Sầu riêng Để Hạn Chế Sầu Riêng Chết Hàng Loạt

Để Hạn Chế Sầu Riêng Chết Hàng Loạt

Publish date Friday. December 23rd, 2011

Để Hạn Chế Sầu Riêng Chết Hàng Loạt

Việc cây sầu riêng ở các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh (Lâm Đồng) bị nhiễm dịch hại chết đứng đã diễn ra nhiều năm gây thiệt hại rất nặng cho nhà vườn đã được ngành nông nghiệp địa phương đặc biệt quan tâm nhưng chưa thể khống chế triệt để. Năm nay, theo thống kê của Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT), huyện Đạ Huoai có 1.462 ha sầu riêng, trong đó có 1.016 ha trồng bằng hạt và 446 ha sầu riêng ghép giống SR1 do Công ty Donatechno cung ứng giống. Một số giống sầu riêng ghép khác như RI 6, Chín Hóa, siêu sớm Bến Tre… cũng đang được nhà vườn đưa vào canh tác thay thế sầu riêng trồng hạt và diện tích vườn điều đã thoái hóa.

Các nhà vườn ở Đạ Huoai cho biết, năm 2009, Đạ Huoai trồng mới được 42 ha sầu riêng ghép thì đến nay đã có 21 ha bị chết trắng, diện tích còn lại tỷ lệ cây sống chỉ còn khoảng 50%, nhưng trong đó chỉ có 20% phát triển bình thường, còn lại phát triển rất kém. Qua điều tra thực địa của Chi cục cục Bảo vệ thực vật và Trung tâm Nông nghiệp Đạ Huoai thì diện tích sầu riêng mới trồng này bị chết là do khô hạn 10 ha (48%), do thối gốc thối rễ 9 ha (43%), do mối phá hại rễ 2 ha (10%); diện tích 200 ha sầu riêng ghép đang trong thời kỳ kinh doanh (đã có thu hoạch trái) cũng bị chết 102 ha, gồm do bệnh xì mủ và thối gốc 35,9 ha (70%), do sâu đục thân 15,3 ha (30%). Hầu hết diện tích sầu riêng bị chết này đều là giống SR1 do Donatechno cung cấp giống.

Thực tế trên cho thấy, nguyên chính chính dẫn tới sầu riêng ghép trồng mới vừa qua bị chết hàng loạt là do nắng hạn, trong khi đó các biện pháp chống khô hạn cho cây trồng mới (trong đó có sầu riêng) như tưới nước, ủ gốc lại chưa được nông dân quan tâm; nắng hạn và thiếu chăm sóc cũng đã làm cho các loại bệnh hại như xì mủ, bong vỏ, thối rễ và mối tấn công cây sầu riêng trồng. Nấm Phytophora sp là nguyên nhân gây nên bệnh xì mủ và thối gốc rễ trên phần lớn diện tích sầu riêng kinh doanh; việc loại nấm hại này ngày càng lan rộng trên cây sầu riêng và rất khó khống chế cũng do nông dân thiếu đầu tư chăm sóc, không tiến hành kịp thời các biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

Biện pháp khắc phục tình trạng sầu riêng bị chết trắng ở huyện Đạ Huoai đã được Sở NN-PTNT và Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo tới nhà vườn là: cây sầu riêng ghép chỉ nên được trồng vào ngay đầu mùa mưa hàng năm, nếu gặp nắng hạn phải tưới nước thường xuyên cho cây mới trồng. Cây giống phải bảo đảm tiêu chuẩn khuyến cáo về chiều cao, số lá và không có triệu chứng nhiễm bệnh xì mủ, thối gốc; trước khi trồng cần được áp dụng kỹ thuật dưỡng và trồng đúng kỹ thuật. Không nên trồng với mật độ dày (mật độ khuyến cáo với khoảng cách 8 - 10 mét/cây)vì cây sẽ thiếu ánh sáng để quang hợp, chỉ được trồng xen các loại cây khác trong vườn khi cây sầu riêng còn nhỏ. Cần thực hiện biện pháp tỉa cành tạo tán thường xuyên cho vườn sầu riêng để loại bỏ cành bên trong tán, cành mọc chồng chéo và cành bị sâu bệnh. Sầu riêng ghép là loại cây yêu cầu dinh dưỡng cao, cho nên nhất thiết phải bón NPK cân đối, bón thêm phân hữu cơ (nhất là phân gà) đã ủ hoai vào đầu và cuối mùa mưa hàng năm, không để nước ứ đọng trong vườn.

Xì mủ, thối gốc được xác định là loại dịch hại gây thiệt hại nhất trên cây sầu riêng. Vì vậy, việc kiểm tra thường xuyên vườn cây cần được nghiêm túc thực hiện để sớm phát hiện bệnh lý. Khi thấy vết chảy nhựa trên thân cây thì dùng dao cạo hết phần vỏ bị thối sau đó dùng hóa chất như Ridomil Gold 68WP, Ridomil Mz 72WP… hòa nước liều lượng 30 - 50 gam/ lít quét nhiều lần lên vết bệnh; có thể dùng các loại hóa chất này tưới xung quanh gốc cây bị bệnh với liều lượng 30 - 50 gam/10 lít nước… nếu có điều kiện nên sử dụng biện pháp tiêm trực tiếp thuốc AgriFos 400 (liều lượng 20 ml thuốc + 20 ml nước/1 lần tiêm) vào thân cây bằng dụng cụ tiêm chuyên dụng. Ngoài ra có thể dùng loại nấm Trichoderma (liều lượng: 1 kg trộn với 40 kg phân chuồng) là loại nấm đối kháng với nấm Phytophthora (nấm gây bệnh xì mủ thối gốc sầu riêng) rãi vào đất dưới tán cây.

Đây là kỹ thuật phòng trừ các loại dịch hại gây nên tình trạng cây sầu riêng ghép bị chết ở huyện Đạ Huoai mà Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo các nhà vườn trồng sầu riêng nên sớm triển khai ngay trong mùa mưa năm nay.


Phòng Trừ Sâu Hại Sầu Riêng Giai Đoạn Ra Hoa-Kết Trái Phòng Trừ Sâu Hại Sầu Riêng Giai Đoạn… Để Cây Sầu Riêng Ra Hoa Nghịch Vụ Để Cây Sầu Riêng Ra Hoa Nghịch Vụ