Mô hình kinh tế Để Sản Xuất Thanh Long Chất Lượng Và Bền Vững

Để Sản Xuất Thanh Long Chất Lượng Và Bền Vững

Publish date Friday. November 14th, 2014

Để Sản Xuất Thanh Long Chất Lượng Và Bền Vững

Phát triển cây thanh long của tỉnh trong thời gian qua đã có những bước phát triển khá toàn diện, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn các huyện trồng thanh long, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên công tác quản lý quy hoạch thanh long còn nhiều hạn chế, người dân vẫn phát triển thanh long một cách tự phát. Hiện nay, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh đã vượt so quy hoạch hơn 7.000 ha.

Nhiều địa bàn vượt rất cao so với quy hoạch như Hàm Thuận Nam vượt 4.178 ha, Hàm Thuận Bắc hơn 2.000 ha, Bắc Bình vượt gần 800 ha. Vì vậy hướng phát triển thanh long trong thời gian tới là không khuyến khích mở rộng diện tích, mà cần tăng cường sản xuất thanh long chất lượng để phát triển bền vững. Đẩy mạnh tiêu thụ thanh long xuất khẩu chính ngạch và đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất thanh long để nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của  sản phẩm thanh long.

Để làm được điều đó, cần tiếp tục phát triển thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm thanh long. Đẩy mạnh vận động, tuyên truyền đến người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP.

Kêu gọi đầu tư xây dựng các công trình trực tiếp phục vụ xuất khẩu thanh long như: trung tâm mua bán, đóng gói, sơ chế, kho lạnh bảo quản thanh long, nhà máy xử lý nhiệt và chiếu xạ để phục vụ xuất khẩu, đồng thời khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để giảm áp lực cho xuất khẩu cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thanh long.

Ngoài ra cần tăng cường các biện pháp quản lý thị trường, nhất là với các đối tượng mua bán trung gian để thiết lập lại trật tự trong mua bán thanh long, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua giành bán gây rối loạn thị trường.

Triển khai tập huấn hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp kinh doanh thanh long để xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kho bảo quản dự trữ thanh long tại cửa khẩu và từng cơ sở kinh doanh nhằm đáp ứng việc cung cấp đầy đủ, thường xuyên theo nhu cầu của khách hàng, thị trường, giúp điều tiết sản lượng thanh long cung cấp ra thị trường vào mùa thu hoạch rộ, khi cung nhiều hơn cầu.

Trong thời gian tới cần ưu tiên các nguồn lực để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến xuất khẩu phát triển thị trường châu Á. Đối với thị trường Trung Quốc, cần mở rộng thêm thị trường miền Trung, miền Đông, miền Bắc và Tây Nam của Trung Quốc. Các thị trường Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia là thị trường truyền thống cần tiếp tục củng cố, mở rộng. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Myanmar là thị trường mới có nhiều tiềm năng để phát triển.

Đặc biệt, thời gian tới các đơn vị liên quan cần tập trung đẩy mạnh nghiên cứu về giống thanh long với các công nghệ hiện đại, tiên tiến để có những sản phẩm thanh long đa dạng, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Chú trọng nghiên cứu các giống có năng suất cao, khả năng chống bệnh tốt để nâng cao khả năng cạnh tranh. Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long của tỉnh đủ mạnh, có đủ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến để đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật và chú trọng công tác sưu tập và bảo tồn tốt các giống thanh long của tỉnh...

Nguồn bài viết: http://baobinhthuan.com.vn/vn/default.aspx?cat_id=510&news_id=71103


Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Xen Canh Lúa Và Sen Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Xen… Tổ Hợp Tác Bưởi Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) Doanh Thu Đạt Hàng Tỷ Đồng/năm Tổ Hợp Tác Bưởi Bạch Đằng (TX.Tân Uyên)…