Tin thủy sản ĐBSCL: Khởi sắc vùng nuôi tôm

ĐBSCL: Khởi sắc vùng nuôi tôm

Author Nhóm PV, publish date Thursday. December 28th, 2017

ĐBSCL: Khởi sắc vùng nuôi tôm

Do tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tôm thu hoạch vừa trúng mùa, vừa trúng giá; giá tôm nguyên liệu luôn duy trì ở mức cao nên người nuôi tôm các tỉnh ĐBSCL rất phấn khởi.

Tôm được mùa, được giá   Ảnh: XT

Các huyện vùng U Minh Thượng (huyện An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Vĩnh Thuận) và Gò Quao là khu vực phát triển nghề nuôi tôm - lúa chính của tỉnh Kiên Giang, năm nay đều tăng mạnh cả về diện tích lẫn sản lượng; có thể nói, chính con tôm đã cứu nguy, giúp ngành nông nghiệp lấy lại đà tăng trưởng dương. Theo thống kê, sản lượng tôm nuôi của huyện Gò Quao ước vượt khoảng 500 tấn so kế hoạch; huyện An Minh hụt giảm khoảng 15.000 tấn lúa, nhưng bù lại sản lượng tôm ước khoảng 20.900 tấn, tăng 900 tấn so kế hoạch. Ngoài ra, nơi đây còn phát triển 1.450 ha tôm càng xanh và cua biển nuôi xen canh với tôm nước lợ (ước sản lượng cua khoảng 12.600 tấn)… Còn tại vùng Tứ giác Long Xuyên (huyện Hòn Đất, Giang Thành và thị xã Hà Tiên), tôm nuôi công nghiệp cũng phát triển tốt, đến nay đã đạt 2.084 ha thả nuôi. Đặc biệt là mô hình nuôi tôm 2 - 3 giai đoạn, nuôi công nghệ cao đã giúp nhiều người nuôi thắng lớn. Nuôi trong nhà có mái che đã giúp giảm thiểu những tác động bất lợi từ môi trường. Công nghệ lọc nước tuần hoàn giúp người nuôi tăng vụ thả nuôi ngay cả trong điều kiện không thể lấy được nước mặn từ biển.

Tại huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua, người dân trong huyện đã hình thành nhiều mô hình nuôi trồng kết hợp mang lại hiệu quả cao, trong đó có mô hình: 2 vụ tôm sú kết hợp cua, 1 vụ lúa kết hợp thả tôm càng xanh và mô hình 3 vụ tôm sú kết hợp cua, cá. Đây là 2 mô hình sinh thái, bền vững, phù hợp với trình độ canh tác và nguồn vốn  đầu tư của đa số nông dân.

Tại Sóc Trăng, đến 11 tháng đầu năm, nông dân trên địa bàn toàn tỉnh thả nuôi hơn 53.000 ha tôm, vượt chỉ tiêu so kế hoạch và thu hoạch hơn 30.400 ha, với sản lượng hơn 95.800 tấn. Bên cạnh đó, giá tôm nguyên liệu luôn ở mức cao nên người nuôi tôm năm nay tiếp tục thu lãi cao. Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, đến thời điểm này, có thể đánh giá vụ nuôi tôm nước lợ năm 2017 khá thành công, diện tích thả nuôi vượt so với kế hoạch, tỷ lệ thiệt hại chỉ khoảng 16%, sản lượng thu hoạch đạt 90% kế hoạch và hiện nay còn hơn 14.200 ha tôm đang phát triển trên đồng. Nếu tình hình tiếp tục thuận lợi thì ước đến cuối vụ sản lượng thu hoạch có thể vượt 10 - 20%.

Không chỉ tăng về diện tích và sản lượng, giá tôm năm nay cũng rất khả quan, luôn duy trì ở mức cao. Theo Tổng cục Thủy sản, tính từ đầu tháng 11/2017, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng liên tục có sự biến động theo kích cỡ tôm, nhưng nhìn chung vẫn còn ở mức cao so cùng kỳ những năm trước. Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, giá tôm sú được các thương lái và nhà máy thu mua loại 30 con/kg ở mức 200.000 đồng/kg; loại 40 - 50 con/kg 145.000 - 155.000 đồng/kg và loại trên 50 - 60 con/kg giá ở mức 140.000 - 145.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ/tôm thẻ chân trắng chân trắng tại các tỉnh ĐBSCL cỡ 60 - 70 con/kg giá 115.000 - 125.000 đồng/kg; cỡ 100 con/kg giá 98.000 - 103.000 đồng/kg.


Xuất khẩu cá tra đạt 1,62 tỷ USD Xuất khẩu cá tra đạt 1,62 tỷ USD Việt Nam và ngôi “á quân” xuất khẩu cá ngừ Việt Nam và ngôi “á quân” xuất khẩu…