Mô hình kinh tế Để Có Những Vụ Tôm Nuôi Ổn Định, Bền Vững…

Để Có Những Vụ Tôm Nuôi Ổn Định, Bền Vững…

Publish date Saturday. January 3rd, 2015

Để Có Những Vụ Tôm Nuôi Ổn Định, Bền Vững…

Trước tiên, hãy xem xét các điều kiện hạ tầng phục vụ có bảo đảm cho việc nuôi tôm, nhất là khi muốn nuôi tôm công nghiệp (NTCN) như: nguồn nước, đường điện, giao thông thuỷ bộ, đồng vốn, kiến thức quản lý và khả năng nắm bắt thông tin về thị trường vật tư, tình hình dịch bệnh…

Tiếp theo là vấn đề kiến thiết đồng ruộng, sên vét lại ao đầm, đặc biệt là để phục vụ cho NTCN được thành công như bà con mong muốn. Nhưng đây là những công việc đòi hỏi có đồng vốn và rất cần sự quy hoạch ổn định, cần sự chỉ đạo nhất quán và chính sách đầu tư hỗ trợ từ phía Nhà nước. Và quan trọng hơn nữa là sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện nghiêm chỉnh của nông dân.
Cần chú ý các vấn đề kỹ thuật trực tiếp trong mỗi vụ nuôi như chọn mùa vụ, chọn thời điểm thả giống sao cho né được bệnh mà lại bán được giá khi thu hoạch, điều lợi hay chịu thiệt hại đôi khi chỉ cách nhau đôi ba tuần nên càng phải thận trọng. Phải tuân thủ nuôi theo hệ thống quản lý chất lượng nào đó để bán được cho khách hàng, thị trường có yêu cầu.
Và điều quan trọng hơn là dù nuôi hình thức nào cũng phải thiết kế ao đầm phù hợp, mà 2 yếu tố không thể thiếu là ao hay khu lắng phục vụ xử lý nước trước khi đưa vào ao nuôi tôm hay cấp bù khi cần và khu xử lý nước, bùn, chất thải sau mỗi vụ nuôi, hay khi vụ nuôi gặp sự cố.
Vấn đề chọn con giống tốt, thức ăn đạt chuẩn chất lượng, cách cho ăn đúng kỹ thuật và việc theo dõi chăm sóc, đối phó các vấn đề thay đổi môi trường ao nuôi phải tuân thủ quy trình chặt chẽ, đặc biệt là nuôi vụ nào ra vụ nấy, không nên thả giống nối vụ. Thận trọng trong sử dụng chế phẩm sinh học, thuốc phòng trị bệnh tôm, tránh hoá chất, kháng sinh cấm khi phải đối phó dịch bệnh, kể cả bệnh nguy cấp sao cho bảo đảm được thời gian cách ly tính đến thời điểm thu hoạch.
Còn vấn đề tuy đơn giản ít được người nuôi chú ý và hay bỏ qua là phải mạnh dạn cắt vụ, luân canh hay chuyển vụ hoặc xen canh có chọn lọc. Cụ thể là nuôi 1-2 vụ tôm thì ngưng cho ao đầm nghỉ ngơi bằng cách giữ ngọt hoá và thay đổi đối tượng nuôi trồng - chuyển hệ sinh thái từ mặn - lợ với tôm sú sang hệ sinh thái ngọt, ít nhất trong suốt 1 mùa mưa với cây, con hệ sinh thái ngọt.
Hoặc giữ hệ sinh thái ngọt một thời gian nhất định 4-5 tháng trong mùa mưa để cắt giữa 2 vụ nuôi liên tiếp, nhằm cắt nguồn lây truyền bệnh và tạo điều kiện cho ao đầm phục hồi lại các yếu tố môi trường có lợi cho con tôm ở vụ tiếp theo, khôi phục lại hệ vi sinh vật có ích đã bị ức chế trong giai đoạn giữ mặn qua các vụ nuôi.
Cộng đồng cùng tham gia
Dù thực tiễn đã chứng tỏ cắt vụ, luân canh, xen canh có kết quả tốt, nhưng cần có những nghiên cứu bài bản, có cơ sở khoa học thuyết phục để khuyến cáo nông dân. Rồi cần có quy hoạch vùng cắt vụ, vùng xen canh và đối tượng nuôi xen, vùng luân canh với mùa vụ cụ thể cho đối tượng chính, phụ… để từ đó hỗ trợ cho công tác thực thi quy hoạch sản xuất, sử dụng đất và đảm bảo quy hoạch được tuân thủ không bị phá vỡ.
Theo đó, cần có bản đồ cắt vụ, xen canh, luân canh phù hợp với những đặc điểm bất lợi hay lợi thế của các địa phương, cho từng vùng nuôi, vụ nuôi cụ thể chứ không làm chung chung.
Ðể có thể thực hiện tốt và đạt được những lợi ích nêu trên, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho vùng, người nuôi cắt vụ, như doanh nghiệp, nhà máy chế biến tham gia thực hiện thu mua sản phẩm cắt vụ xen canh, luân canh được trợ giá, miễn giảm thuế, được hỗ trợ lãi suất ngân hàng trong những tháng tồn trữ hàng hay nguyên liệu; có chính sách hỗ trợ công nhân trong trường hợp thiếu việc làm do khan hiếm nguyên liệu chế biến khi thực hiện cắt vụ, xen canh, luân canh.
Người trực tiếp nuôi cũng cần được hỗ trợ con giống, thức ăn, hoá chất… một cách phù hợp nhưng phải được kiểm tra, xác nhận của cán bộ mạng lưới và chính quyền địa phương.


Ngư Dân Quỳnh Lưu Thu Hàng Trăm Triệu Đồng Trong Một Đêm Ngư Dân Quỳnh Lưu Thu Hàng Trăm Triệu… Cá Ngừ Đại Dương Việt Nam Xâm Nhập Thị Trường Nhật Bản Cá Ngừ Đại Dương Việt Nam Xâm Nhập…