Tin nông nghiệp Đầu tư gì vào nông nghiệp Quảng Ninh?

Đầu tư gì vào nông nghiệp Quảng Ninh?

Author Văn Nguyễn, publish date Tuesday. May 10th, 2016

Đầu tư gì vào nông nghiệp Quảng Ninh?

Tiềm năng ở tất cả các lĩnh vực

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Đặng Huy Hậu cho biết, thị trường Quảng Ninh rất lớn, từ tiêu thụ nội địa, khách du lịch đến XK qua biên giới. Nhưng hiện nông sản Quảng Ninh mới chỉ cung cấp được khoảng 60% thị trường nội địa, chứ chưa nói đến cung cấp đủ và XK.

“Nông nghiệp Quảng Ninh có trồng trọt, chăn nuôi; thuỷ sản đánh bắt, nuôi trồng và lâm nghiệp. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Quảng Ninh khuyến khích gia súc gia cầm tăng tỷ trọng, rau củ quả 4 mùa, rừng sản xuất. Riêng với trồng cây dược liệu gần như cả tỉnh có thể trồng được”, ông Hậu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tất cả các lĩnh vực vẫn đang nằm ở dạng “tiềm năng”. Ông Hậu nêu ví dụ, vừa qua tỉnh đã có chương trình riêng về xúc tiến dược liệu. Hiện nay bắt đầu chế biến sâu hơn như sản phẩm ba kích (hiện có cao ba kích, chè ba kích, sắp tới là kẹo ba kích...). Còn về thủy sản, việc nuôi trồng hiện có hàng nghìn ha bãi triều, chủ yếu là quảng canh. Sản lượng không nhiều, chế biến còn gặp khó khăn.

“Về xúc tiến thương mại, chúng tôi đã học tập Thái Lan, Hàn Quốc, mỗi xã phường đều có sản phẩm. Qua 3 lần tổ chức hội chợ đều rất thành công. Một năm tổ chức 2 lần, những sản phẩm đáp ứng chất lượng. Tuy nhiên, do SX quy mô nhỏ, sản lượng chưa nhiều nên giá trị gia tăng còn thấp”, ông Hậu nói.

Ông Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BIM phát biểu với vai trò là một nhà đầu tư tại Quảng Ninh đầu tư lĩnh vực thuỷ sản: “Chúng tôi đồng ý là tiềm năng quá lớn. Thị trường của tỉnh đã lớn, và XK sang Trung Quốc cũng rất mênh mông”.

“Cho đến hôm nay, Quảng Ninh có sản phẩm nổi tiếng không nơi nào địch nổi là hàu Vân Đồn đã có mặt ở tất cả các khách sạn cao cấp, 5 sao tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. Những ngày vừa rồi hàu ở Quảng Ninh không đủ để cung cấp ra thị trường”, ông Việt phân tích.

Đối với một sản phẩm hải sản tiềm năng khác, ông Việt nói rằng tôm thẻ chân trắng dễ nuôi trồng ở Quảng Ninh, nhưng tỉnh lại thiếu đất để phát triển ở quy mô lớn. Sau khi DN tạo giống và công nghệ, tôm thẻ chân trắng được tiêu thụ rất tốt, do Trung Quốc sẽ mua hết.

Trả lời câu hỏi của các DN về những bất lợi của Quảng Ninh, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết “khó khăn là khó khăn chung của cả nước, chứ không riêng Quảng Ninh”.

TS Trần Đình Thiên hóm hỉnh khen thông điệp của ông Giang “yếu của Quảng Ninh như cả nước, còn lợi thế là khác hẳn”. “Đây là thông điệp rất khôn ngoan”, ông Thiên nói.
 
Đồng quan điểm, ông Trần Hòa, GĐ Cty CP Khoáng sản Thiên Thuận Tường cho biết, DN của ông có kinh nghiệm gần 20 năm trong lĩnh vực chăn nuôi trồng trọt. “Nếu như đầu tư vào nông nghiệp, đối với cá nhân tôi, khoảng 10, 20 năm nữa Quảng Ninh vẫn thiếu sản phẩm bởi hiện nay chỉ đạt được 30% mà thôi”, ông Hòa nhận định.

