Để Cây Cà Phê Phát Triển Bền Vững Ở Gia Lai
Publish date Tuesday. May 29th, 2012
Gia Lai có 77.500 ha cà phê, trong số diện tích cà phê già cỗi cần cải tạo và tái canh chiếm khoảng 36%, phần lớn của dân. Trên thực tế thời gian qua, chương trình tái canh gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về vốn và kỹ thuật.
Nghiên cứu cho thấy, có tới 88% diện tích tái canh bị thất bại, sau 4 năm tái canh chỉ có 12% số cây cho kết quả tốt. Nhiều diện tích cà phê trồng lại trên vườn cà phê già cỗi, sau 2 - 3 năm có hiện tượng vàng lá, rễ cọc, cây phát triển kém. Hiện tượng này phổ biến ở các vườn nhổ cà phê lên trồng lại ngay, không qua luân canh, cày bừa, loại bỏ rễ cũ. Theo quy trình tái canh, các biện pháp kỹ thuật cần phải được thực hiện đồng bộ từ tạo giống cây sạch bệnh đến việc tăng cường phân bón hữu cơ để hạn chế sự phát triển của tuyến trùng.
Hiện tại, giá cà phê đang ở mức cao, do đó việc loại bỏ diện tích cà phê già cỗi vẫn đang cho thu hoạch là một khó khăn đối với các hộ sản xuất khi mà diện tích này vẫn đang trong thời kỳ khai thác lợi nhuận. Nếu tiếp tục không thực hiện tái canh, năng suất và sản lượng sẽ tiếp tục sụt giảm nghiêm trọng.
Theo TS. Lê Ngọc Báu - Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp Tây Nguyên, chi phí đầu tư ban đầu cho tái canh cao. Ước tính chi phí tái canh cho 1 ha gồm 1 năm trồng mới và 2 năm chăm sóc khoảng 100 triệu đồng. Do đó, người trồng từ nông dân cho đến các công ty cà phê đều không đủ khả năng để thay thế hàng loạt các vườn cà phê già cỗi. Vì vậy, nếu không có hỗ trợ vốn, tiến trình tái canh sẽ chậm, diện tích cà phê già cỗi sẽ tăng.
Bắt đầu từ năm 2011, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh triển khai chương trình hỗ trợ tái canh với kinh phí ước tính 100.000 USD/năm. Thực hiện chương trình tái canh cà phê là cơ hội tốt để phát triển diện tích cà phê chè, vốn có hiệu quả cao hơn cà phê vối (giá cà phê chè tăng nhanh, gấp 2,5 lần giá cà phê vối). Hiện nay, diện tích cà phê chè chỉ chiếm 6,3% diện tích cà phê cả nước.
Hiện nay, hơn 95% sản lượng cà phê xuất khẩu đều là cà phê nguyên liệu (cà phê nhân). Theo nguồn của Viện Quy hoạch và Thiết kế nông thôn thì chuỗi giá trị các khâu trồng, thu hoạch, sơ chế có tỷ suất lãi/trên chi phí là 13,69%; rang, xay sản phẩm phổ thông 32,62%; rang, xay sản phẩm cao cấp 45,86%, chế biến xuất khẩu khoảng 0,37%.
Tại Hội thảo về cà phê được tổ chức mới đây tại Đak Lak cho thấy việc canh tác cà phê bền vững, với xu thế tiêu thụ cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C, UTZ là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại giá trị gia tăng lớn cho người sản xuất từ việc tăng năng suất, sản lượng, chất lượng, giá bán, việc mua bán hàng trực tiếp không qua khâu trung gian nên giảm được chi phí, làm tăng lợi nhuận của người sản xuất; tăng thêm tính ổn định và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm khi thị trường được mở rộng và phát triển ở nhiều nước. Bên cạnh đó, việc sản xuất theo chứng nhận sẽ giúp kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và người lao động, cải thiện môi trường.
Tuy nhiên, do sự tiếp cận vốn vay, khoa học kỹ thuật bị hạn chế nên quá trình sản xuất cà phê có chứng nhận mới chỉ chiếm 10%, trong đó tỉnh Gia Lai có khoảng gần 2.000 ha, chiếm tỷ lệ chưa đến 3% trong tổng diện tích.
Mỗi ha cà phê có chứng nhận sẽ đạt năng suất cao hơn khoảng 15%, giá bán cao hơn khoảng 500 ngàn đồng/tấn so với cà phê sản xuất thông thường, ngược lại chi phí cũng giảm đáng kể từ 15% đến 20%. Tham gia vào dự án này người nông dân được hưởng lợi nhiều thứ, trong đó được hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, sơ chế, bảo quản… để tăng giá trị cho sản phẩm. Trên thị trường thế giới, cà phê có chứng nhận đã được bán giá cao hơn cà phê sản xuất theo cách lâu nay vẫn làm. Bởi tiêu chuẩn này giúp người mua truy nguyên được nguồn gốc và minh chứng cho sản xuất cà phê có trách nhiệm với môi trường, cộng đồng, chinh phục những thị trường xuất khẩu khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Mô hình sản xuất cà phê có chứng nhận theo hướng sản xuất bền vững là chiến lược lâu dài mang lại lợi ích thiết thực cho các bên tham gia, nhằm tạo ra chuỗi giá trị kinh tế vượt trội cho mặt hàng cà phê khi đang ngày càng có sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường cà phê toàn cầu.
Related news
Tools
Feed Balancer
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Hydroponics Calculator
Pha dung dịch thủy canh
Feeding Calculator
Định mức cho tôm ăn
NPK Calculator
Phối trộn phân bón NPK
Survival Calculator
Xác định tỷ lệ tôm sống
Fertilizers Converter
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Aeration Calculator
Xác định công suất sục khí
Shrimp Converter
Chuyển đổi đơn vị tôm
Greenhouse Calculator
Tính diện tích nhà kính
Pond Calculator
Tính thể tích ao