Tin nông nghiệp Đi lên từ cây dâu tằm

Đi lên từ cây dâu tằm

Author Quang Hiệp, publish date Monday. March 20th, 2017

Đi lên từ cây dâu tằm

Trước kia, khi thấy vợ chồng ông Trần Văn Quốc (sinh năm 1959), trú trú tại thôn Tân Phú, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ chặt bỏ vườn tiêu rộng lớn để trồng dâu tằm, nhiều người ngán ngẩm lắc đầu. Không ai ngờ chỉ vài năm sau đó, hàng ngàn gốc dâu của vợ chồng ông Quốc đã đâm chồi, nảy lộc, sum suê kết trái, mang lại nguồn thu ổn định.

Trong ảnh: Ông Trần Văn Quốc và người nhà thu hoạch dâu tằm

Vợ chồng ông Quốc trước đây là cán bộ, công nhân Nông trường Tân Lâm. Sau ngày nông trường cổ phần hóa, ông bà trở về gắn bó với vườn tược. Những vườn hồ tiêu, cao su, trái cây…nhanh chóng được vun trồng, phát triển tốt dưới bàn tay yêu lao động của vợ chồng ông Quốc. Cuộc sống của ông bà nhờ thế mà vơi bớt phần nào khó khăn, con cái có điều kiện học hành.

Gắn bó với nương vườn, điều khiến vợ chồng ông Quốc trăn trở nhất là cây trồng của gia đình thường xuyên bị sâu bệnh. Mặc dù đã áp dụng nhiều phương pháp phòng chống nhưng ở một số thời điểm vườn tiêu, cao su của ông bà vẫn chết hàng loạt. Có năm gia đình thiệt hại cả trăm triệu đồng. Một lần đưa con ra thăm quê ngoại, ông Quốc thấy ở hàng rào nhà hàng xóm trồng cây dâu tằm. Ông rất hào hứng khi được giới thiệu, đây là cây thuốc nam nổi tiếng trong y học cổ truyền.

Các bộ phận lá, thân, rể, vỏ, quả của cây dâu tằm đều có thể bài chế ra những vị thuốc quý. Thử vài trái dâu, ông Quốc cảm nhận rõ vị chua chua, ngọt ngọt khá lạ miệng ngấm vào đầu lưỡi. Ngay lập tức, ông xin ít cành đem về trồng thử, nào ngờ cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho quả chi chít. Sau đó tầm hai năm, vào dịp cận tết, ông Quốc chọn những trái chín mọng, tươi ngon nhất để ủ làm rượu. Điều khiến ông bất ngờ là vị khách nào đến thăm nhà, thưởng thức rượu cũng tấm tắc khen loại thức uống này nhẹ nhàng, thơm ngon.

Từ đó, một suy nghĩ loé lên trong đầu ông Quốc: “Tại sao không nhân rộng việc trồng dâu tằm để làm rượu, trước mắt để uống, sau thì bán cho ai có nhu cầu?”. Đưa ý tưởng ra bàn bạc, lúc đầu, bà Hồ Thị Lan, vợ ông Quốc chưa đồng thuận. Từng công tác tại Nông trường Tân Lâm, bà Lan biết trước đây, loại cây này được đưa vào trồng thử nghiệm trên đất Cam Thành nhưng không mấy khả quan. Sau nhiều ngày nghe ông trao đổi, phân tích, bà Lan mới miễn cưỡng đồng ý. Dẫu vậy, bà vẫn lấy làm tiếc nuối khi cùng chồng, con đốn hạ vườn tiêu để dành đất trồng dâu.

 Lúc ấy, nhiều người dân trong thôn cho rằng vợ chồng ông bị điên, đang yên, đang lành lại phá đi cần câu cơm chính của gia đình. Mặc bao ý kiến vào ra, năm 2011, vợ chồng ông Quốc bắt đầu trồng vài trăm, sau đó lên 1.000, rồi 2.000 gốc dâu tằm. Ông bà quy hoạch vườn dâu có hàng, có lối, chăm tỉa rất cẩn thận. Gần hai năm sau khi xây dựng mô hình, vợ chồng ông Quốc bắt đầu thu hoạch số dâu tằm đầu tiên. Mặc dù đã khá quen thuộc với phương pháp lên men tự nhiên song vợ chồng ông Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn khi sản xuất rượu số lượng lớn. Không ít lần ông bà quyết định đổ toàn bộ số rượu được ủ vì quá chua hoặc quá ngọt. “Làm công việc này tôi phải chú tâm từng li, từng tí. Chỉ cần chọn thời điểm hái dâu tằm, ủ rượu không phù hợp hay tăng giảm nguyên liệu thiếu hợp lý là mọi công sức sẽ đổ sông, đổ bể. Vợ chồng tôi thống nhất với nhau nếu nếm và kiểm tra mà thấy hương vị rượu chưa đạt thì bỏ chứ không tiếc, phải làm sao cho sản phẩm đến tay khách hàng một cách hoàn hảo nhất”, ông Quốc chia sẻ.

Và để “hoàn hảo nhất” đúng như phương châm đưa ra, ngoài chú tâm vào chất lượng sản phẩm, vợ chồng ông còn tìm tòi, nghiên cứu để đóng chai, đăng ký nhãn hiệu. Nhờ đó, sản phẩm rượu dâu tằm Quốc Khánh đã góp mặt tại nhiều hội chợ lớn với giá 60 ngàn đồng/chai. Trung bình mỗi dịp Tết Nguyên đán, ông bà lại xuất bán khoảng 1.000 chai. Ngoài ra, mỗi tháng, vợ chồng ông Quốc còn bán rượu dâu tằm đều đặn cho khách hàng.

Vốn xác định trồng dâu tằm để làm rượu nhưng điều ngoài dự kiến của vợ chồng ông Trần Văn Quốc là khách hàng hỏi mua dâu tằm ngày càng đông. Thậm chí, một số người còn đến tận vườn để đặt trước. Thế nên, ngoài dành để ngâm ủ rượu, vợ chồng ông Quốc còn bán trái dâu tằm tươi cho khách có nhu cầu với giá 45-50 ngàn đồng/kg.

Dù bận rộn nhưng nhiều khi ông bà cũng dành thời gian đưa hàng đến tận tay khách để xem mức độ hài lòng của khách hàng. Điều đáng phấn khởi là vợ chồng ông Quốc chưa nhận được phản hồi tiêu cực nào. Hiện nay, vợ chồng ông Quốc đã lên kế hoạch trồng thêm khoảng 2.000 gốc dâu tằm nữa. Từ ngày gắn bó với cây dâu tằm, cuộc sống của vợ chồng ông Quốc sung túc, đủ đầy và an nhàn hơn. Các con của ông bà cũng không còn bươn bả đi làm ăn xa hoặc gắn bó với những công việc nặng nhọc nữa mà quây quần để hỗ trợ bố mẹ.

 Bên cạnh đó, vợ chồng ông Quốc tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/tháng. Vào thời vụ, số lao động làm việc trên vườn dâu tằm của vợ chồng ông Quốc lên đến hơn 10 người. Chị Lê Thị Hiền Lương, một lao động địa phương cho biết: “Sức khoẻ yếu nên tôi không thể làm những công việc nặng nhọc. Nhờ vợ chồng anh Quốc tạo điều kiện giúp đỡ nên cuộc sống vợ chồng tôi đỡ khó khăn hơn”.


Vi sinh vật cố định đạm giúp cây trồng sống khỏe Vi sinh vật cố định đạm giúp cây… Ăn nên làm ra nhờ trồng lan Mokara Ăn nên làm ra nhờ trồng lan Mokara