Tuy nhiên, ông Hoà cũng cho biết, DN của ông chịu thiệt thòi hơn các DN ở tỉnh khác do Quảng Ninh chưa có hiệp hội chăn nuôi. “Mong rằng tới đây, chúng ta có những hiệp hội riêng để cùng hỗ trợ các DN”, ông Hòa bày tỏ.

Nâng tầm nông sản

Trả lời những thắc mắc của Cty Thiên Thuận Trường, ông Hậu cho hay, DN đang xin chủ trương xây dựng một khu giết mổ lợn tập trung, nhưng tỉnh chưa phê duyệt do cần đánh giá thêm chuỗi liên kết, từ thức ăn, nuôi trồng đến giết mổ, chứ hoàn toàn không phải gây khó khăn.

“Tỉnh đang khuyến khích DN đầu tư, lý do gì lại gây khó. Vả lại, nếu các DN đều như Thiên Thuận Trường, Tập đoàn BIM..., thì thương hiệu nông sản Quảng Ninh sẽ ngày càng được nâng tầm”, ông Hậu nói.

Về các đặc sản của Quảng Ninh, ông Hậu lấy ví dụ cam ở Vân Đồn rất ngon nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường do diện tích trồng rất ít. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu phát triển hàng nghìn ha.

Ông Hậu nhắc lại rằng tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh rất lớn, nhưng nguồn lực phát triển nông nghiệp còn hạn chế.

Gợi ý cho phát triển thương hiệu nông sản Quảng Ninh, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, tỉnh Quảng Ninh có nhiều đặc sản, nhưng làm thương hiệu, nâng “đẳng cấp“ cho các sản phẩm đó, thì còn nhiều việc phải làm. Tỉnh nên có các HTX và các DN vừa và nhỏ để phát triển các sản phẩm này.

“Tôi được dự hội chợ nông sản tại Dubai theo lời mời của DN nông sản Việt Nam. Thực chất là sang đó để xem mình có cạnh tranh được không. Tuy nhiên, tôi nhận ra sản phẩm của họ bình thường, nhưng hơn hẳn hàng Việt Nam về công nghệ đóng gói”, ông Thiên nói. 

Ông Thiên ví dụ, Quảng Ninh có sá sùng khô, nhưng bao bì thô sơ. Nếu được đóng gói cùng thương hiệu Hạ Long với di sản thiên nhiên thế giới, có khi bán ra với giá gấp 10 lần. “Cần làm cho mọi sản phẩm trở nên có giá hơn, tôi cho rằng con gì ở Quảng Ninh cũng đều “thổi” lên được hết”, TS Thiên so sánh.

Lý giải thêm về vấn đề nâng tầm nông sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu cho rằng, mấy ngày trước, tỉnh có khai mạc hội chợ “Mỗi xã phường một sản phẩm”. Hội chợ này có mẫu mã sản phẩm cũng đẳng cấp chứ không thường. Còn về việc thành lập trung tâm ứng dụng công nghệ cao, hiện nay tỉnh cũng đang bắt tay vào làm.

“Tới đây, sự cam kết đầu tư vào nông nghiệp ở Quảng Ninh rất lớn. Các DN đều thống nhất chung tay SX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tổ chức xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN tiêu thụ sản phẩm nông sản”, ông Hậu nêu khẳng định.

Bàn về những bất cập trong thể chế hiện nay, TS Đặng Kim Sơn, chuyên gia kinh tế nông nghiệp cho biết, thể chế là chìa khóa mở ra tiềm năng về hội nhập, nhất là thu hút đầu tư nông nghiệp. “Có vẻ như Quảng Ninh có tất cả. Có đất, có nước, có điện, giao thông và đặc biệt là có thị trường. Xét về cơ bản thì điều kiện là sẵn sàng”, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, trong khi tất cả các DN và lãnh đạo đã cùng “ngồi xuống mâm” thì vấn đề bây giờ là phải “ăn mâm cỗ như thế nào”, tức là Quảng Ninh chăm sóc khách hàng, tạo nên nền kinh tế tổng hợp, lấy du lịch làm gốc…


Cam xoàn giá ngất ngưởng, nhà vườn lãi cao Cam xoàn giá ngất ngưởng, nhà vườn lãi… Háo hức lập nhóm trồng rau sạch Háo hức lập nhóm trồng rau sạch