Điêu đứng vì nước thải hồ tôm
Lúa, cá “lăn” ra chết
Chưa bao giờ bà con nông dân xã Vinh Hải bước vào một vụ mùa lúa, nuôi trồng thủy sản (NTTS) khó khăn như năm nay, khi nhiều diện tích lúa đông xuân bị chết, cá trong hồ, nuôi trên đầm phá bị ảnh hưởng bởi nguồn nước ô nhiễm.
Dẫn chúng tôi ra bờ kênh dẫn nguồn nước đi qua ruộng ở các thôn 1, 2, 3, 4, ông Mai Khanh, Trưởng thôn 1 (xã Vinh Hải) cho biết: “Những năm trước, bước vào vụ đông xuân, nước biển dù có xâm thực, nhiễm mặn nhưng cây lúa vẫn không hề hấn chi, bởi đa số canh tác giống lúa chịu mặn. Nhưng vụ mùa năm nay một hộ dân nuôi tôm chân trắng ở xã Vinh Hiền, không xả thải ra biển mà xả vào kênh, chảy vô nội đồng nên làm lúa, thủy sản chết hàng loạt”.
Theo ông Khanh, diện tích nuôi tôm hơn 2 ha của hộ ông Lê Bình (thôn Đông Dương, xã Vinh Hiền), bắt đầu triển khai hạ tầng, nuôi tôm từ năm 2013. Những vụ trước, lúa, thủy sản không chết là do hệ thống hầm xử lý nước thải ở đây còn hoạt động hiệu quả, nước xả thải ra biển. Thời gian gần đây, hệ thống này bị hỏng, hộ nuôi tôm này lợi dụng trời tối, xả thải vào kênh nội đồng.
Đi dọc dòng kênh, ghi nhận của chúng tôi, dòng nước đổ vào nội đồng có màu đen, một số loài thủy sản tự nhiên bị chết rải rác. Đến nay, theo thống kê đã có 9 ha lúa bị ảnh hưởng (trong đó có 4 ha bị chết vì thối rễ), bà con nông dân phải tiến hành tỉa dặm lại nhiều lần; 69 ha NTTS và cá tự nhiên trên sông hói, có một số diện tích bị thiệt hại do ảnh hưởng môi trường nước.
Ông Nguyễn Văn Bảy, một hộ dân trồng lúa ở thôn 1, bức xúc: “Tui trồng 4 sào lúa trên xứ đồng A Chuôn, vừa cấy xong được gần 1 tháng thì bị chết sạch. Kiểm tra cây lúa thấy bị thối, rễ có màu đen. Trồng lúa lấy công làm lãi, như ri coi như trắng tay”. Một số diện tích lúa bà con phải bỏ hoang, không dám cấy như các ông Lê Đãi (7 mẫu); Phan Tý (3 mẫu).
Không chỉ diện tích lúa bỏ hoang, mà vào thời điểm này, nhiều diện tích NTTS xen ghép, ao cá của bà con Vinh Hải vẫn chưa dám thả lại vì sợ bị thiệt hại. Ông Nguyễn Tiến, một hộ NTTS thôn 1 cho biết: “Vụ cá tôm nuôi xen ghép vừa rồi tui thả trên diện tích 0,5 ha, nuôi đến thời điểm 1,5 tháng thì tôm, cua, cá “lăn” ra chết, thiệt hại mười mấy triệu đồng. Từ trước đến nay, rất ít có hiện tượng này”.
Ông Tiến cho biết thêm, trước đây đặt một trộ nò sáo, ông kiếm được rất nhiều cá, tôm. Tuy nhiên, nay do nguồn nước ô nhiễm, tôm cá cứ thưa dần, nhiều trộ toàn tôm cá chết.
Tăng cường giám sát
Ông Mai Khanh, Trưởng thôn 1 cho biết, nhiều lần ông cùng với các cán bộ của HTX NN Mỹ Hải tìm hiểu nguyên nhân lúa, thủy sản bị chết và gặp những người nuôi thuê tại hồ tôm. Những hộ dân này thừa nhận, do hệ thống hầm xả thải bị hư hỏng nên nước thải từ hồ tôm không đưa ra biển mà xả theo kênh vào nội đồng. Những năm trước, khi các hồ tôm ở xã Vinh Hiền triển khai đầu tư hạ tầng để nuôi, ông Khanh đã tham mưu cho UBND xã, gửi tờ trình lên các cấp, nêu rõ nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, NTTS tại xã Vinh Hải.
Ông Huỳnh Quốc Dũng, Chủ nhiệm HTX NN Mỹ Hải cho rằng, đến nay, do chưa “bắt được tận tay” nên chưa khẳng định được nguyên nhân diện tích lúa, cá nuôi trồng bị thiệt hại. Tuy nhiên, từ vụ nuôi năm trước đến nay, tình trạng này diễn ra mật độ dày hơn với diện tích lớn hơn. Các khu vực thôn 1, 2 trước đây cũng có bà con nuôi tôm nhưng khi cải tạo hồ nuôi cũng là lúc kết thúc vụ lúa nên tránh được thiệt hại.
Ông Nguyễn Hữu, Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Hải cho hay, sau khi nhận được phản ánh của bà con, địa phương đã ghi nhận thiệt hại và cử cán bộ địa chính- môi trường thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình xả thải trên kênh của hộ nuôi tôm ở Vinh Hiền. “Lãnh đạo hai địa phương đã từng làm việc về vấn đề này. Đến nay, về mặt chuyên môn vẫn chưa xác định nguyên nhân cá, lúa của bà con bị chết. Có thể do hệ thống đê ngăn mặn bị rò rỉ hoặc từ hệ thống nước thải nuôi tôm. Trước mắt, địa phương sẽ tăng cường giám sát việc xả thải, kiến nghị lên cấp trên để có biện pháp xử lý”, ông Hữu nói.
“Trước đây, tình trạng một số diện tích NTTS ở Vinh Hải bị chết từng diễn ra, có thể do môi trường nước. Đến nay Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện vẫn chưa nhận báo cáo phản ánh từ cơ sở. Thời gian tới, đơn vị sẽ kết hợp với các ban ngành kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý”, ông Bạch Văn Khai, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc khẳng định.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao