Tin thủy sản Đầu tàu ứng dụng công nghệ cao vào thủy sản

Đầu tàu ứng dụng công nghệ cao vào thủy sản

Author Trần Ngọc Thọ, publish date Saturday. December 31st, 2016

Đầu tàu ứng dụng công nghệ cao vào thủy sản

Thời gian qua, Phú Yên là một trong những địa phương đi đầu trong việc khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Trong số những mô hình triển khai trên địa bàn, sản xuất giống, nuôi thủy sản theo công nghệ cao của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Thủy sản Đắc Lộc là điểm sáng vì hiệu quả kinh tế và lợi ích môi trường.

Trong ảnh: Khu nuôi tôm giống Green House mang lại hiệu quả kinh tế cao của Đắc Lộc. Ảnh: Đ.L

Tiên phong

Thành lập năm 2006, DNTN Thủy sản Đắc Lộc (Đắc Lộc) hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, mua bán thủy hải sản, kinh doanh thức ăn, thuốc và vật tư nuôi trồng thủy sản, vận chuyển hàng hóa thông dụng... nhưng sản xuất giống thủy sản hiện là thế mạnh.

Từ năm 2013, khi ấy cả nước chưa có nhiều doanh nghiệp “dám” đầu tư vào mô hình ương nuôi Green House thì Đắc Lộc đã triển khai xây dựng mô hình theo quy trình Biofloc này.

Cụ thể, Đắc Lộc hợp tác với Công ty Aquaculture Promotion Co., Ltd thuộc Tập đoàn C.P tại Thái Lan tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật ương nuôi Green House theo quy trình Biofloc. Đắc Lộc đầu tư và sở hữu hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại với đội ngũ kỹ sư giỏi, thạo nghề chuyên phục vụ nghiên cứu, kiểm tra chất lượng con giống cũng như giám sát môi trường. 

Đắc Lộc áp dụng tiêu chuẩn thực hành nuôi tốt nhất của Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu với các giống thủy sản chủ yếu như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá chẽm... và nuôi vỗ thành thục tôm bố mẹ để chủ động nguồn cung cấp giống bố mẹ cho nghề nuôi tôm giống". Ông Lê Hữu Tình - PGĐ Đắc Lộc

Ông Lê Hữu Tình - Phó Giám đốc Thủy sản Đắc Lộc cho hay, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, ao nuôi được trải bạt đáy và bờ, dễ dàng cho việc vệ sinh ao. Mái che giúp giảm tác hại của thời tiết và môi trường bất lợi. Hệ thống sục khí đáy cấp oxy một cách đồng đều, liên tục giúp chống hiện tương phân tầng nước.

Ngoài ra, hệ thống cấp, thoát nước tự động giúp việc thay nước trong quá trình nuôi được dễ dàng, giảm nhân công, tiết kiệm điện. Hay như việc sử dụng vi sinh probiotic trong ương nuôi của mô hình đã tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm nuôi và hạn chế dịch bệnh... 

Mô hình ương nuôi Green House chủ yếu ương tôm giống từ PL12 thành PL40. Ương từ 25-30 ngày, tôm sẽ đạt kích cỡ 1,5-2g/con. Tôm giống PL40 có nhiều ưu điểm vượt trội như đề kháng tốt với sự thay đổi đột ngột thời tiết, môi trường và rút ngắn thời gian nuôi từ 95-100 ngày còn 65-70 ngày.

Việc rút ngắn thời gian ương nuôi giảm chi phí thức ăn từ 15-20% (tương đương 140-160 triệu đồng/ha/vụ), nhưng tôm tăng trưởng nhanh, tăng năng suất nuôi lên 20-30% (tương đương 400-600 triệu đồng/ha/vụ). Nhờ mô hình này, mỗi năm Đắc Lộc cung cấp ra thị trường 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng sạch bệnh, chất lượng cao. Nhờ vậy, đến nay, Đắc Lộc đã trở thành một trong những đơn vị cung cấp tôm giống chất lượng cao hàng đầu tại Việt Nam” - ông Lê Hữu Tình chia sẻ.

Phòng thí nghiệm của Đắc Lộc được đầu tư hiện đại. Ngọc Thọ

Công nghệ cao là tất yếu

Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Phú Yên, mô hình sản xuất kinh doanh khép kín của Đắc Lộc đã được đánh giá cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP. Được biết, trước đó, Phú Yên đã quy hoạch hai khu sản xuất giống thủy sản, đó là khu sản xuất giống thủy sản ở xã Xuân Hải (thị xã Sông Cầu) và khu sản xuất giống thủy sản ở xã Bình Kiến (TP.Tuy Hòa).

Riêng Khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao ở xã Xuân Hải, tỉnh Phú Yên đã giao cho Thủy sản Đắc Lộc triển khai. Sở NNPTNT tỉnh này triển khai nâng cấp hạ tầng hai khu sản xuất giống thủy sản mới quy hoạch này với các hạng mục thu gom, xử lý nước thải từ các trại sản xuất giống và xây dựng đường dây trung thế, trạm biến áp để cấp điện cho khu sản xuất.

Mục tiêu lớn nhất là giúp các cơ sở xuất giống thủy sản sản xuất ra con giống đạt chất lượng cao, đảm bảo an toàn sinh học, không chỉ cung cấp con giống cho người nuôi mà còn cung cấp con giống thủy sản chất lượng cao cho cả nước.

Thủy sản Đắc Lộc nhận cờ thi đua của Chính phủ. Đ.L

Ông Tình cho hay, trong sản xuất giống, Đắc Lộc hoàn toàn sử dụng chế phẩm vi sinh, không sử dụng kháng sinh để tăng sức đề kháng cho ấu trùng và đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Thủy sản Đắc Lộc chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đồng bộ và cách ly các khâu sản xuất theo giải pháp sinh học để thuận lợi cho việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Đắc Lộc liên tục gửi mẫu tới các viện lớn để kiểm tra đối chứng, đó chính là giải pháp nâng cao chất lượng tôm giống và giữ vững được niềm tin của người tiêu dùng. 

Như vậy, với việc Đắc Lộc được tỉnh và các cơ quan ban ngành chấp thuận thực hiện dự án mở rộng khu sản xuất giống chất lượng cao Xuân Hải với diện tích gần 18ha. Qua triển khai sẽ nâng tổng diện tích của Đắc Lộc lên 50ha. Theo các chuyên gia, việc mở rộng diện tích sản xuất giống này giúp các mô hình nuôi thực nghiệm và trình diễn công nghệ cao cũng  như giúp người nuôi tiếp cận với mô hình nuôi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống, tăng thu nhập. 


Mô hình nuôi tôm nhà kính siêu thâm canh Mô hình nuôi tôm nhà kính siêu thâm… Tôm Việt bị nghi ngờ về nguồn gốc xuất xứ Tôm Việt bị nghi ngờ về nguồn gốc…