Nhãn Để nhãn năm nào cũng có quả

Để nhãn năm nào cũng có quả

Author Đào Thắm, publish date Friday. February 15th, 2019

Để nhãn năm nào cũng có quả

Đó là điều mà người trồng nhãn nào cũng mong muốn. Những ngày này, khi công việc thu hoạch nhãn năm 2013 đã cơ bản kết thúc, người người, nhà nhà trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đang tập trung cao nhất cho công việc chăm sóc nhãn. Song chăm sóc như thế nào để vụ nhãn sang năm lại có thu hoạch thì không phải gia đình nào cũng thành công. Công việc này đòi hỏi người trồng nhãn không chỉ biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn phải vận dụng cả những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế. 

Gia đình ông Nguyễn Tiến Nguyệt, xã Tân Hưng (Tiên Lữ) cắt tỉa cành nhãn sau thu hoạch

Trả lại ngay sức khỏe cho cây

Đó là công việc đầu tiên mà gia đình ông Bùi Văn Nhã ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) chọn làm ngay sau khi thu hoạch nhãn. Năm nào cũng thành công, có thu nhập đáng nể từ nhãn do biết kết hợp hài hòa giữa ứng dụng khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm chăm sóc nhãn, ông Nhã chia sẻ: “Sau thu hoạch quả là thời gian cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm. Giai đoạn này cây yếu nhất, vì vậy muốn tạo đà cho vụ sau thì việc đầu tiên gia đình tôi làm là tỉa cành, tạo tán, chăm sóc, trả lại sức khỏe cho cây. Đây là công việc hết sức quan trọng, nó bảo đảm sự phục hồi, sinh trưởng và phát triển cho cây sau 5 - 6 tháng nuôi quả và tiếp sức cho cây ra vụ quả sau”. Việc tạo tán, tỉa bớt cành yếu làm cho cây thưa cành, tán rụt lại không để vươn quá cao, mục đích là để phân hóa mầm nhanh. Liền sau công việc này là xới, xáo gốc, vệ sinh vườn sạch sẽ rồi cho cây “ăn”. “Thức ăn cho cây” mà gia đình ông Nhã năm nay tiếp tục chọn là nước phân lợn ngâm lân Lâm Thao, bởi qua nhiều năm cách làm này đều đem lại thành công cho gia đình ông. Sau 2 tuần, bộ rễ mới phát triển, khi ấy cây cũng bắt đầu phân hóa mầm. Lúc này gia đình ông mới dùng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc kích thích phát triển mầm để phun, vừa đạt hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế ảnh hưởng môi trường, sức khỏe. Việc chăm sóc, trả lại sức cho cây càng nhanh càng kích thích cây phát triển mầm sớm. Muộn nhất đầu tháng 10, cây phải phân hóa mầm. Ông Nhã khẳng định: “Với kinh nghiệm mấy đời trồng nhãn của gia đình tôi, nếu không làm được những việc trên thì vườn nhãn của gia đình tôi cho quả vụ sau kém, thậm chí là không có quả”.  

Cây phải được “ngủ đông” đủ 60 ngày

Gia đình ông Nguyễn Tiến Nguyệt, thôn Viên Tiêu, xã Tân Hưng (Tiên Lữ) lại chọn cách bón dưới gốc cho nhãn sau khi đã vệ sinh cây, vườn bằng phân đạm với định kỳ mỗi tháng một lần theo định lượng cứ mỗi cây cho khoảng 1 tạ quả thì bón khoảng 1 – 1,5 kg đạm. Công việc cho cây “ăn” được gia đình ông giới hạn đến hết tháng 9 âm lịch. Nói về cách chăm sóc nhãn của gia đình hàng chục năm qua để được năm nào cũng có nhãn thu hoạch, ông Nguyệt cho rằng: “Cho cây “ăn” dưới gốc bao nhiêu mà không quan tâm đến bảo vệ thực vật thì cây không ra hoa, đậu quả. Đặc biệt là, dù quanh năm có chăm sóc, cắt tỉa, khoanh cành… thì từ tháng 10 đến tháng 11 âm lịch tuyệt đối không được động chạm gì đến cây, để cây được “ngủ đông” tròn giấc 60 ngày. Đây là thời gian cây tích lũy dinh dưỡng. Đến cuối tháng 11 âm lịch, khi cây đã “no”, “ngủ”, “nghỉ” lấy lại đủ sức sẽ “đánh thức” cây “tỉnh giấc” bằng cách tưới thuốc kích cây phát dục, đồng thời nhìn cây, cành để có thể làm thêm động tác khoanh những cành muốn cho ra hoa”. Nhiều năm nay làm theo phương pháp trên, năm nào nhãn ở vườn của gia đình ông cũng sai hoa, sai quả, phải cắt vợi quả non giúp cây đủ sức nuôi quả, nuôi cây. Như năm 2013 này, nhãn ở xã Tân Hưng giảm năng suất so với năm trước nhưng vườn nhãn của gia đình ông vẫn cho sản lượng đạt khoảng 70% so với cùng kỳ năm trước, cao gấp hơn hai lần mức bình quân chung của xã.

Cắt chùm, cành khi cây quá sai trong thời kỳ quả non

 Để liên tiếp năm nào vườn nhãn cũng cho thu quả, không rơi vào cảnh năm được mùa lớn, năm lại thất thu, theo nhiều người thâm canh nhãn thành công thì điều quan trọng không kém công việc chăm sóc nhãn sau khi thu hoạch là lúc điều chỉnh khi cây nhãn ở giai đoạn quả non. Cây đủ sức “gánh” khối lượng nhãn quả khi thu hoạch được bao nhiêu thì để quả non tương ứng bấy nhiêu, không được để cây chịu quá sức khoảng 10% trở lên. Ông Trịnh Văn Thinh, Chủ nhiệm hợp tác xã nhãn lồng Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) khẳng định: “Câu tổng kết về cây nhãn từ xưa đến nay vẫn đúng: Năm ăn quả, năm trả cành. Nếu để nhãn ra hoa, đậu quả tự do, không có tác động của con người trong việc cắt chùm, cành, chăm sóc giai đoạn nhãn quả non thì chắc chắn câu tổng kết kia sẽ xảy ra đối với toàn bộ cây nhãn”. Theo xã viên hợp tác xã này thì họ đã biết cách điều chỉnh ngay trên cùng một cây để bản thân cây ấy năm nào cũng ra hoa, đậu quả. Cách làm đơn giản là khi cây đã có quả non, tiến hành cắt cả chùm quả hoặc cành để giảm gánh nặng cho cây. Từ những cành bị cắt đó sẽ bật chồi non, làm cơ sở cho sang năm ra hoa, đậu quả. Trong một năm, mỗi cây nhãn đều phải có cành “nghỉ”, làm như vậy ắt sang năm cây sẽ có quả. 


Một số biện pháp cần thiết để hạn chế thiệt hại đối với cây nhãn phòng úng ngập Một số biện pháp cần thiết để hạn… Giống nhãn kháng bệnh chổi rồng Giống nhãn kháng bệnh chổi rồng