Đánh cược với lúa thu đông
Tăng diện tích thu đông để bù sản lượng
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ lúa đông xuân 2015-2016, tổng sản lượng lúa của vùng Nam Bộ đạt gần 11 triệu tấn, (giảm trên 700.000 tấn). Trong đó, riêng vùng ĐBSCL đã giảm gần 693.000 tấn trong vụ đông xuân và giảm hơn 5.300 tấn vụ hè thu (so với cùng kỳ năm 2015).
Cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời của các cơ quan trong việc ứng phó với điều kiện sản xuất bất lợi mà người dân đang phải hứng chịu. Đảm bảo tổng diện tích xuống giống an toàn trong vụ thu đông, tập trung kết thúc xuống giống vụ thu đông trước ngày 20.8, chậm nhất là 30.8.
Thứ trưởng Bộ NNTPNN - Lê Quốc Doanh
Theo đó, nguyên nhân chính làm giảm sản lượng lúa trong toàn vùng ĐBSCL được xác định là do tình hình hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài. Tổng diện tích thiệt hại của toàn vùng ĐBSCL lên đến 85.000ha.
Trước tình hình đó, quan điểm chỉ đạo của Cục Trồng trọt là phấn đấu tăng một phần sản lượng bù đắp sụt giảm của vụ đông xuân bằng các biện pháp mở rộng diện tích, tăng năng suất các vụ lúa còn lại trong năm 2016. Theo kế hoạch, vụ thu đông 2016 vùng ĐBSCL gieo sạ 867.300ha (tăng 24.000ha).
Bà Nguyễn Thị Kiều – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Do tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh của ĐBSCL, khiến sản lượng lúa toàn vùng sụt giảm, trong vụ thu đông tới đây thành phố sẽ tăng diện tích gieo sạ lên khoảng 60.000ha (ban đầu là 53.000ha)”.
Còn tại tỉnh Hậu Giang, ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh, cho biết: Theo kế hoạch, diện tích gieo sạ lúa thu đông 2016 toàn tỉnh khoảng 45.000ha, tuy nhiên có thể tăng lên khoảng 50.000ha.
Các chuyên gia dự báo, tình hình sản xuất 6 tháng cuối năm 2016 vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, không chỉ hạn, mặn mà còn phải lưu ý đến những diễn biến bất thường khác về lũ, bão, sâu bệnh hại…
Đối mặt với thua lỗ
Những ngày gần đây, trên địa bàn một số tỉnh của vùng thường xuyên xuất hiện những cơn mưa lớn kéo dài, làm ảnh hưởng không nhỏ đến vụ lúa thu đông 2016 của người dân.
Tại tỉnh Hậu Giang, một số cánh đồng ở các huyện như Phụng Hiệp, Châu Thành A, Vị Thủy… người dân đã tranh thủ gieo sạ sớm vụ lúa thu đông. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của thời tiết làm cho không ít người dân lâm vào cảnh khó khăn và đối mặt với thua lỗ.
Anh Trần Cao Đỉnh (ngụ ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang), cho hay: “Tôi vừa mới gieo sạ 5 công lúa vụ thu đông, gặp ngay những cơn mưa lớn nên vẫn còn hồi hộp chờ đợi vì đã có hộ phải sạ lại lần hai. Vẫn như mọi năm tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc bơm tác, canh tác vụ này là vậy. Đây là vụ sản xuất khó khăn nhất trong cơ cấu 3 vụ, nên người ta hay gọi là vụ 3”.
“Vụ này tuy không lời nhiều, nhiều khi chỉ huề vốn nhưng được cái là có việc để làm, chứ chẳng lẽ ở không hơn 3 tháng trời. Còn chuyển đổi sang nuôi thủy sản cũng không được vì chưa có đê bao khép kín” – anh Đỉnh bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi - PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ (Trường Đại học Cần Thơ) nói: “Theo tôi, chúng ta không nên mở rộng diện tích lúa thu đông, thậm chí còn phải giảm đi. Vụ thu đông là vụ sản xuất trong điều kiện bất lợi nhất, năng suất thấp nhất (chỉ khoảng 4-5 tấn/ha); chất lượng hạt gạo cũng thấp do thu hoạch trong điều kiện mưa và giá bán sẽ không cao. Bên cạnh đó, do thời tiết ít nắng sẽ khiến cây lúa không quang hợp được, khả năng phát triển yếu; ẩm độ cao khiến sâu bệnh phát triển nhiều hơn”.
“Những năm gần đây, nông dân mình vẫn còn giữ thói quen sản xuất lúa thu đông dù biết rõ có nhiều rủi ro. Lý do chính vẫn là vì họ không biết làm gì ngoài trồng lúa. Chúng ta nên có những giải pháp căn cơ để nâng cao chất lượng lúa của hai vụ hè thu và đông xuân, để nông dân có lợi nhuận cao hơn, chứ đừng chạy theo thành tích về sản lượng với vụ thu đông” – PGS-TS Đệ nêu ý kiến.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao