Tin thủy sản Để nuôi cá lồng phát triển bền vững

Để nuôi cá lồng phát triển bền vững

Author Nguyễn Tuấn - Thùy Dung, publish date Tuesday. April 10th, 2018

Để nuôi cá lồng phát triển bền vững

Phát huy lợi thế có nhiều sông lớn chảy qua như: sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình... với chất lượng nước và tốc độ dòng chảy thuận lợi để nuôi trồng thủy sản, thời gian qua nông dân các địa phương đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng trên sông hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, cần sớm có giải pháp khắc phục.

Mô hình nuôi cá lồng trên sông của HTX Chăn nuôi Thuỷ sản Trường Mạnh, xã Mão Điền (Thuận Thành) với sản lượng 400-500 tấn/năm.

Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Bắc Ninh, tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có gần 1.700 lồng nuôi cá trên sông, tập trung tại các huyện: Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình… chủ yếu nuôi các loại cá có giá trị như: Lăng, diêu hồng, ngạnh, trắm cỏ, chép, bỗng, rô phi đơn tính. Trong đó, huyện Lương Tài là địa phương khai thác hiệu quả mặt nước sông Thái Bình để nuôi trồng thủy sản với hơn 600 lồng nuôi cá, chiếm gần 30% số lượng của toàn tỉnh. Các hộ nuôi cá lồng đạt hiệu quả kinh tế cao có thể kể đến là: gia đình anh Phạm Văn Bôn, ở xã Trung Kênh (huyện Lương Tài), hiện có 77 lồng cá, trong đó, chủ yếu là cá chép, cá điêu hồng, cá trắm cỏ, cá lăng với sản lượng trung bình đạt khoảng 320 tấn/năm, trừ chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, thu lãi khoảng hai tỷ đồng/năm. Gia đình ông Phạm Văn Bảo, ở thôn Quan Kênh, xã Trung Kênh bắt đầu nuôi cá lồng năm 2012, quy mô 28 lồng, với các giống cá trắm, chép, rô phi, lăng, điêu hồng… trừ các chi phí, thu lãi gần 500 triệu đồng/năm. Chủ tịch UBND xã Trung Kênh Phạm Văn Vy cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Chi cục Thủy sản tỉnh đưa nông dân nuôi cá lồng đi tập huấn và phối hợp các phòng chuyên môn của huyện giải quyết thủ tục giải ngân khoản tiền hỗ trợ của tỉnh.

Mặc dù có sự phát triển mạnh, góp phần nâng cao sản lượng thủy sản của tỉnh, tuy nhiên nghề nuôi cá lồng trên sông cũng tồn tại, phát sinh nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Ông Nguyễn Duy Hưng, một hộ nuôi cá lồng trên sông Đuống, thuộc địa bàn xã Cảnh Hưng (Tiên Du) chia sẻ: “Nuôi cá lồng cho thu nhập cao, nhưng vốn đầu tư ban đầu lớn, mức độ rủi ro cao. Năm 2014, tôi bắt đầu nuôi hai lồng cá; đến nay đã thả được hơn 85 lồng, tổng số vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng. Tuy mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng hiện nay, do một số hộ nuôi chưa nắm bắt đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật cho nên mật độ đặt lồng quá dày, ảnh hưởng sự lưu thông của dòng chảy; không áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình phòng trừ bệnh cho cá khi xảy ra dịch bệnh; lượng thức ăn dư thừa, chất thải của cá làm ô nhiễm môi trường nước, tăng nguy cơ dịch bệnh. Nhiều thời điểm, cá bị chết, một số hộ không tiêu hủy mà đổ ra sông, gây ô nhiễm môi trường nước, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng. Một số doanh nghiệp sản xuất có nhà máy ven các sông xả chất thải chưa qua xử lý ra sông; tàu thuyền hoạt động trên sông để tràn dầu với số lượng lớn; tình trạng mưa lũ thất thường… ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn của nghề nuôi cá lồng”.

Theo ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, cần nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước trong phối hợp với ngành Nông nghiệp quản lý tình hình phát triển nghề nuôi cá lồng trên từng địa bàn; tập trung hướng dẫn cho toàn bộ các hộ nuôi cá lồng kỹ thuật nuôi cá theo hướng VietGAP, chấp hành tốt quy định về giao thông đường thủy, Luật Đê điều và cấp mã cho toàn bộ số lồng nuôi cá để phục vụ cho công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn các hộ đa dạng các kiểu lồng nuôi phù hợp việc ươm cá giống, nuôi cá thương phẩm, tạo thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch sản phẩm, bảo đảm vệ sinh, tạo điều kiện cho cá tăng trưởng tốt. Các hộ nuôi cần lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp khả năng kinh tế và kỹ thuật, đồng thời tập trung tổ chức lại sản xuất, có sự liên kết với nhau để chuyên sâu theo đối tượng nuôi, giảm áp lực đầu ra khi thu hoạch. Đối với các cơ sở nuôi cá lồng không theo quy hoạch, vi phạm quy định về điều kiện nuôi cá lồng trên sông, giao thông đường thủy, Luật Đê điều, cần xử lý nghiêm theo quy định, có như vậy việc phát triển nuôi cá lồng trên sông mới thật sự phát triển bền vững.


Lão nông với tâm huyết nuôi tôm Lão nông với tâm huyết nuôi tôm Tánh Linh (Bình Thuận): Ổn định với cá thát lát cườm theo chuỗi Tánh Linh (Bình Thuận): Ổn định với cá…