Tin nông nghiệp Để chuồng nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học

Để chuồng nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học

Author TS Nguyễn Thị Hải, publish date Tuesday. December 26th, 2017

Để chuồng nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học

Để chuồng nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học cần thực hiện đủ và đúng 3 nguyên tắc đối với trại và từng dãy, ô chuồng nuôi gà.

Hỏi: Chuồng nuôi như thế nào là đủ điều kiện an toàn sinh học để nhận gà giống?

Trả lời: Để chuồng nuôi đủ điều kiện an toàn sinh học cần thực hiện đủ và đúng 3 nguyên tắc sau đối với trại và từng dãy, ô chuồng nuôi gà:

- Cách ly: Trước khi nhận gà giống 2 tuần, chuồng nuôi úm gà đã được đóng kín cửa, khóa cổng, không có gia súc, gia cầm nào còn trong đó hoặc có thể đi vào trong đó; đã diệt chuột và tiêu diệt côn trùng (ruồi, muỗi, cánh cứng, bọ chét…) trong khu vực; người không có nhiệm vụ không được vào; dụng cụ chăm sóc hàng ngày, dép, ủng của người chăn nuôi cho mỗi ô chuồng đã sẵn sàng.

- Vệ sinh làm sạch: Chuồng nuôi úm, kho thức ăn, kho thuốc của chuồng úm kể cả bạt che, dụng cụ, trang thiết bị để chăn nuôi, chăm sóc đã vệ sinh sạch sẽ; các việc sửa chữa, thay thế điện, nước, dụng cụ đã hoàn thiện; xung quanh chuồng nuôi, nhà kho, lối đi đã dãy dọn, phát quang cây, cỏ; đệm lót đã được làm sạch, phơi khô.

- Khử trùng: Chuồng nuôi, dụng cụ, trang thiết bị, đệm lót đã được khử trùng kỹ theo quy định. Trước cửa mỗi ô chuồng đã có khay hoặc máng khử trùng dép/ủng của người chăm sóc gà.

Hỏi: Gà ta đang chuẩn bị đẻ, bị chướng diều, ăn ít, đi phân trắng loãng, teo chân, khô chân rồi chết. Mổ ra gan và thận sưng to. Trước đó đã cho gà dùng kháng thể E.coli. Xin hỏi chuyên gia cách khắc phục?

Trả lời: Bệnh do E.coli, salmonella gây nên. Điều trị bệnh có thể dùng một trong các thuốc sau (trộn thức ăn hoặc nước uống): Ampicol, Gentadox, Gentacostrim, Doxygen; hoặc tiêm Gentamicin, Lincospecto liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc.

Kết hợp bổ sung vitamin; khi hết liệu trình kháng sinh, bổ sung men tiêu hoá để tăng vi sinh vật có lợi đường ruột, tăng khả năng tiêu hoá thức ăn; bổ sung thuốc bổ gan, thận, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng và vệ sinh sát trùng chuồng nuôi và khu vực chăn nuôi.

Phòng bệnh: Vệ sinh chuồng trại, phun sát trùng trong, ngoài chuồng nuôi theo định kỳ. Đảm bảo vệ sinh thức ăn và nước uống. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung các vitamin.

Hỏi: Gà 3 tháng tuổi khò khè, mổ ra có cục có màu trắng như ngón tay cái ở phần lưng, ngoài ra không có hiện tượng nào khác. Xin hỏi cách khắc phục?

Trả lời: Gà mắc bệnh hen (CRD), nhưng bã đậu thường xuất hiện ở túi khí không ở trên lưng; có thể tham khảo các thông tin sau:

Điều trị: Dùng một trong các loại thuốc đặc trị như Tylan, hoặc phối hợp với thuốc Genta - costrim, Doxygen, Gentadox, liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc (nếu phối hợp 2 loại thuốc thì liều mỗi loại giảm đi 1/2); có thể hoà nước uống hoặc trộn đều vào thức ăn. Bệnh nặng có thể tiêm Genta-tylo hoặc Lincospecto, liều theo hướng dẫn sử dụng của hãng thuốc. Kết hợp bổ sung vitamin, thuốc trợ sức, trợ lực cho gà.

Khi điều trị bệnh, việc tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, cải thiện môi trường chăn nuôi, tăng thông thoáng và vệ sinh là điều quan trọng, giúp gà nhanh hồi phục.

Dùng vắc xin để phòng bệnh. Thực hiện vệ sinh phòng bệnh: Mua gà con giống ở những nơi an toàn bệnh để tránh gà con mắc nhiều bệnh từ trứng. Cách ly gà ốm.

Hỏi: Trâu bị say nắng, đã cho uống nước gừng nhưng 3 ngày chưa đỡ, chưa chịu ăn cỏ. Xin hỏi cách khắc phục?

Trả lời: Không nên cho trâu uống nước gừng vì sẽ làm tăng áp lực thành mạch, nên nuôi nhốt chỗ yên tĩnh, râm mát, dùng trợ sức trợ lực như truyền tĩnh mạch dung dịch đường, dung dịch muối và khoáng từ 2 - 3 ngày.


Kỹ thuật trồng cây cần tây tại nhà xanh mơn mởn ai thấy cũng phát ngốt Kỹ thuật trồng cây cần tây tại nhà… Kỹ thuật trồng su su tươi non quả chi chít trong vườn nhà Kỹ thuật trồng su su tươi non quả…