Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa
Những tín hiệu vui
Trong 5 năm qua, nông nghiệp ở Mèo Vạc trải qua chặng đường phát triển đầy gian khó nhưng cũng không ít thành quả. Các đề án, phương án, kế hoạch thuộc lĩnh vực trồng trọt được tích cực triển khai trên địa bàn và phát huy hiệu quả cao; cơ cấu cây trồng của huyện có sự chuyển dịch mạnh mẽ; diện tích, năng suất và sản lượng của các cây trồng chính hàng năm đều tăng. Đặc biệt diện tích ngô lai, ngô vụ 2, cây vụ Đông được mở rộng góp phần tăng vụ và thay thế các giống địa phương năng suất thấp. Từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng hóa nông sản, thực phẩm phục vụ tại chỗ; một số sản phẩm nông nghiệp đã trở thành hàng hóa.
Đồng chí Lý Xuân Rắng, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là nhận thức của người nông dân còn nhiều hạn chế nên việc áp dụng KHKT vào sản xuất gặp nhiều trở ngại, nhưng với việc làm tốt công tác tuyên truyền cùng với đội ngũ cán bộ lăn lộn cơ sở đã giúp cho bà con dần hình thành thói quen sản xuất thâm canh tăng vụ, chuyển đổi giống cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, sản lượng”. Tính riêng năm 2015, tổng sản lượng lương thực (có hạt) toàn huyện ước đạt 34.516,8 tấn, tăng 8.516 tấn so với năm 2010; bình quân lương thực đầu người ước đạt 442 kg/người/năm, tăng 19,46% so với năm 2010.
Giá trị sản xuất/ha canh tác cây hàng năm ước đạt 31,84 triệu đồng/ha, tăng 10,73 triệu đồng/ha so với năm 2010. Bên cạnh đó, chăn nuôi được chú trọng đầu tư và phát triển đúng hướng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo thu nhập chính trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp của huyện; các đề án, kế hoạch thuộc lĩnh vực phát triển chăn nuôi, nhất là chương trình trồng cỏ gắn với phát triển đàn bò hàng hóa được tập trung triển khai thực hiện, đạt hiệu quả cao. Đàn gia súc, gia cầm và đàn ong của huyện có sự phát triển khá về quy mô; nuôi trồng thủy sản được quan tâm; các sản phẩm chăn nuôi như bò, mật ong Bạc hà đã trở thành hàng hóa...
Giải pháp phát triển
Trong lộ trình hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững, Mèo Vạc xác định tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng, tập trung thâm canh tăng năng suất, sản lượng các loại cây trồng; tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, chú trọng phát triển cây vụ Đông, tăng hệ số sử dụng đất; chuyển đổi các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, thực hiện cải tạo và phát triển các loại cây ăn quả; tăng cường đầu tư thâm canh, đa dạng hóa sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 301,18 tỷ đồng, chiếm 39,86% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc, gia cầm có giá trị cao như trâu, bò, dê và đàn ong; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình chuyển đổi đất sang trồng cỏ phát triển chăn nuôi bò hàng hóa, tạo thương hiệu bò vàng Mèo Vạc; chú trọng phát triển đàn gia súc cái sinh sản. Phấn đấu đưa Mèo Vạc trở thành đầu mối sản xuất, chế biến và tiêu thụ đặc sản mật ong Bạc hà của tỉnh. Chú trọng phát triển mở rộng quy mô diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng, gắn với việc đầu tư công nghệ chế biến làm tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; tăng cường công tác khuyến nông, thông tin thị trường, làm tốt việc xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Gắn mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp với xây dựng NTM...
Những thành quả có được đang tạo cơ sở giúp Mèo Vạc đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa. Cùng với nhiều giải pháp mang tính toàn diện có thể khẳng định trong thời gian gần, nông nghiệp Mèo Vạc sẽ tạo ra sự bứt phá và người nông dân sẽ không còn lo đói nghèo.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao