Mô hình kinh tế Đều Phải Là Rau Sạch

Đều Phải Là Rau Sạch

Publish date Sunday. July 15th, 2012

Đều Phải Là Rau Sạch

Hiện nay rau trên diện rộng đều là rau không sạch, rau không an toàn. Nguyên nhân có nhiều: Một là, dùng các thuốc trừ sâu quá độc hại, dùng quá liều lượng cho phép và dùng đến tận gần lúc thu hoạch. Hai là, nhiều thuốc trừ sâu ngoài danh mục cho phép (như các loại Lân hữu cơ, Clo hữu cơ) vẫn được nhập lậu từ Trung Quốc sang. 

Đó là các thứ đã bị cấm sử dụng ở Trung Quốc vì có thể gây ung thư nhưng vẫn lọt vào nước ta với số lượng không nhỏ. Ba là, dùng quá nhiều phân đạm vô cơ, dẫn đến tình trạng tích lũy nitrat, nitrit với hàm lượng cao trong rau, có thể gây ung thư. Bốn là, dùng phân tươi và nước tiểu người và gia súc để bón cho rau, dẫn đến việc nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng gây bệnh. Năm là, dùng nước ở các nguồn sông ngòi, rãnh nước ô nhiễm để tưới trực tiếp lên rau. Tình hình đã trở nên hết sức nghiêm trọng. Người tiêu dùng không biết nên mua loại rau nào, kể cả các rau đề là rau sạch, RAT cũng không có gì đảm bảo.

Chúng tôi đã thí điểm hướng dẫn việc sản xuất rau có bảo đảm ở hai trang trại tại Kiến An, Hải Phòng và tại ngoại ô TP HCM. Rau được bao trong các bao bì có ghi hẳn nội dung: Nếu có dư lượng thuốc trừ sâu hóa học công ty chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các công ty này phải chịu sự giám sát của Sở NN-PTNT và Sở KH-CN địa phương. Điều kiện để sản xuất rau có bảo đảm gồm các yếu tố sau đây:

Một là, có trang trại có bảo vệ nghiêm ngặt (quy mô to hay nhỏ tùy điều kiện), tránh trường hợp kẻ xấu có thể làm hại bằng cách ném thuốc trừ sâu hóa học vào ruộng. Hai là, chọn các thứ rau mọc nhanh và ít có sâu bệnh. Ba là, bao bọc kín bằng lưới ni-lông để ngăn cản bướm và sâu. Bốn là, dùng thuốc trừ sâu sinh học - thuốc vi khuẩn BT và thuốc kháng sinh Abamectin khi phát hiện có sâu (thường bọ nhảy bị diệt rất dễ bởi Abamectin). Năm là, tuyệt đối không dùng bất kỳ thuốc trừ sâu hóa học nào. Sáu là, không bón phân đạm hóa học. 

Chỉ dùng phân hữu cơ ủ hoai và bón vào đất trước khi trồng rau là chính. Bảy là, dùng nước khoan từ mạch nước ngầm để tưới cho rau. Tám là, sử dụng các thuốc điều hòa sinh trưởng trong danh mục cho phép (chủ yếu là gibberellic acid-GA3) để rau mọc nhanh nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ giá trị dinh dưỡng. Chín là, chỉ bán ở siêu thị hay các cửa hàng do công ty trực tiếp cung cấp (để tránh bị xáo trộn). Mười là, có ghi đầy đủ trên bao bì ngày thu hoạch, thời gian bảo quản và địa chỉ công ty. Loại mô hình này bất kỳ địa phương nào cũng có thể thực hiện được nhưng cần tập trung ruộng đất trồng rau và có người chịu trách nhiệm cụ thể trước pháp luật.

Mặt khác nên nghiên cứu trồng đại trà các loại rau dại thường có sức đề kháng rất cao với sâu bệnh cho nên hầu như không phải dùng tới thuốc trừ sâu bệnh. Gần đây tại các hàng ăn ở Trung Quốc người ta thường thấy rất nhiều các món ăn nấu từ các loại rau lạ. Hỏi ra mới biết đó là các loại rau dại nay đã được gieo trồng và trở thành rau đặc sản. Rất nhiều loài rau trong số này có ở Việt Nam. Tôi muốn giới thiệu để chúng ta tham khảo và học hỏi kinh nghiệm của bạn cũng như phát hiện thêm các loại rau rừng mà trong thời gian kháng chiến bộ đội ta vẫn dùng để ăn.

