Mô hình kinh tế Doanh Nghiệp Thủy Sản Vấp Thị Trường

Doanh Nghiệp Thủy Sản Vấp Thị Trường

Publish date Wednesday. March 5th, 2014

Doanh Nghiệp Thủy Sản Vấp Thị Trường

Bị cấm ở Nga, khó khăn tại Mỹ, các DN XK thủy sản đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” khi “vấp” tại hầu hết thị trường XK lớn.

Khó chồng khó

Gần đây, các DN XK thủy sản liên tục đón những thông tin không vui liên quan tới thị trường. Cụ thể, ngày 7-2 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã ký quyết định thông qua Đạo luật nông trại 2014 (Farm Bill), với ngân sách trợ cấp cho các nông trại lên đến gần 1.000 tỷ USD. Đáng lưu ý là, trong dự luật có điều khoản chuyển chức năng giám sát cá da trơn từ Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) sang Bộ Nông nghiệp (USDA). Điều này sẽ gây khó cho các DN XK cá tra, cá ba sa của Việt Nam, bởi USDA sẽ áp dụng những tiêu chuẩn gắt gao hơn đối với các sản phẩm NK, tương đương như áp dụng cho các sản phẩm cá da trơn nội địa.

Trước đó, Liên bang Nga cũng công bố, từ ngày 31-1, quốc gia này nghiêm cấm việc NK cá tra từ Việt Nam, cũng như tất cả các sản phẩm cá tra của 8 DN Việt Nam. Theo Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS), trong quá trình kiểm tra một số trang trại nuôi cá, nhà máy chế biến, VPSS phát hiện quá trình nuôi cá tra không kiểm soát việc áp dụng kháng khuẩn; một số trang trại đã sử dụng tác nhân kháng khuẩn, bao gồm cả thuốc kháng sinh, không tổ chức chương trình giám sát nhà nước hoặc chương trình kiểm soát của DN. Ngoài ra, quá trình kiểm tra còn phát hiện trường hợp sử dụng chế phẩm kích thích khi nuôi cá.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá: Những thông tin trên có tác động không nhỏ tới các DN XK thủy sản trong nước. Đối với Nga, sự ảnh hưởng không lớn bởi một vài năm gần đây, lượng cá tra XK vào Nga ngày càng giảm, số lượng các DN được phép XK sang Nga cũng không nhiều. Tuy nhiên, Mỹ lại là thị trường lớn, giàu tiềm năng. Tính đến nay, Việt Nam đang chiếm hơn 90% thị phần XK cá tra trên thế giới, trong đó Mỹ và EU là hai thị trường NK chính nên nếu gặp khó ở Mỹ sẽ gây ra thiệt hại đáng kể.

Cũng theo ông Hòe, XK thủy sản Việt Nam nói chung, cá tra nói riêng vào Mỹ năm nay chưa bị tác động ngay, bởi từ khi dự luật được ký thông qua cho tới khi ban hành các văn bản hướng dẫn rồi tiến tới triển khai thực tế cũng phải mất cả năm. Dự kiến, nhanh nhất phải tới đầu năm 2015, dự luật này mới tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, XK của DN Việt Nam.

Nâng cao năng lực

Theo ông Phạm Anh Tuấn-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), lâu nay, cá tra trong nước vẫn được người dân cũng như DN áp dụng chế độ nuôi theo các bộ tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, ASC... Bởi vậy, kể cả khi tăng sự kiểm tra, giám sát thì cá tra Việt Nam vẫn đáp ứng đủ yêu cầu XK vào Mỹ cũng như các thị trường khác.

Ông Tuấn khuyến cáo, trước mắt, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu kỹ Đạo luật Nông trại 2014 để phổ biến đến các cơ sở nuôi, DN chế biến, XK cá tra về các qui định liên quan phải đáp ứng.

Liên quan tới vấn đề này, ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá cho rằng: Quyết định của các thị trường NK, đặc biệt là Mỹ hiển nhiên sẽ tác động lớn tới các DN thủy sản, nhất là DN sản xuất, XK cá tra/basa. Hiện nay, Mỹ vẫn là thị trường lớn, sản phẩm cá tra XK sang Mỹ có giá cao hơn hẳn so với các thị trường khác như EU, ASEAN.

Tuy nhiên, Mỹ cũng là thị trường khá “khó tính” nên khi Mỹ đưa ra các điều kiện siết chặt việc kiểm tra, giám sát, DN “kêu ca” cũng không có nhiều tác dụng. Điều quan trọng nhất là DN phải tự nâng cao, đổi mới mình để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Riêng với Công ty TNHH Hùng Cá, từ đầu năm tới nay, DN vẫn sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu XK. Năm nay, Công ty dự định tiếp tục duy trì tốt các thị trường chính hiện có như Mỹ, EU, đồng thời đẩy mạnh XK sang thị trường các nước ASEAN.

“Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Để có thể hòa nhập tốt, các DN cần tuyệt đối tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh lẫn nhau, kéo giá XK đi xuống. Đặc biệt là việc một số DN làm ăn thiếu nghiêm túc, bán các sản phẩm kém chất lượng, gây mất uy tín hàng Việt Nam XK, dẫn tới việc một số thị trường e ngại, thậm chí là nghiêm cấm NK thủy sản Việt Nam”, ông Hùng nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, ông Hòe cho rằng, việc DN chủ động nâng cao năng lực là điều đương nhiên, phải làm thường xuyên.

Tuy nhiên, cũng cần xem xét tới yếu tố có phải các thị trường đang tăng cường bảo hộ ngành hàng trong nước hay không. Đối với trường hợp cá tra XK vào Mỹ, cơ quan chức năng cần phối hợp với hiệp hội, yêu cầu phía Mỹ xem xét chương trình giám sát cá da trơn thật hợp lý.

Nội dung trong chương trình giám sát, thanh tra phải tuân thủ các chuẩn mực phổ biến trong sản xuất chứ không mang tính áp đặt, cục bộ, gây khó cho DN Việt Nam. Nếu xuất hiện các yếu tố chứng tỏ sự bảo hộ cho ngành cá da trơn trong nước, phía DN Việt Nam có thể khởi kiện Mỹ ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để bảo vệ ngành cá tra Việt Nam.


Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Chiều Sâu Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Theo Chiều Sâu Thiết Bị Tạo Nước Ngọt Từ Nước Biển Thiết Bị Tạo Nước Ngọt Từ Nước Biển