Đầu mùa mưa, người nuôi tôm cần cẩn trọng
Để hạn chế những tác động xấu do biến động thời tiết giai đoạn đầu mùa mưa, bà con nuôi tôm cần áp dụng các biện pháp theo khuyến cáo của ngành chức năng để ổn định môi trường ao nuôi và nâng cao sức đề kháng cho con tôm.
Nuôi tôm trong mùa mưa sẽ gặp nhiều khó khăn do môi trường luôn biến động, vì vậy đòi hỏi người nuôi tôm cần quan tâm chăm sóc chu đáo theo đúng quy trình, nhằm phòng tránh thiệt hại có thể xảy ra, giúp vụ nuôi đạt hiệu quả cao.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Cà Mau, khi nuôi tôm trong mùa mưa, người nuôi sẽ gặp rất nhiều thách thức; chẳng hạn như nhiệt độ, độ mặn, pH và oxy hòa tan trong ao đều bị giảm đột ngột. Các yếu tố khác cũng liên tục biến động, gây bất lợi cho tôm nuôi: Ao nuôi có nhiều chất lơ lửng, nước ao bị đục do có nhiều hạt sét và chất phù sa. “Để hạn chế rủi ro, bà con nuôi tôm cần quan tâm đến công tác chuẩn bị ao đầm nuôi thả giống, quản lý các yếu tố môi trường nước, thức ăn… có vậy mới có thể đạt được vụ nuôi như ý”, ông Trung cho biết.
Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người nuôi tôm phải có ao lắng để xử lý nước; không nuôi tôm với mực nước trong ao quá cạn. Đối với nuôi tôm công nghiệp, nếu có điều kiện nên dự trữ nước trong ao lắng để sẵn sàng thay nước khi cần. Đối với những vùng đất nhiễm phèn, mưa lớn là nguyên nhân gây nên tình trạng xì phèn từ đáy ao và rửa trôi phèn từ bờ, khi ao được phơi khô trong thời gian dài. Do đó ao cần được bón vôi và rửa kỹ một vài lần. Sau đó sử dụng vôi và phân bón để cải tạo ao nâng độ pH.
Vào mùa mưa, độ mặn tất cả các vùng nuôi đều giảm thấp. Ở những vùng nuôi tôm nằm sâu trong nội đồng, thường có độ mặn thấp hơn những vùng nuôi ven biển. Chính vì vậy, người nuôi cần phải xác định độ mặn trước khi thả giống để có biện pháp thuần hóa thích hợp. Tôm giống nên được ương trong ao đất ở độ mặn 5 - 6‰ trước khi thả nuôi, nhằm giảm hao hụt. Nước mưa có tính acid (pH thấp) và quá trình mưa làm trôi rửa các chất cặn bã từ trên bờ xuống ao là nguyên nhân gây chết tôm mới thả nuôi, với tỷ lệ khá cao, do tôm còn yếu và chưa thích nghi với môi trường. Thường hay xảy ra mưa vào buổi trưa, chiều. Vì vậy cần thả tôm nuôi vào buổi sáng sớm, có thể tránh được tình trạng này.
Nuôi tôm trong mùa mưa không nên thả nuôi với mật độ cao, vì môi trường luôn biến động gây bất lợi cho tôm, người nuôi tôm rất khó kiểm soát. Đối với nuôi tôm công nghiệp, chỉ thả nuôi với mật độ 15 - 20 con/m2 đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng 50 - 60 con/m2. Tôm giống cần phải được xét nghiệm đảm bảo chất lượng. Thường xuyên kiểm tra hoạt động, hình dáng bên ngoài, màu sắc, phản xạ, kiểm tra đường ruột, tình trạng bắt mồi của tôm… để kịp thời phát hiện và xử lý.
“Sau những cơn mưa lớn hoặc khi thấy trời âm u sắp mưa, cần giảm lượng thức ăn khoảng 20 - 30%, bởi sau mưa môi trường nước biến động làm tôm giảm ăn, thường xuyên kiểm tra nhá (dụng cụ xác định độ trong của nước) để kịp thời điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Ngay sau những cơn mưa, người nuôi tôm cần phải kiểm tra những biểu hiện hoạt động của tôm như hình dạng bên ngoài, màu sắc, phản xạ, đường ruột của tôm, thức ăn…”, ông Trung khuyến cáo.
Hy vọng với những giải pháp kỹ thuật nhằm quản lý môi trường ao nuôi tôm trong điều kiện thời tiết chuyển mùa vào mùa mưa mà ngành chức năng khuyến cáo, kết hợp với kinh nghiệm và quan sát tại ao nuôi, bà con nuôi tôm sẽ có những cách xử lý kịp thời nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng xấu đến tôm nuôi và sẽ có vụ mùa thành công.
Tình hình nuôi trồng thủy sản trong tỉnh gần đây nhìn chung khá ổn định. Đối với tôm quảng canh thì hiện các huyện vùng mặn, lợ đang vào con nước thu hoạch tôm, năng suất tôm khá. Tôm quảng canh cải tiến hiện đạt hơn 82.000ha, diện tích đang nuôi khoảng 92%. Diện tích nuôi tôm công nghiệp đến nay là 9.835ha.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao