Mô hình kinh tế Để Người Nuôi Tôm, Cá Tra Hết Lo

Để Người Nuôi Tôm, Cá Tra Hết Lo

Publish date Monday. April 28th, 2014

Để Người Nuôi Tôm, Cá Tra Hết Lo

Ngày 16-4-2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Quyết định quy định việc xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và trả nợ tổ chức tín dụng (TCTD) đến ngày 31-12-2013.

Theo đó, khách hàng gặp khó khăn tạm thời trong việc trả nợ sẽ được các tổ chức tín dụng (TCTD) cơ cấu lại nợ tối đa 36 tháng (bao gồm cả thời gian đã được cơ cấu lại nợ); không thu lãi quá hạn, lãi phạt đối với các khoản nợ được cơ cấu; ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau; trường hợp khách hàng đã trả xong nợ gốc, chưa trả hết nợ lãi thì TCTD thỏa thuận với khách hàng để có kế hoạch thu dần hằng năm tiếp theo; miễn, giảm lãi vay theo quy định của TCTD.

Về xử lý các khoản nợ quá hạn của khách hàng không có khả năng trả nợ do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, Quyết định quy định TCTD trên cơ sở xác nhận của UBND cấp xã về việc khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh…) để quyết định khoanh nợ trong thời hạn 3 năm đối với khách hàng. TCTD căn cứ vào tình hình thực tế yêu cầu khách hàng đủ điều kiện khoanh nợ, hoàn tất các thủ tục khoanh nợ để tổng hợp, báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trước ngày 31-7-2014.

Trong thời gian khoanh nợ, TCTD tính lãi nhưng không thu của khách hàng; trường hợp sau 3 năm khách hàng trả được đầy đủ gốc thì xóa lãi cho khách hàng; trường hợp khách hàng không trả được nợ gốc thì TCTD xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, TCTD tiếp tục thực hiện phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo nhóm nợ đang áp dụng đối với khoản nợ tại thời điểm khoanh nợ.

Theo đó, NHNN sẽ cho vay tái cấp vốn tương ứng với số tiền TCTD thực hiện khoanh nợ cho khách hàng với lãi suất 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày và được gia hạn tự động hằng năm với thời gian 3 năm.

Ngày 8-8-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Công văn 1149 về chính sách đối với chăn nuôi và thủy sản, Thủ tướng yêu cầu NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực trên, đồng thời giãn nợ tối đa 24 tháng cho người nuôi, chủ trang trại, hợp tác xã tạm thời gặp khó khăn trong trả nợ gốc, lãi vay ngân hàng.

Theo báo cáo của NHNN, thực hiện Công văn số 1149 của Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn nợ đối với hộ nuôi cá tra và tôm, đến ngày 31-1-2014, tại khu vực ĐBSCL tổng dư nợ được gia hạn trong lĩnh vực này là 4.990 tỉ đồng tại 5 ngân hàng thương mại nhà nước. Thực tế hiện nay, còn rất nhiều hộ gia đình, hợp tác xã khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng từ ngân hàng để đầu tư nuôi tôm, cá tra.

Và giá cá tra, tôm nguyên liệu tăng trong thời gian gần đây là minh chứng sống động nhất, giá tăng, nhưng nhiều người nuôi không có tôm, cá để bán vì đã "treo ao" từ trước đó do không có vốn tái đầu tư. Giá tăng, nhiều hộ dân tìm đến ngân hàng để vay vốn đầu tư mới, nhưng không thỏa mãn yêu cầu về tài sản thế chấp cho ngân hàng.

Với Quyết định 540, TCTD được tiếp tục xem xét cho khách hàng vay mới để khôi phục sản xuất, kinh doanh trên cơ sở phương án kinh doanh hiệu quả, khả thi và không phụ thuộc vào các khoản nợ đã được xử lý theo quy định của Quyết định này...

Nếu các TCTD áp dụng đúng tinh thần Quyết định 540 của Thủ tướng Chính phủ sẽ tháo nút thắt về vốn cho người nuôi tôm, cá tra. Nhưng còn vấn đề thị trường tiêu thụ thì rất cần các cơ quan chức năng, địa phương và doanh nghiệp cùng vào cuộc trong hợp đồng bao tiêu sản phẩm, liên kết "4 nhà" để người nuôi không còn thấp thỏm vì giá đầu ra tăng, giảm thất thường.


Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 2,2 Tỷ USD Trong 4 Tháng Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 2,2 Tỷ USD… 70 Tỷ Đồng Nâng Cấp, Mở Rộng Trại Giống Thủy Sản Tỉnh Vĩnh Long 70 Tỷ Đồng Nâng Cấp, Mở Rộng Trại…