Những rau đã có ở Việt Nam gồm có: Chrysanthemum indicum: Cúc hoa vàng, Kim cúc, Hoàng cúc, Cúc vàng; Ixeris denticulata: Diếp đắng răng nhỏ; Lactuca indica: Bồ cóc, Bồ công anh mũi mác; Cichorium intybus: Cải Ô rô, Bồ công anh hoa tím; Artemisiacapillaris: Nhân trần hao, Thanh cao chỉ; Arctium lappa: Ngưu bàng; Hemerocallis fulva: Hoa hiên, Kim châm; Medicago sativa: Cỏ Linh lăng, cỏ Luzéc; Pueraria thomsonii: Sắn dây, Cát căn; Perilla frutescence var. crispa: Tía tô rúm; Agastache rugosa: Hoắc hương núi; Portulaca oleracea: Rau sam; Capsella bursa-pastoris:

Rau tề, Cỏ tam giác; Pteridium aquilinum: Ráng cánh to; Toona sinensis: Tông dù; Amaranthus tricolor: Dền đỏ; Houttuynia cordata: Diếp cá, Lá giấp; Platycodon grandiflorum: Cát cánh; Fagopyrum cymosum: Rau chua, Bông chua, Tắc võng, Nghể lá tròn; Lycium chinense: Câu kỷ; Lysimachia clethroides: Rau trân châu; Osmunda japonica: Rau vi Nhật, Rau ất minh Nhật; Hemisteptia lyrata: Rau tô; Youngia japonica: Diếp dại, Hoàng nương Nhật; Petasites japonicus: Cúc móng ngựa, Kim tâm; Kalimeris indica: Cúc hài nhi; Artemisia japonica: Ngải Nhật, Ngải cứu rừng, Mẫu hao; Bidens tripartita: Đơn buốt chẻ ba, Đơn kim ba thùy, Lang bà thảo; Gnaphalium affine: Rau khúc; Glehnia littoralis: Bắc sa sâm; Agrimonia pilosa: Cỏ long nha, Cỏ tiên hạc; Sanguisorba officinalis: Địa du; Vicia sativa: Liên đậu; Kummerowia striata: Đậu mắt tôm, Đậu mắt gà; Astragalus membranaceus: Hoàng kỳ; Rumex japonica: Chút chít Nhật; Polygonum plebejum: Nghể thường; Ophiopogon japonicum: Mạch môn đông; 

Polygonatum odoratum: Ngọc trúc; Lilium lancifolium: Loa kèn vằn; Asparagus cochinchnensis: Thiên môn đông; Clinopodium chinense: Rau phong luân, Húng Trung Quốc; Prunella vulgaris: Hạ khô thảo; Chenopodium ficifolium: Rau muối; Cochia scoparia: Địa phu; Rorippa indica: Cải hoang, Cải đất Ấn Độ; Celosia argentea: Mào gà trắng, Mào gà dại; Achyranthes bidentata: Ngưu tất; Amaranthus spinosus: Dền gai, Dền hoang; Viola philippica: Cây hoa tím Phi-lip-pin; Commelina communis: Thài lài, Rau trai, Trai thường; Malva verticillata: Đông quỳ; Humulus scandens: Sàn sạt; Acalypha austrlis: Tai tượng Úc, Tai tượng lá bắc to; Plantago major: Mã đề, Xa tiền.

Đây là các loài rau hoang dại mà các nhà thực vật học đã xác nhận là có mặt tại nước ta. Cần sưu tầm và gây giống, nhân giống để trồng làm rau ăn, thậm chí là rau đặc sản. Nếu có sâu bệnh thì lại phải đưa vào các trang trại rau có bảo đảm với các điều kiện nói trên.


Hơn 353.400 Ha Lúa Nhiễm Sâu Cuốn Lá Hơn 353.400 Ha Lúa Nhiễm Sâu Cuốn Lá Dịch Bệnh Tôm Gia Tăng Dịch Bệnh Tôm Gia Tăng