Mô hình kinh tế Để Nuôi Tôm Công Nghiệp Đạt Hiệu Quả

Để Nuôi Tôm Công Nghiệp Đạt Hiệu Quả

Publish date Friday. August 29th, 2014

Để Nuôi Tôm Công Nghiệp Đạt Hiệu Quả

Thời gian qua, nông dân các huyện vùng Nam Cà Mau như Ðầm Dơi, Phú Tân, Cái Nước đã phát triển mạnh nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp (NTCN), bên cạnh nhiều hộ trúng đậm đạt được lợi nhuận hàng trăm triệu đồng một vụ nuôi, cũng có rất nhiều người phải trả giá không hề nhỏ.

Vì thế bà con nông dân cần rà soát điều kiện của hộ mình, nghe ngóng thông tin thị trường và cần hướng đến những mô hình kinh tế hộ bền vững hơn, bởi muốn NTCN thành công đối với thẻ chân trắng cần phải đảm bảo nhiều điều kiện, không hề đơn giản.

Trước tiên, các điều cần phải xem xét tuân thủ là phải nằm trong vùng quy hoạch NTCN để có điều kiện hạ tầng như điện, nguồn nước có chất lượng đảm bảo, được tập huấn kỹ thuật và các dịch vụ hỗ trợ khác từ phía nhà nước.

Tiếp theo mỗi hộ phải có mô hình thiết kế đồng ruộng phù hợp, bao gồm hệ thống ao nuôi với quy mô diện tích vừa sức quản lý; có khu ao lắng nước đủ sức cung cấp cho ao nuôi, nhất là trong điều kiện nguồn nước ở đâu cũng có thể bị ô nhiễm do không có kênh cấp - thoát nước riêng như hiện nay; phải có khu xả thải đảm bảo đủ sức chứa và xử lý đạt chuẩn nước thải lẫn bùn đáy trước khi đưa ra môi trường theo quy định.

Một điều kiện cần rất quan trọng khác là người trực tiếp nuôi, trực tiếp quản lý ao đầm phải được tập huấn kỹ thuật đầy đủ, có kiến thức, kinh nghiệm trong công việc nuôi tôm, đặc biệt là NTCN, hay cần có thiện chí học hỏi, chịu khó tìm hiểu về NTCN khi bắt tay vào vụ nuôi - họ phải nhận thức NTCN còn khó khăn hơn cả chăm chút con mọn của mình!

Và còn một điều không thể xem thường khác, là các địa phương cần có sự tổ chức lại sản xuất theo mô hình chuỗi liên kết phù hợp để nhằm đảm bảo cho vùng nuôi an toàn, đạt hiệu quả cao nhất. Bởi khi đã có tổ chức sản xuất, người NTCN sẽ có nhiều điều lợi, như tập thể sẽ thống nhất mùa vụ nuôi, mùa cải tạo, xây dựng ao đầm, lấy nước, xử lý nước và thời điểm thả nuôi thích hợp cho từng vùng tuỳ điều kiện đất đai, nguồn nước….

Lưu ý là trong vùng NTCN không thể chấp nhận hình thức tư vấn dạo, bán hàng đa cấp của bất kỳ doanh nghiệp nào, mà phải có hợp đồng dịch vụ, tư vấn rõ ràng, đảm bảo cung ứng hàng hoá đạt chuẩn chất, được cán bộ khuyến nông viên cơ sở giám sát và có báo cáo định kỳ hay đột xuất về trên theo hệ thống.

Khi đã có được những điều cần nêu trên thì khi bắt tay vào vụ nuôi cần phải đảm bảo các điều kiện đủ rất quan trọng trong mỗi vụ nuôi, cụ thể:

Chuẩn bị đầy đủ mọi trang thiết bị, vật tư cần thiết phục vụ cho vụ nuôi, kể cả tiền vốn cũng sẵn sàng; ao đầm phải cải tạo đạt chuẩn, không thấm mọi và ổn định các thông số về môi trường nước nuôi, đủ độ sâu tối thiểu, nguồn nước cấp bù phải có chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng và đã qua lắng lọc, đã xử lý đảm bảo mọi yếu tố thuỷ lý hoá và sạch bệnh.

Con giống phải đạt chuẩn, đảm bảo sạch bệnh, khoẻ mạnh, linh động, đầy đủ phụ bộ và có nguồn gốc bố mẹ tốt, địa chỉ cung ứng uy tín rõ ràng. Người trực tiếp quản lý, chăm sóc, cho tôm ăn nhất thiết phải được tập huấn kỹ thuật NTCN nghiêm chỉnh đầy đủ và đảm bảo thực hiện mọi thao tác đúng quy trình kỹ thuật nhằm giám sát tốt sức khoẻ tôm đầy đủ, toàn diện và kịp thời từng ngày, từng giờ.

Phải quản lý thức ăn tôm đúng chuẩn chất, cho ăn đảm bảo đủ liều lượng và không được dư thừa nhằm tránh ô nhiễm nguồn nước. Thực hiện đầy đủ việc xi-phong đáy khi cần và quản lý, xử lý kịp thời thật tốt các thông số môi trường nước nuôi hằng ngày…

Khi tôm đến tuổi thu hoạch hoặc gặp sự cố dịch bệnh cần tuân thủ nghiêm chỉnh vấn đề bảo vệ môi trường cho nguồn nước chung, không xả nước bẩn nhiễm bệnh ra trực tiếp ngoài môi trường mà phải xử lý theo quy định tại trong khu xử lý đã thiết kế ban đầu.


Ngư Dân Được Mùa Cá Nục Ngư Dân Được Mùa Cá Nục Diện Tích Tôm Nuôi Nhiễm Bệnh Tăng Nhanh Diện Tích Tôm Nuôi Nhiễm Bệnh Tăng Nhanh