xây dựng thương hiệu cho lạc giống của huyện. Sinh năm 1975, anh Xô được bầu là trưởng thôn Tân Lập (xã Cao Thượng) từ năm 1997.
Là đảng viên trẻ, gánh vác trọng trách tuyên truyền, vận động nông dân phát triển kinh tế, anh luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, tìm hướng đi mới cho kinh tế của thôn, trong đó phát triển mạnh các loại cây rau màu chế biến xuất khẩu. Cùng đó, anh lãnh đạo nhân dân duy trì sản xuất lạc đông, trực tiếp tổ chức sản xuất, thu mua và bao tiêu sản phẩm.
Anh đã đầu tư mua một ô tô tải, xây dựng nhà kho 800m2, lắp đặt 9 máy sấy công suất 50 tấn lạc tươi/mẻ, bình quân hàng năm gia đình anh thu mua và tiêu thụ từ 500-700 tấn nông sản các loại, giúp nông dân trong vùng yên tâm sản xuất.
Vùng quê Tân Yên có diện tích sản xuất lạc lớn nhất tỉnh nhưng lại ít được khách hàng biết đến vì sản phẩm chủ yếu bán cho một số công ty giống để sơ chế, đóng gói mang nhãn hiệu khác. Xuất phát từ thực tế trên, anh cùng một số nông dân có ý tưởng thành lập hiệp hội sản xuất và tiêu thụ lạc giống.
Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan chức năng, tháng 6 vừa qua, Hội sản xuất và tiêu thụ lạc giống huyện Tân Yên được thành lập, anh Xô được bầu làm Chủ tịch Hội. Ngay sau khi hoạt động, Hội tham mưu với lãnh đạo huyện xây dựng nhãn hiệu tập thể cho lạc giống Tân Yên và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận, khẳng định chất lượng và tạo điều kiện thuận lợi để lạc giống Tân Yên cung ứng ra thị trường thuận lợi.
Nguyễn Thị Nhung - Hiến "tấc vàng" xây dựng quê hương
Những năm qua, phong trào hiến đất xây dựng các công trình công cộng được nhiều người quan tâm hưởng ứng. Ở TP Bắc Giang, mặc dù giá trị đất khá cao nhưng với mong muốn làm đẹp cho quê hương, gia đình chị Nguyễn Thị Nhung ở thôn Tân Mỹ, xã Đồng Sơn đã tự nguyện hiến "tấc vàng" để mở rộng đường làng.
Chị Nhung kể lại: "Đoạn đường dốc Sở (xã Đồng Sơn) nối từ đê Sông Thương đến tỉnh lộ 298 (xã Tiền Phong) xuống cấp nghiêm trọng. Là một trong những hộ dân có nhà bám mặt đường, chúng tôi thấu hiểu nỗi vất vả của người đi đường bởi khi nắng thì bụi, trời mưa lầy lội khó đi. Đầu năm 2012, khi Nhà nước chủ trương cải tạo, nâng cấp, mở rộng đoạn đường này, người dân trong thôn rất phấn khởi.
Được lãnh đạo xã, thôn vận động, vợ chồng tôi bàn bạc, thống nhất hiến đất để con đường được mở rộng hơn. Hơn nữa, hai vợ chồng tôi đều là đảng viên, phải phát huy tính tiền phong, gương mẫu để quần chúng học tập, noi theo". Với suy nghĩ ấy, chị là người đầu tiên trong thôn tháo mái che, đầu tư khoảng 50 triệu đồng để phá dỡ và xây mới dãy nhà cấp 4 gia đình đang kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm để giành phần đất hơn 40m2 mở rộng đường.
Việc làm của chị đã tạo hiệu ứng tích cực trong phong trào hiến đất làm đường của địa phương, thu hút hơn 80 hộ tham gia. Giờ đây, con đường chạy qua thôn Tân Mỹ đã hoàn thiện với lòng đường rộng rãi, vỉa hè thênh thang, giúp việc đi lại, giao lưu kinh tế, văn hoá của nhân dân diễn ra thuận lợi.
Được biết, ngoài việc làm trên, chị Nhung còn tích cực tham gia các hoạt động của thôn với vai trò chi hội trưởng phụ nữ, cộng tác viên dân số. Gia đình chị cũng là một tấm gương tiêu biểu, năng động về phát triển kinh tế với một cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, dịch vụ máy xay xát gạo, sản xuất nông nghiệp...
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao