Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó
Lúng túng trong khai báo hoàn thuế
Ban hành ngày 25/3/2015 và có hiệu lực ngày 1/4/2015, TT38 (quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế XK, thuế nhập khẩu (NK) và quản lý thuế đối với hàng hóa XK, NK) của Bộ Tài chính ra đời với kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi lớn cho hoạt động XNK của DN. Tuy nhiên, sau vài tháng triển khai, vì những vấn đề kỹ thuật, TT38 đang gây ra nhiều trở ngại cho các DN XNK thủy sản.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các DN gặp nhiều khó khăn khi áp dụng thông tư này. Tiêu biểu, về hồ sơ hoàn thuế, theo Điều 119, DN phải gửi công văn yêu cầu hoàn thuế nhưng không nêu rõ các biểu mẫu hay báo cáo kèm theo. Do đó, DN buộc phải gửi kèm rất nhiều các bảng kê như: Bảng kê tờ khai (TK) XK và TK NK; báo cáo quyết toán sử dụng nguyên liệu, vật tư NK; báo cáo tính thuế trên nguyên liệu, vật tư NK; bảng kê chứng từ thanh toán. Hơn thế nữa, DN phải gõ thủ công số hợp đồng XK cho từng TK XK, trong khi một hồ sơ thường có hơn 30 TK NK, hơn 100 TK XK.
Mặt khác, trong việc thực hiện Khoản b1.1, Điều 129 về thủ tục nộp, tiếp nhận và xử lý hồ sơ hoàn thuế/ không thu thuế (cụ thể hướng dẫn chi tiết mẫu số 15/BCQT/GSQL phụ lục V ban hành kèm theo TT38), DN chưa biết báo cáo quyết toán như thế nào cho đúng vì mẫu quá ngắn gọn, trong khi DN có nhiều mã nguyên phụ liệu NK. Đối với nguyên liệu NK, trong số hàng NK năm 2014, có phần đã thanh khoản hoặc thanh khoản dở dang. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng Thư ký VASEP, kế toán kho của các DN thường xuất kho theo lô hàng và không phân biệt được hồ sơ nào thanh khoản theo Thông tư 128/2013/TT-BTC (đã hết hiệu lực sau TT38), hồ sơ nào theo TT38, dẫn đến số liệu không khớp.
Để giải quyết vấn đề này, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính cho phép DN không phải nộp báo cáo quyết toán nguyên liệu, vật tư, thành phẩm sản xuất từ nguồn nguyên liệu NK theo mẫu số 15. Việc áp dụng mẫu số 15 dành cho hàng NK để sản xuất XK nên thực hiện từ năm 2016.
Phải gặp hải quan nhiều hơn!
Theo TT38, ngoài các DN thuộc đối tượng ưu tiên hoàn thuế/không thu thuế trước, kiểm tra sau, thì các DN còn lại đều thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế/không thu thuế sau. Như vậy, để ra quyết định hoàn thuế/không thu thuế, cán bộ hải quan sẽ xuống trụ sở DN để kiểm tra từng hồ sơ. Tuy nhiên, vừa chuyển tiếp từ TT128 sang TT38 vừa thực hiện kiểm tra ngay khiến DN khó điều chỉnh kịp công tác quản lý điều hành. Do đó, sau khi kiểm tra xong, nếu không đủ điều kiện, DN sẽ không được hoàn thuế/không thu thuế. VASEP cho rằng, điều này có thể sẽ dẫn đến hệ lụy như DN bị phạt vi phạm về thuế, không cho ân hạn thuế khi NK hàng sản xuất cho XK và đưa DN vào đối tượng không chấp hành tốt pháp luật, mặc dù DN không gian lận và đã cố gắng làm tốt.
Trong khi tinh thần cải cách thủ tục hành chính hướng đến việc DN ít phải tiếp xúc với các cơ quan nhà nước thì quy định này của TT38 lại tạo nhiều cơ hội cho hải quan tiếp xúc hơn với DN. Hiện nay, nhiều DN thủy sản đang phải tiếp các đoàn kiểm tra tại DN như đoàn của Bộ Thương mại Hoa Kỳ về chống bán phá giá, kiểm tra an sinh xã hội, bảo vệ môi trường… Với TT 38, DN chịu thêm sự kiểm tra của hải quan về nhập - xuất tồn nguyên vật liệu, hoàn thuế/không thu thuế với hàng NK để sản xuất XK.
Từ những bất cập trên, VASEP đã gửi công văn tới Bộ Tài chính kiến nghị xem xét bãi bỏ quy định hải quan đến trụ sở DN kiểm tra nhập - xuất tồn nguyên vật liệu và hồ sơ hoàn thuế/không thu thuế.
Related news
Tools
Phối trộn thức ăn chăn nuôi
Pha dung dịch thủy canh
Định mức cho tôm ăn
Phối trộn phân bón NPK
Xác định tỷ lệ tôm sống
Chuyển đổi đơn vị phân bón
Xác định công suất sục khí
Chuyển đổi đơn vị tôm
Tính diện tích nhà kính
Tính thể tích ao